Sáp nhập HDBank - DaiABank: Ai sẽ có lợi?
Sau những tin đồn về một cuộc “hôn nhân” từ hồi tháng 10 năm ngoái và sau đó là lên tiếng phủ nhận, giờ đây HDBank đã chính thức cử người tham gia vào quản trị DaiABank.
Sau lần một bất thành hồi tháng 5, hôm nay 15/6, Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) đang tổ chức ĐHCĐ thường niên 2013 với hơn 90% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại hội.
Cho đến thời điểm gần 15h cùng ngày, ĐHCĐ vẫn chưa kết thúc.
Người của HDBank tham gia quản trị DaiABank
Đại hội lần này, DaiABank đã đưa các vấn đề “nóng” được cổ đông cũng như giới tài chính ngân hàng quan tâm vào chương trình nghị sự, đó là bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS cho đủ số người theo yêu cầu và thông qua phương án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2013 – 2015.
Về nhân sự, Đại hội đã thống nhất bầu bổ sung 4 thành viên, đưa tổng số thành viên HĐQT của DaiABank lên 7 người. Cả 4 ứng cử viên là ông Nguyễn Minh Đức, Chu Việt cường, Đinh Việt Phương và bà Nguyễn Thị Vân đều trúng cử.
Hai ứng viên BKS là ông Nguyễn Quang Trung và bà Trần Thị Thu Thảo cũng được bầu vào BKS của DaiABank nhiệm kỳ hiện tại.
Đáng chú ý, trong số 6 người được bầu bổ sung, có tới 3 người đến từ HDBank đó là ông Nguyễn Minh Đức (Phó TGĐ), bà Nguyễn Thị Vân (Phó GĐ Tài chính) và bà Trần Thị Thu Thảo (Phó Kiểm soát nội bộ HDBank).
2 trong số 6 người được bổ sung gồm ông Chu Việt Cường và ông Đinh Việt Phương trong khi đó đến từ Sovico Holding, nơi bà Phó chủ tịch thường trực HĐQT của HDBank là Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch.
Như vậy, sau những “tin đồn” về một cuộc “hôn nhân” từ hồi tháng 10 năm ngoái, và sau đó là sự lên tiếng phủ nhận, giờ đây HDBank đã chính thức cử người tham gia quản trị của DaiABank, mở rộng đường cho quá trình tái cơ cấu theo hướng hợp nhất/sáp nhập DaiABank - HDBank.
Ai sẽ hưởng lợi?
Tại ĐHCĐ của HDBank hồi tháng 4, trước sự quan tâm của cổ đông, đại diện HDBank cho biết đúng là HDBank và DaiABank đã có chủ trương hợp nhất/ sáp nhập và đã được NHNN đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, HĐQT cũng sẽ cân nhắc, nếu phương án mà tốt, có lợi cho cổ đông thì HĐQT mới tiến hành còn nếu không thì sẽ không thực hiện.
Ngay sau đó, một nguồn thông tin từ DaiABank cũng thừa nhận hai bên đã được sự đồng ý về chủ trương của NHNN. Tuy nhiên DaiABank còn đang “lấn cấn” một vài điều trong đó có sự lo lắng về vấn đề thương hiệu, về nhân sự.
Lần này, tại ĐHCĐ của DaiABank, ngân hàng cũng đã thông báo tới cổ đông về việc tái cơ cấu theo hai phương án, hoặc tự tái cơ cấu hoặc liên kết với một tổ chức tín dụng khác. Việc HĐQT đưa ra hai phương án đã khiến cho không ít các cổ đông bức xúc do họ kỳ vọng DaiABank sẽ giải quyết nhanh việc hợp nhất/sáp nhập với HDBank.
Được biết, về phương án kết hợp với một tổ chức tín dụng khác, HDBank và DaiABank đã ký một thỏa thuận, trong đó đáng chú ý là tỷ lệ hoán đổi là 1:1 và ngân hàng sau hợp nhất/sáp nhập cũng sẽ sử dụng toàn bộ nhân sự của DaiABank.
Theo đánh giá của một số cổ đông DaiABank, rõ ràng tỷ lệ hoán đổi 1:1 là quá có lợi cho cổ đông của ngân hàng. Hợp nhất/ sáp nhập với một ngân hàng có tiềm năng và mạnh hơn DaiABank như HDBank sẽ giúp ngân hàng phát triển tốt hơn, tái cơ cấu nhanh hơn.
Cũng theo các cổ đông này, các cổ đông lớn là ACB đã thoái vốn, nhóm công ty Tín Nghĩa cũng đã bán cổ phần...cho nhóm cổ đông mới nên tốt nhất là HĐQT quyết định nhanh về phương án tái cơ cấu theo hướng hợp tác với HDBank.
Mặc dù bắt đầu từ buổi sáng, tuy nhiên cho đến thời điểm này, ĐHCĐ của DaiABank vẫn chưa kết thúc do còn một số vấn đề chưa giải quyết xong.
Theo Cafef