Bình luận
"Trong thời đại mà các chính trị gia của nước Anh thiếu trung thực, những chàng trai trẻ tuổi tuyển Anh đã trở thành tấm gương cho tất cả", nhà văn Simon Hattenstone viết trên Guardian.
Dòng bình luận đó cho thấy chung kết Euro 2020 có ý nghĩa lớn thế nào với người Anh. Thành tích của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nước này đã vượt qua khuôn khổ của giải đấu bóng đá thông thường.
Hơn cả một trận chung kết
Lần đầu tiên sau 55 năm, ĐTQG Anh mới lại vào chung kết một giải đấu lớn. Mùa hè năm 1966, giữa ánh nắng mặt trời của London, nữ hoàng Anh Elizabeth - khi đó 40 tuổi - trao cho thủ quân Bobby Moore chiếc cúp Jules Rimet.
Kể từ danh hiệu đó, hơn 5 thập niên bóng đá Anh khao khát thành công ở cấp độ ĐTQG.
Nhiều người không hiểu tại sao nền bóng đá xứ sương mù lại khát danh hiệu lâu đến vậy. Người Anh có giải đấu hấp dẫn bậc nhất (Premier League), nơi những cầu thủ xuất chúng từ khắp nơi đổ về, nhận những mức lương không tưởng. Người Anh hâm mộ bóng đá bậc nhất thế giới.
Người Anh luôn tự hào họ đã khai sinh ra bóng đá hiện đại. Ảnh: Reuters. |
Người ta sẽ mất nhiều công sức để lý giải nguyên nhân bóng đá Anh giờ mới nếm vị ngọt của thành công. Nó có thể đến từ cuộc cách mạng của LĐBĐ Anh (FA), hay việc văn hóa bóng đá nước này đã nuôi dưỡng các tài năng ra sao.
BBC dự kiến một nửa trong số 56 triệu người dân Anh sẽ xem trận chung kết Euro 2020. Lễ Giáng sinh năm ngoái, khoảng 8,1 triệu người Anh lắng nghe bài phát biểu của Nữ hoàng Elizabeth.
"Thắng hay thua vào chủ nhật này, tuyển Anh đã làm chúng ta tự hào", Hattenstone viết tiếp. Nhiều năm qua, nước Anh vật lộn với những vấn đề nội tại.
Bóng đá, môn thể thao được người Anh yêu thích nhất, cũng chịu chung số phận. Năm 2014, chỉ 4% người Anh được YouGov khảo sát tin "Tam sư" có cơ hội vô địch World Cup. Năm 2018, con số đó là 7%.
Thay vì sự ngạo mạn và tự tôn thái quá của thập niên trước, niềm hy vọng mà người Anh dành cho đội tuyển quốc gia đã xói mòn theo năm tháng.
Phải tới khi đội bóng của HLV Gareth Southgate vào đến bán kết World Cup 2018, người Anh mới tự hào mà hô vang "Bóng đá đang về nhà" (Football is coming home).
Financial Times đã so sánh Southgate với Harold Wilson và Tony Blair, hai chính trị gia có ảnh hưởng lớn đến nước Anh. HLV 50 tuổi đã tạo ra một tuyển Anh đoàn kết và khiêm tốn bậc nhất trong lịch sử.
Từng là tuyển thủ Anh, nhưng Southgate chưa bao giờ được xem như ngôi sao sáng nhất của nền bóng đá. Southgate cũng bước vào cuộc phỏng vấn cho ghế HLV trưởng tuyển Anh với bản CV khiêm tốn. Đó là 6 năm ông dẫn dắt Middlesbrough và đội U21 Anh.
Thành công của "Tam sư" ở Euro 2020 đã làm xoa dịu một đất nước đang bị chia rẽ về quan điểm chính trị, cách đối phó với dịch bệnh hay những vấn đề hậu Brexit (thuật ngữ phổ biến để chỉ việc Vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU).
Tuyển Anh đã tạo ra kỳ tích ở Euro 2020. |
Cú hích cho nền kinh tế
Với nhiều đất nước, thành tích của đội tuyển quốc gia mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Nước Anh không là ngoại lệ.
Nghiên cứu của ngân hàng Deutsche Bank đầu tháng này chỉ ra việc Anh vào chung kết Euro 2020 đã giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng ròng thêm 90 triệu bảng (tương đương 104 triệu USD).
Các cư dân bản địa lẫn cổ động viên ngoại quốc đã chi hơn 40 triệu bảng mua sắm và ăn uống trong giai đoạn diễn ra Euro. Bên cạnh đó, 6 trận đấu của Euro 2020 tổ chức tại Wembley cũng mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế.
"90 triệu bảng chỉ là con số ước tính cho tới lúc này, vì nếu Anh vô địch Euro 2020, ảnh hưởng tích cực của nó lên kinh tế sẽ tạo ra con số lớn hơn nhiều", các chuyên gia của Deutsche Bank phân tích. "Người Anh yêu bóng đá hơn bất cứ môn thể thao nào khác, và thành công của 'Tam sư' sẽ giúp đất nước hưởng lợi lớn".
Đầu tháng này, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết nền kinh tế nước này đã trải qua năm tồi tệ nhất kể từ 1709. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 9,9% trong năm 2020, mức suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê số liệu GDP những năm 1940.
Đại dịch Covid-19 khiến nước Anh chịu thiệt hại gấp đôi so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/09, thời điểm GDP nước này giảm 4,1%. Ngày 10/7, EU cho biết tổng chi phí cuối cùng mà chính phủ Anh phải trả cho cuộc "ly dị" giữa cả hai là 40,8 tỷ bảng (56,5 tỷ USD).
Đó là khoản chi phí có thể đánh mạnh vào kinh tế Anh, và một lần nữa gây ra chia rẽ trong lòng đất nước. Times bình luận may cho chính phủ Anh rằng thành công của ĐTQG nước này đã tạm thời làm xoa dịu và hàn gắn đất nước.
Đồng thời, thành tích ở Euro 2020 về lâu dài sẽ tạo ra cú hích kinh tế lớn.
Thành tích của tuyển Anh giúp đoàn kết người dân Anh. Ảnh: Reuters. |
Sky News trích dẫn một nghiên cứu vào năm 2014 cho biết, nếu tuyển Anh vào chung kết World Cup trên đất Brazil, nền kinh tế xứ sương mù sẽ tăng thêm 2,58 tỷ bảng nhờ chi tiêu của người dân.
Ở giải đấu năm đó, Anh bị loại ngay từ vòng bảng. Một thống kê khác chỉ ra vào tháng 7/2006, sức mua trung bình trên tháng của người dân Anh đã giảm 0,3% sau khi "Tam sư" bị Bồ Đào Nha loại ở World Cup.
Người dân Anh yêu bóng đá cuồng nhiệt và khi niềm tự hào dân tộc của đất nước thua trận, họ giảm việc mua sắm.
Ở khía cạnh khác, thành công của tuyển Anh còn mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán. 6 tháng sau chức vô địch Euro 2004, thị trường chứng khoán Hy Lạp tăng trưởng 20%. Các quốc gia từng vô địch Euro khác như Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực tương tự.
Người ta không lạ gì mối quan hệ giữa thành tích của ĐTQG với sự phát triển của một đất nước. Với nước Anh, quê hương của bóng đá hiện đại, điều đó chính xác hơn bao giờ hết.