1. Ngọn núi nào không nằm trong Bảy Núi?
Bảy Núi là 7 ngọn núi tiêu biểu trong số 37 ngọn núi ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Cuốn Những trang về An Giang của tác giả Trần Thanh Phương được xuất bản năm 1984 có đề cập tên 7 ngọn núi nổi tiếng vùng Thất Sơn gồm núi Cấm, núi Dài Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Dài, núi Tượng, núi Két và núi Nước. Ảnh: Nguyễn Hoàn Hảo. |
2. Ngọn núi nào cao nhất miền Tây Nam Bộ?
Phong cảnh vùng Thất Sơn vốn là điểm nhấn khác biệt của miền châu thổ. Trong đó, núi Cấm với chiều cao 705 m, được xem là “nóc nhà của Đồng bằng sông Cửu Long”. Vồ Bồ Hong (hay điện Bồ Hong) là nơi cao nhất trên đỉnh núi Cấm và trong dãy Thất Sơn. Thời gian gần đây, hoạt động cắm trại, săn mây và khám phá thiên nhiên ở núi Cấm mở ra cái nhìn mới mẻ hơn về du lịch miền sông nước. Ảnh: Nhà Của Mây. |
3. Đỉnh núi Cấm có bức tượng nào được xác lập kỷ lục?
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm thuộc chùa Phật Lớn. Tượng có chiều cao gần 34 m, đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và chiếc bụng to đặc trưng. Theo nhiều nhà chuyên môn, bức tượng này đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc và hài hòa giữa không gian núi rừng. Tượng sở hữu danh hiệu "Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam" vào năm 2006 và được công nhận là "Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á" vào năm 2013. Ảnh: Tranvuvuong194. |
4. Ngọn núi nào dài nhất trong Bảy Núi?
Núi Dài có tên chữ là Ngọa Long Sơn (núi rồng nằm) hoặc núi Dài Lớn. Núi có độ cao 580 m, dài 8.000 m, là ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn. Tại đây có nhiều loại gỗ quý, chim, thú rừng, vườn cây ăn trái và thắng cảnh. Nằm trên điểm cao của núi Dài là căn cứ Ô Tà Sóc, nơi đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: Flowervillage_02012016. |
5. Núi Dài Năm Giếng còn được gọi là gì?
Núi Dài Năm Giếng có tên chữ là Ngũ Hồ Sơn, còn được gọi là Núi Dài Nhỏ. Tên gọi núi này bắt nguồn từ việc núi có 5 nơi mặt đất trũng sâu như giếng nước. Núi tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, vườn cây trĩu quả quanh năm. Núi Dài Năm Giếng nằm đối diện với núi Két. Ảnh: Nguyễn Hoài Bảo. |
6. Núi Két còn có tên gọi nào khác?
Núi Két có tên chữ là Anh Vũ Sơn, hay núi Ông Két theo cách gọi của người hành hương. Núi có hình khối tròn, cao 225 m, dài và rộng hơn 1.100 m. Đường lên đỉnh do người dân lên núi kiếm củi tạo thành. Khung cảnh rừng núi còn vẻ nguyên sinh, thanh tịnh. Nơi đây cũng có nhiều phiến đá với hình dạng tự nhiên độc đáo. Gần trên đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra, theo sự mường tượng của nhiều người, nó có hình dạng như đầu một con chim két. Ảnh: Langthang.angiang. |
7. Núi nào còn được gọi là Phụng Hoàng Sơn?
Phụng Hoàng Sơn là tên gọi khác của núi Cô Tô. Núi Cô Tô cao thứ nhì trong dãy Thất Sơn, đạt 614 m. Vì ở vùng bán sơn địa và do cấu tạo địa chất đặc biệt, nhiều nơi bên trong núi là một hệ thống hang động ngầm như tổ ong lớn, rất kiên cố và vững chắc. Nơi đây là một trong những điểm cắm trại được nhiều người yêu thích. Du khách có thể ngắm hoàng hôn hoặc bình minh, chiêm ngưỡng khung cảnh núi đồi, đồng lúa từ trên cao. Ảnh: Phuonganna1997. |