Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ y tá Mỹ lý giải nguyên nhân đưa 2.700 trẻ rời Sài Gòn

Một phụ nữ Mỹ tham gia chiến dịch Không vận Trẻ em năm 1975 cho rằng, việc đưa trẻ mồ côi Việt ra nước ngoài là giải pháp cuối cùng để bảo đảm các em tiếp tục sống và trưởng thành.

Sơ Susan Carol McDonald chăm sóc trẻ em mồ côi Việt Nam.
Xơ Susan Carol McDonald chăm sóc trẻ mồ côi Việt Nam.

"Tôi luôn nói với những đứa trẻ rằng, mẹ ruột vô cùng yêu thương các con. Tôi khuyên mỗi người nên tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Từ đó, họ sẽ thấu hiểu và thông cảm hơn cho mẹ. Hoàn cảnh chiến tranh, đói nghèo năm xưa buộc những bà mẹ phải đưa ra quyết định đau đớn khi từ bỏ con", xơ Susan Carol McDonald chia sẻ với phóng viên Zing.vn.

Bà Susan là một trong những y tá Mỹ tình nguyện đến Sài Gòn để chăm sóc trẻ mồ côi vì chiến tranh. Xơ bắt đầu làm việc tại cô nhi viện New Heaven từ tháng 5/1973. Khi đó, Susan 28 tuổi.

Nỗi ám ảnh của những trẻ bị đưa khỏi Sài Gòn năm 1975

Dù trưởng thành trong sự yêu thương của gia đình nhận nuôi ở nước ngoài, nhiều trẻ em Việt Nam luôn day dứt với các câu hỏi về cội nguồn, quê hương và gia đình ruột thịt.

 

Lựa chọn khó khăn

Tình hình chiến sự ở Việt Nam ngày càng khốc liệt vào những năm 1970 của thế kỷ 20. Nhiều ngôi làng bị bom đạn của Mỹ tàn phá, tình trạng đói nghèo và thất nghiệp gia tăng.

“Một số bà mẹ bỏ con ở bệnh viện, trại mồ côi, thậm chí đầu đường, xó chợ. Tôi tin chắc họ vô cùng đau lòng khi phải xa con. Tất cả bà mẹ đều thương yêu đứa con do mình dứt ruột đẻ ra. Tuy nhiên, việc tự nuôi sống bản thân đã là điều khó khăn khi ấy. Do vậy, cho con đi là lựa chọn cuối cùng và tốt nhất cho đứa trẻ mà họ có thể làm”, xơ Susan nói.

Những em bé mồ côi tại trung tâm New Heaven.
Những em bé mồ côi tại trung tâm New Heaven.

Vào giai đoạn cuối cuộc chiến tranh, xơ Susan cho biết số lượng trẻ sơ sinh trong các cô nhi viện đến hàng nghìn em. Do nguồn thực phẩm ngày càng hạn chế và giá cả leo thang, các y tá chỉ có thể pha nước cơm loãng cho trẻ uống. Vì thiếu chất dinh dưỡng nên nhiều bé nhanh chóng bị bệnh và qua đời.

"Phần lớn trẻ bị nhiễm trùng ở ngực, tiêu chảy hoặc suy dinh dưỡng cấp. Bản thân tôi từng chôn khoảng 40 em bé khi làm việc tại Việt Nam", bà Susan nhớ lại.

Ngoài việc chăm sóc trẻ, xơ và các đồng nghiệp tích cực tìm gia đình Việt Nam có khả năng nhận nuôi những em bé mồ côi.

"Phần lớn các gia đình cũng đang cưu mang nhiều trẻ bị bỏ rơi khác. Do vậy, chúng tôi tính đến chuyện liên hệ với những phụ huynh ở Mỹ. Nếu các em tiếp tục sống trong cô nhi viện với điều kiện túng thiếu như vậy, không ai có thể bảo đảm tương lai", xơ Susan kể.

Chiến dịch đưa 2.700 trẻ em Việt rời Sài Gòn 40 năm trước

Đầu tháng 4/1975, quân đội Mỹ thực hiện chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em) để đưa hàng nghìn người con Việt rời quê hương.

Khoảnh khắc cuối của trẻ Babylift trước khi rời Sài Gòn

Các em bé rời Sài Gòn cách đây 40 năm còn rất nhỏ, khóc nhè trên tay bảo mẫu hoặc víu áo tình nguyện viên trên đường ra sân bay Tân Sân Nhất.

Xơ khẳng định việc gửi trẻ em Việt Nam đến các gia đình nuôi ở nước ngoài không phải giải pháp tốt nhất. "Điều tốt nhất là các em được sống ở Việt Nam. Mọi đứa trẻ có quyền trưởng thành tại quê hương nó sinh ra".

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chiến tranh, không nhiều gia đình có thể nhận thêm trẻ về nuôi. Trong khi đó, cái chết là tương lai gần như chắc chắn. "Các em phải sống tiếp. Tôi tin rằng những người mẹ đẻ sẽ hiểu cho quyết định này, để con của họ lớn lên trong một gia đình khác chứ không phải bỏ mạng ở cô nhi viện", xơ Susan giải thích.

Tham gia chiến dịch Babylift

Từ tháng 4/1975, các chuyến bay thương mại nước ngoài không tiếp tục đến Việt Nam. Đại sứ quán Mỹ yêu cầu công dân nước này khẩn trương sơ tán khỏi Sài Gòn. Tuy nhiên, xơ Susan quyết định không đi vội mà nán lại chăm sóc trẻ mồ côi.

"Tôi không ngừng kêu gọi chính phủ Mỹ hỗ trợ đưa các em khỏi Việt Nam. Đó là vấn đề về sự sống và cái chết của bọn trẻ. Tổng thống Gerald Ford sau đó tuyên bố Mỹ sẽ hành động. Ngoài mục đích nhân đạo mà Nhà Trắng đã nói, tôi nghĩ chiến dịch Operation Babylift (Không vận Trẻ em) có thể mang nhiều ý nghĩa khác, như tạo ấn tượng tốt cuối cùng về người Mỹ sau thất bại ở cuộc chiến này".

Sơ Susan (áo trắng, trái) đặt các trẻ mồ côi vào lồng nhựa để chuẩn bị đưa lên máy bay chở chúng rời Việt Nam.
Xơ Susan (áo trắng, trái) đặt trẻ mồ côi vào lồng nhựa để chuẩn bị đưa lên máy bay.

Chiến dịch Babylift gây tranh cãi trong chính dư luận Mỹ. Những người phản đối cho rằng, không ai có quyền tách một đứa bé khỏi quê hương ruột thịt, vì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực khi trẻ trưởng thành ở môi trường xa lạ.

Tuy nhiên, xơ Susan nói: "Tôi chỉ muốn những em bé có cơ hội sống tiếp, để chúng có thể tự quyết định tương lai của mình".

Ngày 4/4/1975, Mỹ điều máy bay C5A, phi cơ vận tải lớn nhất thời đó, đến Sài Gòn để chở trẻ rời Việt Nam. Xơ Susan và các y tá chỉ chuyển 22 bé khỏe mạnh nhất tại trung tâm lên máy bay.

Vài phút sau khi cất cánh, máy bay rơi ở cánh đồng gần sân bay Tân Sơn Nhất vì hệ thống trục trặc. Khi hay tin dữ, xơ Susan và các đồng nghiệp đến ngay bệnh viện. "Chúng tôi không khóc vì đây không phải là lúc để đau buồn", bà kể.

Họ đưa những trẻ sống sót về New Heaven để chăm sóc. Chiến dịch Babylift tiếp tục với hàng loạt chuyến bay đáp và cất cánh rời sân bay Tân Sơn Nhất. Máy bay vận tải C-141 chở xơ Susan và khoảng 200 trẻ mồ côi vào ngày 26/4/1975, 3 ngày trước khi người Mỹ hoàn toàn sơ tán khỏi Sài Gòn.

Hiện trường tai nạn máy bay Babylift ngày ấy, bây giờ

Cây cối, đồng lúa tốt tươi bao phủ hiện trường vụ tai nạn của máy bay Mỹ chở trẻ mồ côi Việt 40 năm trước.

Nỗ lực kết nối trẻ Babylift với quê hương

Sau khi về đến Mỹ và bàn giao trẻ em Việt Nam cho các gia đình đăng ký nhận nuôi, xơ Susan vẫn chưa kết thúc công việc của mình. Bà ghi chú và sắp xếp cẩn thận thông tin, hình ảnh của những em bé mồ côi, duy trì liên lạc với các gia đình có trẻ Babylift. Hiện xơ Susan giữ liên hệ với khoảng 1.000 con nuôi người Việt trên toàn thế giới.

Năm 2010, sơ Susan (áo xanh, bìa trái) cùng đoàn trẻ Babylift về thăm hiện trường tai nạn máy bay C5A chở trẻ Babylift năm 1975.
Năm 2010, xơ Susan (áo xanh, bìa trái) cùng đoàn trẻ Babylift về thăm hiện trường tai nạn máy bay chở trẻ Babylift năm 1975.

Năm 1985, xơ Susan cho ra mắt sách For Children Cannot Wait. Quyển sách là một trong những mảnh ghép thông tin để trẻ Babylift có thể hiểu về hoàn cảnh năm xưa, từ đó thông cảm với quyết định đau lòng của các bà mẹ khi phải từ bỏ con.

Xơ cũng không ngừng dặn dò những bố mẹ nuôi: “Người lớn cần giúp các em hiểu rằng mẹ ruột vô cùng thương yêu con của họ. Nhưng vì nhiều lý do, như hoàn cảnh nghèo đói, bệnh tật, khiến mẹ không đủ khả năng nuôi chúng. Do vậy, điều tuyệt vời nhất là giúp các em tìm lại gia đình ở Việt Nam".

Ở tuổi ngoài 70, xơ Susan vẫn đồng hành cùng các nhóm trẻ Babylift, nay đều trưởng thành, trong những chuyến trở về Việt Nam, "để các cháu có thể tận mắt nhìn thấy quê hương tươi đẹp của mình".

Nỗi ám ảnh của những trẻ bị đưa khỏi Sài Gòn năm 1975

Dù trưởng thành trong sự yêu thương của gia đình nhận nuôi ở nước ngoài, nhiều trẻ em Việt Nam luôn day dứt với các câu hỏi về cội nguồn, quê hương và gia đình ruột thịt.

Gặp lại cha sau hơn 30 năm bị đưa khỏi Sài Gòn

Ngay trong lần đầu gặp mặt sau hơn 3 thập kỷ ly tán, đứa trẻ bị đưa khỏi Sài Gòn năm 1975 thắc mắc sao cha có thể gửi mình ở trại trẻ mồ côi.

Minh Anh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm