Chị Mã Thanh Loan (33 tuổi) cũng là người trẻ tuổi nhất trong danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2016-2021.
Đảm bảo đáp ứng mức sống tối thiểu của công nhân
- Đồng Nai có tới hơn 800.000 công nhân. Tuy nhiên, đời sống sinh hoạt, giáo dục, y tế vẫn còn nhiều khó khăn. Với tư cách là một ứng viên ĐBQH, chị đề xuất những giải pháp gì nâng cao chất lượng sống cho họ?
- Hiện tại cuộc sống vật chất của công nhân khá thiếu thốn vì phải làm việc cường độ cao nhưng tiền lương chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Đa số công nhân phải làm tăng ca, thêm giờ để gia tăng thu nhập trong khi các loại chi phí và giá cả sinh hoạt không ngừng tăng.
Bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau, thai sản…là những vấn đề cơ bản mà an sinh xã hội cần giải quyết đối với công nhân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp do tiết kiệm chi phí nên đã cắt giảm các khoản này, điều này làm cho cuộc sống của công nhân càng trở nên bấp bênh.
Do đó, nếu là ĐBQH, tôi sẽ kiến nghị các chính sách sao cho việc tính toán mức lương tối thiểu phải dựa trên các căn cứ như chỉ số giá tiêu dùng, đời sống lao động, sự chênh lệch mức lương giữa các vùng… để đảm bảo đáp ứng mức sống tối thiểu của công nhân.
Chị Mã Thanh Loan là người tự ứng cử ĐBQH duy nhất của tỉnh Đồng Nai. Ảnh tư liệu. |
- Hiện lương công nhân đang ở mức thấp, trong khi đó chi phí sinh hoạt, đặc biệt là chi phí thuê nhà rất cao. Vậy theo chị, vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân nên được giải quyết như thế nào?
- Căn hộ giá rẻ thì giá cũng từ 400-500 triệu. Nên với mức thu nhập quá thấp cộng với sự bấp bênh trong việc làm đã khiến người công nhân khó hiện thực hóa nhu cầu nhà ở của mình.
Từ thực tế đó, tôi sẽ kiến nghị các chính sách cho công nhân có nhà ở thông qua nhiều hình thức như: thuê, mua trả góp, trả chậm với giá thành phù hợp. Ngoài ra cũng cần bổ sung quy định việc xây dựng nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của các doanh nghiệp và chủ đầu tư sử dụng nhiều công nhân lao động.
Đảm bảo mức lương và chế độ phúc lợi xã hội cho người lao động
- Chị là chủ của một doanh nghiệp, nếu trúng cử chị đồng thời cũng là một đại biểu đại diện cho quyền lợi của người dân. Trong trường hợp có một cuộc xung đột giữa quyền lợi công nhân và quyền lợi người chủ doanh nghiệp. Chị sẽ chọn cho mình vị trí nào? Đứng về phía công nhân hay bảo vệ quyền lợi của những người chủ?
- Nhiều người quan niệm rằng lợi ích của công nhân và chủ doanh nghiệp luôn đối kháng nhau, vì lương và các chế độ phúc lợi của công nhân là chi phí của doanh nghiệp, nên chủ doanh nghiệp muốn chi phí lương càng thấp để được hưởng lợi nhuận càng cao.
Tuy nhiên theo quan điểm của tôi là chủ doanh nghiệp, tôi quan tâm đến bài toán lợi ích tối ưu hơn là chi phí tối thiểu. Nếu doanh nghiệp đảm bảo được mức lương và chế độ phúc lợi xã hội hợp lý cho người lao động, họ sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, năng suất lao động cao hơn, nhiệt tình, tìm tòi sáng tạo trong công việc.
Đây là một chiến lược quản trị nhân lực đúng đắn, đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
- Nông dân gần đây cũng chịu nhiều tai tiếng về việc dùng hoá chất trong chăn nuôi, rau củ quả. Là đại biểu quốc hội, chị đề xuất hướng giải quyết như thế nào để người tiêu dùng có thực phẩm sạch, người nông dân bán được sản phẩm của mình?
- Khi tôi tiếp xúc với cử tri tại huyện Thống Nhất và Trảng Bom nơi có nhiều cơ sở chăn nuôi, người dân ở đây rất bức xúc do một số hộ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, và một số nguồn thịt kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam, dẫn đến tai tiếng cho cả ngành chăn nuôi tại Đồng Nai, gây ra tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, làm thiệt hại lớn cho những hộ chăn nuôi chân chính.
Theo tôi giải pháp quan trọng là nâng cao vai trò của hiệp hội nông nghiệp. Hiện tại mối liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) còn khá lỏng lẻo, hiệu quả của sự hợp tác chưa cao do thiếu sự điều phối của “nhạc trưởng”, thường là các hiệp hội nông nghiệp. Tại các nước phát triển, các hiệp hội nông nghiệp hình thành pháp nhân độc lập, có quy định hoạt động chặt chẽ với các hội viên, có chế tài đối với các thành viên vi phạm.
Điều này giúp làm giảm tình trạng rất nhiều thành viên trong các hiệp hội nông nghiệp cùng thống nhất với nhau về giá bán nông sản, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp và nông dân tự hạ giá thấp hơn mức đã thỏa thuận cho dễ bán, dẫn đến tình trạng cạnh tranh ngay trên sân nhà, đẩy giá xuất khẩu nông sản Việt Nam xuống mức thấp so với các nước khác trong khu vực.
Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản sẽ làm giảm tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” muôn thuở của nông dân Việt Nam.
Trong khi đó tại các nước như Thái Lan, khi trái cây chưa bán được, doanh nghiệp sẽ thu mua và chế biến thành nước ép, hay đóng hộp, sấy khô để bán ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngành chế biến nông sản phát triển sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nhiều cho nông sản Việt Nam so với tình trạng “bán tươi” và “xuất thô” như hiện nay, góp phần tăng thu nhập của người nông dân và doanh nghiệp tham gia chế biến.
Mã Thanh Loan, sinh năm 1983, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; là Cử nhân Kinh tế, chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh quốc tế tại Mỹ và hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH Auxesia.