Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nữ thần bóng chuyền Hàn Quốc trả giá đắt vì chiêu trò

Hai chị em tuyển thủ họ Lee bị cấm thi đấu sau khi thừa nhận cáo buộc bạo lực học đường. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi tại sao nạn nhân phải mất 10 năm mới đứng ra tố cáo?

Bình luận

nu than bong chuyen Han Quoc anh 1

Hôm 15/2, Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong bị đội bóng chủ quản Heungkuk Life cấm thi đấu vô thời hạn. Tiếp đó, Hiệp hội Bóng chuyền Hàn Quốc (KOVO) cũng loại chị em họ Lee khỏi danh sách tuyển quốc gia, tham dự Olympic Tokyo hay Volleyball Nations League.

Vụ việc của chị em họ Lee có thể sẽ không bao giờ bị phanh phui, nếu hai người không "bày trò" để trở thành nạn nhân trong một vụ việc khác tại CLB Heungkuk Life.

nu than bong chuyen Han Quoc anh 2

Chị em Lee trả giá đắt vì những chiêu trò. Ảnh: Hani.

Hiệu ứng Boomerang

Khi ném một chiếc boomerang, nó sẽ quay trở lại vị trí ném. Vì vậy nếu không cẩn thận, người ném có thể bị boomerang đập lại. Câu chuyện của cặp chị em bóng chuyền nổi tiếng Hàn Quốc Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong cũng tương tự như vậy.

Hai chị em họ Lee không chỉ là trụ cột của câu lạc bộ, đội tuyển bóng chuyền quốc gia mà còn nổi tiếng xinh đẹp. Khi đã tạo dựng được tên tuổi và có tiếng nói, Jae-yeong và Da-yeong được cho là có ý định thao túng, cầm đầu ở đội bóng. Dù vậy, Kim Yeon-koung, "thánh nữ bóng chuyền Hàn Quốc" không chấp nhận điều này.

Vụ lùm xùm bắt nguồn từ nội bộ đội bóng, sau khi Kim Yeon-koung trao đổi với ban huấn luyện rằng những đường chuyển của Da-yeong chưa phù hợp với bước vào đà và khả năng tấn công của cô.

Phải thi đấu dưới sự chỉ dẫn của tiền bối Kim, hai chị em họ Lee cảm thấy ấm ức. Họ liên tục đăng trên mạng xã hội những dòng trạng thái ẩn ý như "tôi đã quá mệt mỏi", "kẻ bắt nạt bao giờ chẳng vui, nhưng kẻ bị bắt nạt thì lại chỉ muốn chết" hay "cứ cậy lớn tuổi để bắt nạt người nhỏ hơn thế ư?".

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Da-yeong từng tự tử bất thành, kèm theo một bức tâm thư đóng vai người bị hại. Điều này khiến người hâm mộ quay lưng với Kim Yeon-koung. Trong lúc chị em họ Lee đang đóng vai nạn nhân để dồn ép người đàn chị, những nạn nhân bị bắt nạt bởi hai chị em cô đã quyết định lên tiếng.

Họ bất ngờ bị một người giấu tên (A) tố cáo về bạo lực học đường. Theo A, vụ bạo lực đã xảy ra cách đây 10 năm, nhưng nó trở thành nỗi ám ảnh, khiến cô không thể quên được. Không chỉ có mình A mà còn có nhiều nạn nhân nữa. Họ bị chị em Lee bắt nạt khi cùng phòng. Mỗi khi ký túc xá tắt đèn, chị em Lee ra tay, chửi rủa và xúc phạm cả bố mẹ các nạn nhân. Thậm chí, chị em Lee còn dùng dao để uy hiếp.

Ngay sau đó, hai chị em họ Lee đã thừa nhận hành vi bắt nạt trong quá khứ. Họ đăng bức thư tay lên mạng xã hội: "Tôi là vận động viên bóng chuyền Lee Da-yeong. Tôi vô cùng xin lỗi những người đã bị tổn thương vì hành động sai trái của mình trong quá khứ. Tôi thực sự xin lỗi vì đã gây thất vọng cho mọi người".

nu than bong chuyen Han Quoc anh 3

Kim Yeon-koung (số 10) trở thành người bị hại trong vụ việc của chị em Lee. Ảnh: Hani.

Lúc này, người hâm mộ bóng chuyền quay ngoắt 180 độ, đứng về phía Kim Yeon-koung. "Cô ấy đã từ chối mức lương hậu hĩnh, thi đấu nước ngoài, để cống hiện cho đội tuyển, lúc nào cô ấy cũng cố gắng tập trung vào chuyên môn để vực dậy đội bóng. Vậy mà có những người không tập trung thi đấu, suốt ngày lên mạng than thở", một tài khoản bình luận.

Ngôi sao tuyển bóng Hàn Quốc khi đó chỉ im lặng trước truyền thông. Cho tới lúc án cấm thi đấu dành cho chị em họ Lee được đưa ra, Kim mới chia sẻ một bức ảnh gắn gọn, nhưng gây ấn tượng mạnh: "Sự trả thù tốt nhất là không phải trả thủ. Tiến lên. Hãy hạnh phúc".

Vết nhơ của thể thao Hàn Quốc

Vụ việc của chị em họ Lee gây chấn động giới thể thao Hàn Quốc. Đội bóng chủ quản Heungkuk Life phải tổ chức cuộc họp khẩn để đưa ra quyết định cấm thi đấu vô thời hạn với Jae-yeong và Da-yeong. Tiếp đó, KOVO cũng loại hai chị em họ Lee ra khỏi danh sách tuyển quốc gia.

Theo nhiều giáo sư Hàn Quốc, vấn nạn bạo lực học đường trong thể thao không chỉ giới hạn ở những vấn đề ngắn hạn và mang tính cạnh tranh. Vấn nạn bạo lực học đường thể thao đã tồn tại 50 năm qua.

"Thể thao Hàn Quốc là sự hy sinh của 99% cho 1% những người giành huy chương. Vì vậy, miễn là họ giành huy chương hoặc thể hiện tốt, một huấn luyện viên hoặc cầu thủ có thể nắm giữ quyền lực khổng lồ và bạo lực của họ được xem là chính đáng", giáo sư Chung Yong-chul nói với Korea Herald.

Theo Yonhap, có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh các vận động viên bị đội trưởng, huấn luyện viên dùng bạo lực. Trong những năm gần đây, ngoài mối quan hệ giữa ban huấn luyện - vận động viên, phạm vi nhân quyền giữa đàn anh - đàn em càng trở nên có khoảng cách.

Giữa năm 2020, Choi Suk-hyeon, nữ vận động viên 3 môn phối hợp, tự sát sau nhiều năm bị bạo hành thể chất và tinh thần bởi huấn luyện viên đội, bác sĩ và hai đồng đội lớn hơn. Trước khi tự tử, Choi từng tìm kiếm sự giúp đỡ bằng việc nộp đơn khiếu nại và kiến nghị với chính quyền.

nu than bong chuyen Han Quoc anh 4

Bóng chuyền nữ Hàn Quốc gặp tổn thất lớn, nhưng đưa ra quyết định đúng đắn. Ảnh: Yonhap.

Kim Byeong-jin, giáo sư Viện Nghiên cứu Khoa học Thể thao của Đại học Inha, cho biết: "Không có lựa chọn nào khác ngoài việc có những người nắm quyền lực trong một đội thể thao. Rất khó để loại bỏ nó, nên chúng ta cần phải cải thiện bằng hệ thống giám sát và giáo dục".

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng vấn đề vi phạm nhân quyền trong thể thao có thể bị coi là một vấn đề cá nhân nếu chỉ tập trung chỉ trích một số thủ phạm.

"Trường hợp của hai chị em Lee có thể được nêu ra vì họ là những vận động viên nổi tiếng. Đó là lý do chúng ta nên tập trung vào những thay đổi trong giới thể thao, mà không đi quá vào trọng tâm", giáo sư Jeong Yong-cheol cho biết.

Năm 2019, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc khảo sát 63.211 vận động viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, 14,7% tổng số người được hỏi trả lời rằng họ từng bị bạo lực thể chất. Nếu những con số này tiếp tục gia tăng, nó sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát.

Truyền thông Hàn Quốc cho biết nhà chức trách cần đối mặt để vượt qua, mà không nên né tránh. Những người vi phạm không nên kết thúc bằng việc bị kỷ luật, mà cần thể hiện sự thành khẩn thông qua những nỗ lực thiết thực, như tham gia các hoạt động tình nguyện xóa bỏ bạo học đường. Chỉ khi đó, vấn nạn bạo lực học đường mới có thể biến mất.

'Nữ thần bóng chuyền' Hàn Quốc bị CLB cấm thi đấu vĩnh viễn

Cặp chị em Lee Jae-yeong và Lee Da-yeong bị đội bóng chủ quản Heungkuk Life cấm thi đấu vô thời hạn sau khi thừa nhận cáo buộc bạo lực học đường.

Tiến Đạt

Bạn có thể quan tâm