Trong bài viết đăng ngày 22/5, tờ Tân Hoa Xã nhận định nền giải trí Hoa ngữ đang trải qua thời kỳ bùng nổ chương trình tạp kỹ. Các nhà sản xuất nỗ lực tạo ra nhiều show truyền hình mới lạ, đáp ứng nhu cầu của khán giả.
Tuy nhiên, có không ít chương trình vấp phải làn sóng chỉ trích liên quan đến nội dung phản cảm. Theo Tân Hoa Xã, ngoài vấn nạn muôn thuở nhà sản xuất dùng chiêu trò chưa phù hợp gây chú ý, hiện tại, còn nảy sinh làn sóng chênh lệch và phân biệt giới tính nghiêm trọng trong game show ở Trung Quốc.
Cảnh quay thiếu tôn trọng phái yếu
Tôi là nữ diễn viên đang là chương trình bị tẩy chay trên mạng xã hội, khi khán giả đồng loạt cáo buộc nhà sản xuất phân biệt đối xử với nữ giới, Sina đưa tin.
Công chúng kêu gọi Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình vào cuộc, nghiêm khắc chấn chỉnh và loại bỏ show giải trí tạo ra nội dung ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Cảnh gây tranh cãi trong Tôi là nữ diễn viên. Ảnh: Sohu. |
Trong tập 5 vừa lên sóng cách đây không lâu của Tôi là nữ diễn viên, ê-kíp chọn cảnh phim Hương Phi bị Càn Long cưỡng bức trong Hoàn Châu cách cách làm đề thi diễn xuất cho thí sinh của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh.
Cảnh phim do nam diễn viên Trịnh Nguyên Sướng và các nữ sinh viên đóng chính. Họ thay phiên nhau thực hiện phân đoạn để ban giám khảo đánh giá.
Thí sinh đầu tiên bước vào phần tập luyện là Cao Dung Phương. Ê-kíp chương trình gây bức xúc khi quay cận mặt và hình thể của sao trẻ trong cảnh nhạy cảm. Cảnh quay được ghi hình trước mặt giám khảo, thí sinh và hàng chục nhân viên hậu trường.
"Cao Dung Phương hoảng sợ tột độ trước hành động thô bạo của Trịnh Nguyên Sướng. Lý Trị Đình thất thần, các thí sinh xung quanh người che mặt xấu hổ, người không dám ngẩn đầu. Liệu đây có phải là thử thách hợp lý, khi chính những nhân tố trong chương trình còn không dám nhìn thẳng vào phân cảnh được thực hiện ngay trên trường quay?", Tân Hoa Xã đặt câu hỏi.
Trên mạng xã hội, khán giả bức xúc khi chứng kiến cảnh một cô gái rơi vào thế khó xử, bị xúc phạm trước mặt nhiều người. Họ đồng thời chỉ trích nhà sản xuất Tôi là nữ diễn viên thiếu tôn trọng thí sinh nữ, làm hoen ố hình ảnh của tác phẩm truyền hình kinh điển.
Chỉ sau một đêm, điểm chất lượng của chương trình lao dốc trên Douban với chỉ 2,4/10 điểm, 85% khán giả chấm một sao.
Năm ngoái, chương trình Diễn viên mời vào chỗ cũng từng gây trách cãi khi chọn trích đoạn Tiểu Yến Tử bị bạo hành trong Hoàn Châu cách cách làm đề thi. Trong bản gốc, nhân vật do Triệu Vy thủ diễn giận dỗi bỏ đi khỏi hoàng cung. Sau đó, cô xin vào làm cho một quán ăn và bị ông bà chủ tra tấn, bóc lột dã man. Cảnh phim bị khán giả đánh giá bạo lực, không phù hợp phát sóng trên show giải trí.
Vai trò mờ nhạt của nghệ sĩ nữ
Vấn đề càng bị đẩy lên cao hơn sau bài phỏng vấn của Trình Dương, Giám đốc đài Youku kiêm Tổng giám chế show Tôi là nữ diễn viên. Bà thừa nhận sai sót trong khâu lựa chọn nội dung phát sóng, không đặt cảm xúc của khán giả và thí sinh lên đầu. Nhưng không có bất kỳ lời xin lỗi nào đến nữ thí sinh Cao Dung Phương - người đã bị sốc sau cảnh quay phản cảm.
"Chúng tôi nghĩ rằng đây là cảnh quay khó, bởi Hương Phi phải trải qua 4 cung bậc cảm xúc chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Điều này đối với thí sinh là một thử thách lớn. Chương trình đã không cân nhắc kỹ càng. Chúng tôi thành thật xin lỗi và sẽ xóa cảnh quay phản cảm khỏi tập phim vừa lên sóng", Trình Dương cho biết.
Lưu Đào là giám khảo duy nhất trong show truyền hình của đài Youku. Ảnh: Sina. |
Nhiều người lên tiếng phản đối tư duy một chiều của tổ sản xuất Tôi là nữ diễn viên. Họ đồng thời dọa tẩy chay show vì phân biệt đối xử với nữ giới, cổ xúy hành vi sai trái và lợi dụng chiêu trò câu khách.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc một cô gái bị nam giới cưỡng bức trước mặt nhiều người dù điều đó chỉ là diễn xuất. Tôi có cảm giác các cô gái tham gia bị biến thành trò đùa. Từ khi nào các cảnh phim liên quan đến tình dục lại có thể dễ dàng lên sóng như vậy", một khán giả bình luận dưới bài viết của Sina.
Trên thực tế, theo QQ, chương trình Tôi là nữ diễn viên ngay khi lên sóng đã không được lòng khán giả vì mất cân bằng giới nghiêm trọng. Lưu Đào là sao nữ duy nhất có mặt trong dàn huấn luyện viên đông đảo của chương trình.
Những người đảm nhận vai trò cầm cân nảy mực cùng cô là sáu nam diễn viên, gồm Trương Hiểu Long, Nghiêm Khoan, Trịnh Nguyên Sướng, Lý Trị Đình và Bách Khắc Lực. Đáng nói, dàn ngôi sao khách mời góp mặt trong Tôi là nữ diễn viên tính đến hiện tại cũng đều là nam giới.
Trên Weibo, khán giả bày tỏ bất bình về sự chênh lệch số lượng, cán cân vai vế giữa nghệ sĩ nam và nghệ sĩ nữ. Theo China Daily, điều nay vô tình tạo nên sự bất công, một khoảng cách phân biệt giới tính vô hình trong ngành showbiz. Dàn huấn luyện viên nhiều nam, ít nữ của Tôi là nữ diễn viên khiến công chúng đặt câu hỏi về vấn đề thực lực của phái yếu.
"Ngành giải trí Hoa ngữ có rất nhiều diễn viên nữ xuất sắc, từng nhận được giải thưởng diễn xuất danh giá ở cả trong và ngoài nước. Chẳng lẽ ngoài Lưu Đào, không còn ai đủ sức chỉ dẫn cho thí sinh của Tôi là nữ diễn viên. Không dám chắc rằng dàn giám khảo nam của show có đủ kinh nghiệm để làm tốt nhiệm vụ bởi có những khó khăn trong diễn xuất chỉ phụ nữ mới hiểu nhau", China Times nhận định.
Cần thay đổi định kiến giới
Theo Tân Hoa Xã, sự mất cân bằng giới tính ở ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Số lượng nam giới giữ vị trí quan trọng trong giới vẫn đang gia tăng.
Không chỉ vậy, nghệ sĩ nam còn nắm giữ nhiều đặc quyền và cơ hội từ chối công việc. Trong khi, diễn viên nữ ngoài việc bị soi ngoại hình, còn chịu nhiều bất công so với đồng nghiệp nam.
"Ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc vẫn rất trọng nam khinh nữ. Đã có nhiều chương trình dành riêng cho phái nữ ra đời như Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng, Nghe tỷ nói hay Tôi là nữ diễn viên, nhưng thay đổi tích cực vẫn chưa diễn ra, thậm chí còn đào sâu hiện tượng tiêu cực", Nhân dân Nhật báo đánh giá.
Các nữ nghệ sĩ Trung Quốc đối mặt với nhiều hạn chế làm nghề. Ảnh: Sina. |
Sina chỉ ra Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng trong 2 mùa liên tiếp đều bị chỉ trích cùng một vấn đề là đạo diễn hình ảnh thường xuyên quay cận phần thân dưới của các nữ nghệ sĩ khi mặc trang phục ngắn. Điều này bị đánh giá là hành vi gián tiếp cổ xúy nạn quay lén dưới váy, quấy rối tình dục phụ nữ.
Dù truyền thông và khán giả nhiều lần lên án, nhưng nhà đài vẫn xem nhẹ và tiếp tục lối ghi hình phản cảm này. Trái ngược, các nghệ sĩ nam luôn được quay góc xa toàn thân khi diện trang phục ôm sát người trên sóng truyền hình. "Hành động nhỏ phản án sự bất công lớn", Sina bình luận.
Nam diễn viên Dương Địch và ê-kíp Thanh xuân hoàn du ký từng bị phê bình vì đặt ra thử thách thiếu tôn trọng với BonBon Girls 303 dù nhìn thấy họ đang mặc váy ngắn, theo Sohu.
Khi các cô gái ngại ngần và chia sẻ thật lòng rất khó để hoàn thiện thử thách với trang phục như vậy. Các thành viên trong show vẫn bắt họ làm theo với lý lẽ: "Sao các em không thử", bất chấp việc có thể đẩy BonBon Girls 303 rơi vào tình huống phản cảm, tệ hơn nữa là lộ hàng.
Theo Thanh niên Nhật báo, ngành công nghiệp giải trí tại Trung Quốc còn tồn động rất nhiều hạn chế với phái yếu. Phụ nữ chưa bao giờ được làm trung tâm trong chuỗi sinh thái nghệ thuật.
Các nghệ sĩ nữ cũng từng trải qua quãng thời gian "vô danh" như nghệ sĩ nam. Họ nỗ lực không ngừng để chứng minh tài năng và tỏa sáng ở đỉnh cao sự nghiệp. Tuy nhiên, phái nữ thường được trả lương thấp hơn đồng nghiệp nam, đồng thời bị giới hạn trong phạm vi, hành vi và thể chất.
Chẳng hạn, nhiều diễn viên nữ ở độ tuổi 30-40 chỉ được đảm nhận vai phụ nữ trung niên. Trong khi các diễn viên nam cùng độ tuổi vẫn có thể đảm nhiệm những vai chính trẻ trung. Các sao theo chủ nghĩa nữ quyền như Triệu Vy, Hải Thanh nhiều lần lên án cách đối xử bất công đối với phụ nữ, nhưng vẫn chưa đủ sức làm thay đổi cục diện.
Trang Nhân dân Nhật báo viết: "Hiện tượng bất bình đẳng giới làm tổn hại đến ngành giải trí về lâu dài. Dù diễn viên nam nổi tiếng đem lại hiệu ứng truyền thông vượt trội hơn so với đại đa số nữ giới, việc ưu ái họ vô tình 'làm loãng' và làm lãng phí tài năng của các nữ nghệ sĩ. Cần phải nhổ bỏ quan điểm lệch lạc trọng nam khinh nữ".