Những ngày qua, giới quản lý văn hóa tại Trung Quốc không ngừng lên án và phê phán hành vi vứt đổ hàng loạt thùng sữa chưa qua sử dụng xuống cống rãnh để ủng hộ thần tượng. Hành động lãng phí xuất phát từ hình thức bỏ phiếu để giữ chân nghệ sĩ của chương trình Thanh xuân có bạn 3.
Vụ việc khiến vấn nạn cuồng thần tượng thái quá một lần nữa gây nhức nhối trong dư luận, buộc Tổng cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc phải ban hành chính sách siết chặt hoạt động của các show truyền hình giải trí, show tuyển chọn thần tượng.
Việc Thanh xuân có bạn 3 không thể ghi hình đêm chung kết khiến khán giả mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư vào thần tượng trước đó, theo Sina.
"Fan không bỏ tiền, thần tượng khó sống"
Tuyên bố trên được Chinanews đưa ra sau khi "điểm danh" lại toàn bộ hình thức bầu chọn ở các show tuyển chọn thần tượng phát sóng hơn 3 năm qua tại Trung Quốc.
Tờ báo nhận xét nhà sản xuất các show tuyển chọn thần tượng đang tạo ra hiện tượng tiêu cực cho xã hội khi bất chấp mọi cách để kiếm tiền từ người hâm mộ. Trong đó yêu cầu fan phải mua vật phẩm của thương hiệu tài trợ để tiếp ứng cho thần tượng là cách phổ biến.
Tiền của do người hâm mộ đóng góp quyết định sự nghiệp của thần tượng Trung Quốc. |
Mới đây, để đáp ứng nhu cầu mua phiếu bầu chọn cho các nam thí sinh tại show Thanh xuân có bạn 3, những đường dây chuyên bán phiếu chợ đen được hình thành. Theo Tân Hoa Xã, hơn 270.000 chai sữa đã bị đổ xuống cống rãnh một cách lãng phí, chỉ nhằm đáp ứng mục đích lấy mã bình chọn bên dưới nắp chai của người hâm mộ.
Năm 2020, cũng với hình thức mua phiếu bầu từ chai sữa này, fanclub của Hứa Giai Kỳ đã bỏ ra số tiền lên đến hàng triệu USD nhằm giúp nữ thần tượng luôn nằm trong top an toàn, thậm chí được ra mắt nhóm The9 ở vị trí số 3. Người hâm mộ của Lưu Vũ Hân từng bỏ ra đến 2,1 triệu USD để tiếp ứng cho nữ ca sĩ trong suốt cuộc thi Thanh xuân có bạn 2.
Hành vi "gian lận công khai" thông qua việc quyên góp tiền từ các fandom để mua phiếu bầu diễn ra nhan nhản, nhưng không được đơn vị tổ chức mảy may quan tâm. Dễ hiểu nếu fan chịu bỏ tiền, thần tượng có lợi thì chương trình lẫn đối tác tài trợ cũng thu được nguồn lợi không nhỏ.
Khi đó, hiển nhiên, nghệ sĩ nào có lượng fan vừa đông đảo vừa chịu chi hoặc có nền tảng gia đình tốt cũng như chịu bỏ vốn đầu tư cho con, sẽ trụ vững đến vòng chung kết và giành suất ra mắt trong nhóm nhạc thần tượng.
"Nhóm nhạc thần tượng có được thành lập hay không, sự nghiệp của một ngôi sao trong giới có được hình thành hay không, đều do tiền bạc của fan quyết định. Không có người hâm mộ, danh xưng ngôi sao thần tượng có lẽ cũng sẽ không tồn tại ở Trung Quốc", Tân Hoa Xã bình luận mỉa mai.
Không chỉ phải móc hầu bao giúp thần tượng chiến thắng, nhóm fan còn thường xuyên tổ chức trận đấu so tài thực lực và kinh tế với nhau. Hoạt động này dùng để kích quỹ tiền dùng cho hoạt động ủng hộ thần tượng, nhất là trong thời điểm diễn ra vòng bầu chọn sống còn ở các show.
Show thần tượng biến thành cỗ máy kiếm tiền
Theo Sina, năm 2018, nhờ hoạt động tiếp ứng của fan, nhà tài trợ của show Idol Producer là một nhãn hàng nước khoáng, đã tăng doanh số bán hàng online lên gấp 500 lần. Trong khi đó, nền tảng P2P cũng tăng thêm gần 2 triệu lượt tải ứng dụng.
Nguồn lợi thu được khổng lồ từ người hâm mộ, khiến nhà sản xuất lẫn nhà tài trợ phải liên tục nghĩ ra "chiêu trò" bình bầu mới để thúc đẩy cuộc chạy đua kinh tế của khán giả. Cách thức mới đó là biến người hâm mộ thành người tiêu dùng, đưa số liệu bình chọn trở thành doanh số bán hàng.
Các show thần tượng đua nhau móc hầu bao của người hâm mộ. Ảnh: Sohu. |
Trong chương trình Thanh xuân có bạn 3, có hai dòng sữa được nhà sản xuất chỉ định cho cuộc bình chọn năm nay. Thứ nhất là dòng sữa hạt cao cấp có giá gần 9 USD/hộp. Thứ hai là sữa trái cây được đóng gói thành 10 chai một lốc, với giá 10 USD/lốc.
Với loại số 1, khán giả có thể đổi lấy 20 điểm, còn loại số 2 sẽ chỉ là 10 điểm. Không chỉ gián tiếp ép khán giả mua sữa, mà hình thức này còn làm nảy sinh hoạt động đầu cơ phiếu bầu.
Nắm bắt tâm lý người hâm mộ, các đại lý phân phối cấu kết với nhau rút mã QR trong các thùng sữa và tích trữ đến đêm chung kết để bán giá cao.
Theo điều tra của China Daily, mỗi một mã QR bán ra có giá từ 4-7 USD/cái. Trên trang quét chuyên bán mã chợ đen, giao dịch được tính bằng giây.
Việc Thanh xuân có bạn 3 bị cấm ghi hình đêm chung kết, không cho ra mắt nhóm nhạc mới vì tạo ra hiện tượng tiêu cực tác động đến xã hội, dẫn đến tiền của đầu tư vào thần tượng của nhiều hội nhóm fan hoàn toàn "đổ sông đổ bể". Con số ước tính lên đến hàng chục triệu USD, theo Tân Hoa Xã.
Theo Tân Hoa Xã, việc kích cầu tiêu dùng bằng cách lợi dụng tình cảm của người hâm mộ, không chỉ gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên và công sức lao động, mà còn khiến giới trẻ hình thành tư tưởng chạy theo thần tượng mù quáng, bất chấp mọi giá để kiếm tiền kể cả vay tín dụng đen, làm công việc phi pháp.
Chiều 10/5, Cục quản lý phát thanh và truyền hình Bắc Kinh ban hành chỉ thị mới nhằm kiểm soát hoạt động của các show truyền hình giải trí, show tuyển chọn thần tượng.
Trong văn bản, cơ quan quản lý văn hóa cấm các show tuyển chọn thần tượng thiết lập hình thức bình chọn bằng cách bỏ tiền mua sản phẩm, mua phiếu bầu. Đây là hành vi cố ý dẫn đường, gian lận khi cổ vũ người hâm mộ nạp tiền làm hội viên mua vote cho thí sinh.
Hình ảnh lãng phí sữa để lấy mã bầu chọn cho thí sinh. Ảnh: Sina. |
Nghiêm cấm tổ chức hay cá nhân lợi dụng các phương thức "mua vote", "góp vốn để vote" và tiến hành làm giả số liệu. Các show tuyển tú không được tuyển các thí sinh từng có lý lịch phạm tội, nhân phẩm không tốt để tránh ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Nghiêm cấm trẻ vị thành niên tham gia show, kiên quyết ngăn chặn việc việc nhà sản xuất lợi dụng và lăng xê người thân của các nghệ sĩ nổi tiếng.