Sự có mặt của bà được xem là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con gái Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT đương nhiệm.
Sự trở lại mang tính biểu tượng
Rời ghế chủ tịch vào giữa tháng 7 do hết nhiệm kỳ, bà Ngọc chuyển giao vị trí lãnh đạo cao nhất cho con gái Ức My và đảm nhiệm vai trò cố vấn cấp cao HĐQT. Sau 3 tháng gián đoạn, trong đại hội cổ đông, bà đã trở lại trong HĐQT tinh gọn 5 người (đã bao gồm 2 thành viên độc lập).
Với sự hiện diện này, “nữ hoàng mía đường” giữ vị trí tinh thần trong khi chủ tịch đương nhiệm giữ vai trò đầu tàu hoạch định chiến lược phát triển và lãnh đạo công ty.
Bà Huỳnh Bích Ngọc sẽ đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ kết nối các mối quan hệ đối ngoại trong nhiệm kỳ mới tại TTC AgriS. |
Nhiều lần trước đó, bà Bích Ngọc khẳng định người kế thừa Đặng Huỳnh Ức My hoàn toàn xứng đáng để tiếp quản TTC AgriS bằng tầm nhìn, tư duy, sức sáng tạo, tinh thần lãnh đạo và tâm huyết với nông nghiệp.
Sự tín nhiệm của bà càng được minh chứng bởi loạt giải thưởng công nhận cho tầm vóc và vị thế của công ty khi TTC AgriS liên tục được vinh danh từ nhiều tổ chức uy tín trên thế giới và trong nước như: “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á 2024”, “Nông nghiệp Bền vững - ESG Business Awards 2024”, “Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất Đông Nam Á”, “Top 50 công ty niêm yết tốt nhất” 7 năm liên tiếp; “Top Doanh nghiệp 4.0 Việt Nam”...
Đặc biệt, TTC AgriS hiện là công ty nông nghiệp đóng góp hàng đầu vào ngân sách quốc gia. Bà Đặng Huỳnh Ức My cũng được vinh danh là “Doanh nhân xuất sắc châu Á”. Với sự trưởng thành và bản lĩnh của nhân tố kế nhiệm, cựu chủ tịch cho biết mình thật sự an tâm khi chuyển giao trọng trách người lãnh đạo cao nhất tại công ty.
Thực tế, nhiều lần bà Ngọc đã xác định những người sáng lập có thể làm tốt trong giai đoạn mở cửa. Nhưng bối cảnh hiện tại đã là “sân chơi” của thế hệ kế tiếp, đòi hỏi sự năng động, hiện đại và đặc biệt là tư duy toàn cầu mới có thể nhanh chóng thích ứng với những thách thức của toàn cầu hóa và sự thay đổi liên tục.
Sự trở lại của bà Huỳnh Bích Ngọc là sợi dây kết nối tinh thần giữa hai thế hệ lãnh đạo, đưa TTC AgriS tiếp tục phát triển.
Với vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ này, “nữ hoàng mía đường” cho biết sẽ đóng vai trò cố vấn và bảo trợ tinh thần, đồng thời tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các thành viên HĐQT đưa ra các quyết định chiến lược. Bà cũng hỗ trợ kết nối và chuyển giao các mối quan hệ đối ngoại, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) và các hoạt động thiện nguyện, nhằm củng cố và phát triển các mối quan hệ của doanh nghiệp thêm sâu sắc.
Sự trở lại của bà được xem là sợi dây kết nối hai nguồn lực tinh thần: Tình yêu nông nghiệp và kinh nghiệm của thế hệ lãnh đạo F0 với kiến thức, nhiệt huyết và sự năng động của thế hệ F1, góp phần đưa TTC AgriS vững bước phát triển.
Chủ tịch thế hệ F1 và phiên bản TTC AgriS ở tầm quốc tế
Trở thành Chủ tịch HĐQT công ty mía đường lớn nhất Việt Nam không được xem là “chiếc áo” rộng với Đặng Huỳnh Ức My bởi bà đã bắt đầu quản lý và tái cấu trúc thành công cả Tập đoàn TTC từ năm 2015, tham gia lãnh đạo TTC AgriS từ năm 2018. Cùng lúc đó, từ năm 2012, bà đã toàn quyền dẫn dắt Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) - một công ty nông nghiệp khác cũng đang dẫn đầu ngành dừa toàn Việt Nam.
Khi còn ở vị trí Phó chủ tịch, bà Ức My đã là “kiến trúc sư trưởng” của TTC AgriS trong các “công trình” chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng kênh thương mại quốc tế, huy động nguồn vốn xanh cho doanh nghiệp.
Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My đặt mục tiêu đưa TTC AgriS thành doanh nghiệp nông nghiệp đa quốc gia hàng đầu Việt Nam. |
Hiện, TTC AgriS là doanh nghiệp mía đường lớn nhất, chiếm 46% thị phần Việt Nam. Công ty không ngừng mở rộng quy mô và vùng nguyên liệu, hướng đến mục tiêu 90.000 ha tại 3 nước Đông Dương và Australia. Một lợi thế nổi bật của TTC AgriS là hệ thống kinh doanh quốc tế qua các công ty thương mại tại Singapore, Australia. Sản phẩm của AgriS từ đó niêm yết trên hai 2 giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới là London (Anh) và New York (Mỹ).
So với niên độ trước, phạm vi xuất khẩu của TTC AgriS đã tăng từ 50 lên 69 quốc gia, vùng lãnh thổ với doanh thu chiếm 40%. Công ty đạt sản lượng cung cấp hơn 1 triệu tấn đường mỗi năm.
Song song đó, bà My cũng đưa TTC AgriS vào quỹ đạo phát triển bền vững, áp dụng zero waste, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế về ESG và đặt mục tiêu đạt net zero vào năm 2035. Công ty đã thực hành tốt các tiêu chuẩn ESG với điểm bình quân là 96%, trong đó điểm quản trị công ty đạt 98%. Đây là tiền đề vững chắc để các định chế tài chính quyết định tài trợ nguồn vốn xanh cho công ty.
Mới đây, bà đã mang về cho TTC AgriS 42 triệu USD và dự kiến thêm 100 triệu USD nữa trong tương lai gần từ 2 định chế châu Âu là SACE S.p.A (tập đoàn tài chính Italy) và ING - DiBa AG (ngân hàng Hà Lan). Với hai khoản tài trợ này, ước tính bà đã huy động thành công hơn 370 triệu USD vốn xanh cho công ty từ tháng 6/2023 đến nay.
TTC AgriS là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn của SACE Push Facility - chương trình bảo lãnh tài trợ vốn do SACE S.p.A phối hợp cùng các định chế tài chính lớn tại châu Âu thực hiện.
Từ tháng 6/2023 đến nay, Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My đã huy động thành công hơn 370 triệu USD vốn xanh cho TTC AgriS.
Trong bối cảnh dòng vốn xanh đang hướng vào nông nghiệp bền vững và những doanh nghiệp có phương thức quản trị tốt, ông Bruce Macfarlane - Head of Commodity, Food and Agricultural khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của ngân hàng ING - DiBa AG - cho biết: “ING đánh giá cao TTC AgriS về năng lực và chiến lược. Hai bên sẽ hợp tác để góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu”.
Chủ tịch TTC AgriS cho biết nguồn vốn xanh quốc tế sẽ tập trung vào phát triển hạ tầng nông nghiệp và thúc đẩy công ty tham gia sâu rộng vào lĩnh vực FBMC (thực phẩm - đồ uống - sữa - bánh kẹo), mở rộng thị trường tại các quốc gia chiến lược như Australia, Singapore và phát triển nông nghiệp bền vững tại Australia.
Nhằm đảm bảo tài chính ổn định và sử dụng vốn hiệu quả, bà My xác định sẽ tái cấu trúc danh mục đầu tư của TTC AgriS. Công ty không đầu tư vào các lĩnh vực ngoài năng lực lõi, sẽ thoái vốn khỏi bất động sản cũng như các ngành không liên quan trước 30/6/2025. Mục tiêu là tập trung vào hoạt động sản xuất nông nghiệp và FBMC, hướng tới phát triển bền vững và hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Trong đại hội đồng cổ đông mới đây, doanh thu của TTC AgriS đã xấp xỉ 30.000 tỷ đồng. Đối với mục tiêu 60.000 tỷ doanh thu vào năm 2030, bà My cho biết con số đó “khá khiêm tốn” trong phạm vi thị trường châu Á với 600 triệu dân.
Bà My nhấn mạnh mục tiêu đưa TTC AgriS không chỉ dẫn đầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định vị thế toàn cầu.