'Nữ hoàng điền kinh VN' bị xe tông gãy chân khi đang tập luyện
Từ vụ tai nạn của “nữ hoàn điền kinh” Trương Thanh Hằng có thể thấy rằng sự an toàn của các VĐV đang bị xem thường một cách nghiêm trọng.
Tập ngoài đường, nguy cơ cao
Theo thông tin từ Công an Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), vào lúc 5 giờ 45 ngày 31/8, trong lúc đang tập chạy trên đường Nguyễn Tất Thành theo hướng Đà Nẵng - Huế, khi đến trụ điện số 211TB thì nữ hoàng điền kinh VN Trương Thanh Hằng bất ngờ bị Nguyễn Văn Giang (SN 1992, trú xã Bình Minh, H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, hiện là sinh viên lớp CĐO 001, Trường CĐ Giao thông vận tải 2) điều khiển xe máy chạy cùng chiều phía sau tông vào khi Hằng đang chạy cách lề đường 0,6 m. Hậu quả, Trương Thanh Hằng bị gãy chân.
Mẹ của Trương Thanh Hằng đã đi từ TP.HCM ra chăm sóc cho con gái |
Ngay sau tai nạn, HLV Hồ Thị Từ Tâm và các đồng đội đã đưa Hằng đi cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh án của Hằng tại Khoa Cấp cứu ghi rõ: Bệnh nhân nhập viện lúc 6 giờ 25 ngày 31/8 trong tình trạng tỉnh táo; đồng tử đều; vết thương nham nhở, xây sát ở vùng đầu, tay chân; chân phải bị gãy cả xương mác và xương chày ở vị trí 1/3 cẳng chân. Đến 15 giờ cùng ngày, Hằng được đưa vào phòng mổ để các bác sĩ bắt nẹp vít, cố định chỗ gãy. Ngoài ra, các bác sĩ phải khâu 8 mũi ở vết thương trên đầu và 2 mũi ở tay của Hằng. Hiện tuyển thủ điền kinh này đang được điều trị tại khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đà Nẵng. Chiều ngày 1/9, bà Nguyễn Thị Phương, mẹ của Hằng, cũng đã có mặt tại Đà Nẵng để chăm sóc con.
HLV Hồ Thị Từ Tâm, người dẫn dắt tổ cự ly trung bình đội tuyển điền kinh Việt Nam từ năm 1998 đến nay, cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đang tập trung chữa trị cho Hằng. Theo các bác sĩ, khoảng 3 tháng sau phẫu thuật, Hằng có thể vận động trở lại và đến khoảng 6 tháng thì có thể tập luyện bình thường. Tuy nhiên, việc Hằng quay trở lại đường chạy được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ cơ địa của VĐV đến quá trình tập luyện, hồi phục... sau chấn thương. Tôi tin với trường hợp của Hằng, việc thi đấu trở lại là điều hoàn toàn có thể".
Liên quan đến việc bảo đảm an toàn tính mạng cho VĐV khi tập luyện trên đường lộ, HLV Hồ Thị Từ Tâm cho rằng với đặc thù của các cự ly trung bình, dài, VĐV không thể chỉ tập trong SVĐ. "Chẳng riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới, VĐV các nước cũng phải tập trên đường. Khác biệt, có chăng là ở nước ngoài, người ta có các trung tâm huấn luyện lớn, nằm ở khu vực hẻo lánh hoặc nằm sâu trong rừng nên VĐV ít phải đối diện với rủi ro khi tập luyện trên đường. Ở Việt Nam, tôi xin khẳng định Đà Nẵng là địa điểm tốt nhất để các VĐV cự ly trung bình, dài tập luyện bởi điều kiện khí hậu, địa hình tại đây rất phù hợp. Từ năm 1998 đến nay, tôi vẫn cho các học trò thường xuyên tập luyện trên đường. Tất nhiên, phải chọn thời điểm sáng sớm, thời tiết mát mẻ, lưu lượng xe cộ ít để bảo đảm an toàn cho VĐV. Cá nhân tôi vẫn ủng hộ các bài tập việt dã trên đường. Nhưng đây là sự xui rủi đáng tiếc".
Biết nhưng không thể khác
Ông Lê Văn Bình, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm HLTT QG Đà Nẵng, cũng đồng quan điểm với việc duy trì các bài tập việt dã trên đường của VĐV. Theo ông Bình, do đặc thù hạ tầng thể thao Việt Nam chưa tốt nên không còn cách nào khác là VĐV vẫn phải tập trên đường lộ. “Các HLV thường chạy xe kèm theo hoặc chạy cùng, nhắc nhở các VĐV khi tập luyện phải tuyệt đối chấp hành luật Giao thông đường bộ, chạy sát lề đường bên phải. Trường hợp của Trương Thanh Hằng là rủi ro ngoài ý muốn. Chúng tôi sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm nhưng với điều kiện của ngành như hiện nay, tôi nghĩ muốn tập luyện cự ly dài và trung bình thì vẫn phải tiếp tục tập luyện trên đường lộ", ông Bình phát biểu.
Những VĐV điền kinh khi tập luyện ngoài đường như thế này đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều nguy cơ |
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành lại cho biết lại cho biết chủ trương của ngành TDTT không hề khuyến khích việc này khi 15 năm trước đã từng có một tai nạn tương tự đối với VĐV đua xe đạp Huỳnh Kim Hùng. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, hiện tại ngành TDTT vẫn chưa thể tìm ra được một phương án khả dĩ hơn bởi trong điều kiện cơ sở vật chất của ngành thể thao lúc này, một số môn như điền kinh hay đua xe đạp buộc phải tập ngoài đường.
Dẫu sao nếu đã xem VĐV là tài sản quốc gia thì cần có sự phối hợp giữa những người có trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho họ ngay cả khi tập luyện thì những sự cố đáng tiếc như của Trương Thanh Hằng đã không xảy ra.
Theo Thanh Niên