Chị em tại đây thường bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ đêm đến tận trưa ngày hôm sau. Công việc vất vả, tiên công rẻ nhưng mỗi đêm oằn lưng gánh hàng trên vai, họ cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng. Cuộc sống gia đình khó khăn, ruộng nương không đủ ăn nên dù cực nhọc, những người phụ nữ này cũng gắng sức để mưu sinh.
Thông thường, chị em gánh hàng thuê làm việc 9 - 10 tiếng/ngày, từ nửa đêm đến 10 - 11h ngày hôm sau mới về phòng trọ. Còn những người kéo xe đẩy chỉ làm từ 10h tối hôm trước đến 2 - 3h đêm. Nhưng họ phải đẩy nhanh những thùng hàng nặng gần 2 tạ, gấp hơn 3 lần trọng lượng cơ thể từ điểm cập xe vào chợ. “Cực lắm, nhưng vì đồng tiền mà gắng gượng thôi”, chị Hoa, quê ở Hưng Yên, chia sẻ.
Những người phụ nữ làm cửu vạn đêm thường bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ đêm đến tận sáng ngày hôm sau. |
Để làm nghề cửu vạn, những phụ nữ này tự sắm cho mình đôi quanh gánh, sợi dây thừng để sẵn sàng khi có người gọi. Xuất phát từ những vùng quê khác nhau, nhưng họ đều chung đặc điểm nghèo khó, tìm đến các khu chợ lớn ở Hà Nội gánh hàng mưu sinh. Với họ, cứ kiếm ra tiền thì dù nặng nhọc đến mấy cùng phải cố, vì đằng sau đó còn là mối lo cơm áo gạo tiền cho cả gia đình. “Nhiều hôm mệt lắm rồi, nhưng cứ có người thuê là lại lao vào gánh, dù biết về nhà sụn lưng, đau ê ẩm. Nhọc mấy cũng không sợ bằng thất nghiệp, bởi như vậy là đứa đói, đứa thất học”, chị Tuyến, thâm niên gần 2 năm trong nghề, nói.
Sau những giờ lao động vất vả, chị em cửu vạn đêm trở về phòng trọ ẩm thấp, tính giá 10.000 - 15.000 đồng mỗi ngày, gồm cả điện, nước, chiếu ngả lưng. Căn phòng chỉ 10-12m2 nhưng cả chục người chen chúc trong đó. Họ chia nhau chỗ ngủ, chia nhau chỗ sinh hoạt nhờ việc làm khác ca nhau. Người làm ban ngày thì ăn chiều, ngủ đêm, ngược lại người làm đêm thì sinh hoạt, ăn ngủ vào ban ngày.
Oằn lưng gồng từng gánh hàng nặng gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể. |
Chị Vũ Thị Đào, đến từ Hải Dương, kể “Cả chục mạng sống chen chúc, làm gì có chỗ phơi quần áo. Giặt thì cứ giặt, phơi thì cứ phơi thôi, hôm nào nắng to may ra mới khô hết được. Khổ nhất là những hôm gió nồm, nền nhà ướt rộp, nằm đắp chăn mà vẫn cảm tưởng như nằm dưới nước đá vậy. Quần áo thì phơi cả tuần vẫn ẩm rệt”. Sống trong điều kiện như vậy nên không ít người mắc các bệnh ngoài da. Chưa kể, mùa hè nóng, ngột ngạt, ngửi toàn mùi hôi người cũng đã đủ chết”, chị Đoàn Nhung, người Hưng Yên, tâm sự.
Công việc nặng nhọc của những người phụ nữ làm nghề cửu vạn. |
Làm việc quần quật, chắt chiu từng đồng, chấp nhận sống trong điều kiện chật hẹp, nhưng các chị vẫn thiếu trước hụt sau mỗi kỳ lo tiền gửi về nhà cho các con. Bởi với những tháng may mắn, họ có thể thu nhập được 4-5 triệu đồng, những cũng có những đợt chỉ kiếm được hơn 2 triệu đồng cho cả 30 ngày, vì “ế người”, chủ hàng không mướn.
Sinh hoạt trong môi trường chật chội, lao động cực nhọc nên tài sản của họ chỉ là vài bộ quần áo bảo hộ cũ rách, đôi quang gánh và vài sợi dây thừng. Với những người phụ nữ này, chỉ khi ốm mới có khái niệm nghỉ ngơi.