Có diện tích rộng đến 20 ha, nhà máy sữa Việt Nam xứng đáng được gọi là Mega, tức là “siêu nhà máy”, bởi quy mô hiện đại, rộng lớn và quy trình làm việc liên hoàn, tự động. Công suất thiết kế giai đoạn 1 của nhà máy là 400 triệu lít sữa/năm, tức bằng 9 nhà máy sữa hiện nay của Vinamilk gộp lại. Đến năm 2015, Vinamilk sẽ triển khai giai đoạn 2 để đến năm 2017 có công suất 800 triệu lít sữa/năm. Khi đó, chỉ riêng nhà máy này đã đủ đáp ứng nhu cầu sữa nước cho toàn thị trường Việt Nam.
Nhà máy phải cần đến bao nhiêu lao động để tạo nên khối lượng sản phẩm đó?
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cắt băng khánh thành Nhà máy sữa Việt Nam. |
Robot tự thay pin
Ông Bert Jan Post, Giám đốc Điều hành công ty Tertra Pak Việt Nam, đơn vị đảm nhận xây dựng lắp đặt công nghệ cho nhà máy này cho biết, nơi đây ứng dụng công nghệ tự động hóa và điều khiển tích hợp ở một đẳng cấp mới, từ khâu nhập liệu tới kho thành phẩm. Các robot tự hành (LGV) điều khiển toàn bộ quá trình, từ nguyên liệu dùng để bao gói tới thành phẩm, giúp kiểm soát tối ưu về chất lượng và đảm bảo hiệu quả về chi phí.
Robot (LGV) ở đây mang hình dáng những chiếc xe tự động vận chuyển nâng, xếp hàng. Máy móc được tích hợp thành một hệ thống và hoạt động đồng bộ, giúp nâng hiệu quả và năng suất vượt xa so với chế độ vận hành thủ công. Giám đốc Tertra Pak Việt Nam còn cho biết thêm: các robot LGV có thể tự thay pin tại các máy sạc pin tự động mà không cần sự can thiệp của con người.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc Vinamilk đầu tư kho thông minh đầu tiên của ngành sữa Việt Nam và thế giới hết sức hiện đại. (Ảnh: Nguyễn Á) |
Như vậy các robot ở “siêu nhà máy sữa” được hiểu đúng theo định nghĩa trong Tiêu chuẩn quốc tế ISO 8373: “Đó là một loại máy móc được điều khiển tự động, được lập trình sẵn, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, có khả năng vận động theo nhiều hơn 3 trục, có thể cố định hoặc di động tùy theo những ứng dụng của nó trong công nghiệp tự động”.
Hình ảnh diễn ra trong nhà máy rất nhịp nhàng: hàng chục xe bồn lạnh chuyên dụng chở sữa tươi nguyên liệu tới cung cấp cho nhà máy. Trạm tiếp nhận sữa tươi nguyên liệu ở đây có khả năng tiếp nhận 80 tấn sữa tươi mỗi giờ. Sữa tươi khi chảy qua thiết bị đo lường, lọc tự động, đạt tiêu chuẩn sẽ nhập vào hệ thống 3 bồn lạnh, mỗi bồn có dung tích 150 m3. Đây là hệ thống bồn sữa có sức chứa lớn nhất hiện nay tại Việt Nam. Công nghệ sản xuất ly tâm tách khuẩn hiện đại giúp loại bỏ 99,9% vi khuẩn trong sữa tươi nguyên liệu. Đây là công nghệ mới của thế giới được Vinamilk là công ty duy nhất tại Việt Nam sử dụng. Công nghệ UHT tiệt trùng ở nhiệt độ cao 140 độ C trong khoảng thời gian cực ngắn 4 giây ở giai đoạn sau đó giúp tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn có hại còn lại trong sữa, giúp đảm bảo chất lượng sữa mà không cần sử dụng chất bảo quản.
Hệ thống robot tự động tại nhà máy sữa Việt Nam. Toàn bộ nhà máy ứng dụng công nghệ tự động hóa và điều khiển tích hợp ở một đẳng cấp Thế giới hết sức hiện đại, từ khâu nhập liệu tới kho thành phẩm. (Ảnh: Hà Mai) |
Tất cả hệ thống thiết bị, máy móc, đặc biệt là các robot LGV đều vận hành tự động, được điều khiển bởi hệ thống máy tính trung tâm. Mỗi khâu trong quá trình sản xuất được giám sát, mọi thông số đều được theo dõi, bảo đảm khả năng truy xuất tức thì đối với bất kỳ sản phẩm nào.
Kết hợp kho hàng thông minh
Các robot tự động chuyển hàng thành phẩm vào kho. Kho chứa pa-let có công suất 27.168 lô chứa hàng, có khả năng ứng chịu động đất; 8 hệ thống kho chứa và máy bốc dỡ Exyz công nghệ mới và tiên tiến nhất hiện nay. Hệ thống này nhanh hơn, nhẹ hơn, tiết kiệm năng lượng hơn bất kỳ thế hệ máy cùng tính năng nào trước đây.
Hệ thống kho này được gọi là kho thông minh, do công ty Schafer của Đức xây dựng. Vinamilk là một trong những khách hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ này. Ở đây hệ thống xếp dỡ và vận chuyển pa-let theo ray định hướng (RGV) với 370 mét đường ray và 15 khay tải động, mỗi khay có khả năng mang 2 pa-let. Ông David Gross, giám đốc dự án của công ty Schafer cho biết đây là lần đầu tiên Schafer ứng dụng cơ cấu khay tải động mang 2 pa-let cùng lúc.
Hệ kho chứa pa-let tự động tối ưu hóa không gian, trong đó có các băng tải hỗ trợ hoạt động bốc xếp của người công nhân, tự động sắp xếp thứ tự các pa-let và có khả năng truy xuất pa-let bất kỳ.
Một góc siêu nhà máy sữa Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Á) |
Tại khu vực xuất hàng, hệ thống phân loại pa-let tự động phân chia thành 16 làn theo nguyên lý băng tải con lăn trọng lực. Toàn bộ hệ thống được kiểm soát và quản lý bằng một phần mềm lõi của SSI Schaefer có tên gọi hệ thống quản lý kho hàng Wamas.
Việc ứng dụng công nghệ tự động và tích hợp trên giải pháp tự động hóa Tetra Plant Master, và hệ thống quản lý kho hàng Wamas đã đưa nhà máy sữa Việt Nam trở thành nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới.
Trong buổi lễ khánh thành ngày 10/9 vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, đây cũng là niềm tự hào của người Việt Nam, vì sự có mặt của các nhà máy sữa Vinamilk đã làm cho sữa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà sẽ tiếp tục có mặt ngày càng nhiều trên thị trường thế giới.
Tư liệu: Vinamilk