Trước thềm Lễ hội áo dài TP HCM 2016, nhà thiết kế - họa sĩ Sỹ Hoàng luôn ở trạng thái bận rộn. Anh cho biết, thời gian chủ yếu để chăm chút bộ sưu tập sắp ra mắt. Nhà thiết kế mang nhiều kỳ vọng ở sự kiện áo dài lần này, vì theo anh: "Đây không đơn thuần là lễ hội thông thường mà nó mở ra nhiều giá trị văn hóa, tinh thần người Việt".
Nhà thiết kế chia sẻ về những kỳ vọng của anh ở Lễ hội áo dài 2016. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
Lễ hội áo dài mang nhiều giá trị văn hóa
- Lễ hội áo dài TP HCM lần 3 diễn ra với quy mô được đầu tư hơn so với những năm trước. Dưới góc nhìn của nhà chuyên môn gắn bó với công việc thiết kế và gìn giữ áo dài hơn 25 năm, anh đánh giá thế nào về những giá trị văn hóa mà sự kiện này đem lại?
- Trong suốt 25 năm làm nghề, tôi luôn mong muốn áo dài đi vào đời sống chứ không đơn thần xuất hiện trong lễ hội, dịp đặc biệt. Lễ hội áo dài duy trì văn hóa mặc. Áo dài khiến người mặc thanh lịch hơn trong giao tiếp hàng ngày, giúp họ tiết chế cảm xúc, hay người đối diện cũng cần có thái độ ứng xử tương xứng.
Hiệu ứng tiếp theo của Lễ hội áo dài là tạo công ăn việc làm, phục hồi nghề truyền thống: may đo, thêu vẽ, kết cườm... Xã hội hiện đại chuộng các dòng sản phẩm may sẵn. Người thợ thủ công gặp nhiều khó khăn, nhất là thợ may áo dài.
Trước đây, các lễ hội áo dài mang tính tự phát thì nay đã có sự đồng hành của nhà nước. Dù khâu tổ chức ban đầu chưa thật sự trọn vẹn, còn nhiều vướng mắc nhưng vẫn phải thực hiện vì những giá trị sau đó quá lớn. Không phải vì những bất cập ban đầu mà chúng ta ngại làm, hạn chế nó. Chúng ta cứ làm rồi điều chỉnh dần.
Anh khuyên các nhà thiết kế nên nghiên cứu kỹ về lịch sử trước khi thiết kế trang phục truyền thống. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc |
- Anh chuẩn bị những gì cho vai trò nhà thiết kế tham gia Lễ hội áo dài TP HCM 2016 và vai trò giám khảo cuộc thi "Duyên dáng áo dài" sắp diễn ra?
- Lần này tôi sẽ giới thiệu bộ sưu tập kể lại sự hình thành và phát triển của áo dài từ thế kỷ 17 cho đến nay. Trong đó, thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất là thập niên 1960, 1970, là giai đoạn áo dài cách tân theo văn hóa Mỹ, đặc biệt là trào lưu Hippie.
Duyên dáng áo dài là cuộc thi mang tính chất quần chúng, nhưng cách tổ chức khá chuyên nghiệp. Đây là cơ hội để mọi người trở lại với áo dài một cách tự nhiên.
Không cần thêm chi tiết sexy cho áo dài
- Xã hội hiện đại kéo theo sự thay đổi về kiểu dáng, màu sắc và cách ứng dụng của áo dài, từ đó nhiều kiểu áo dài cách tân ra đời. Làm nghề hơn 25 năm, anh tiếp nhận cái mới thế nào để theo kịp xu thế?
- Theo tôi, nên tiếp nhận những ý tưởng sáng tạo mới, nhưng phải làm sao để người mặc đẹp hơn, kể cả tâm hồn lẫn hình thức. Người làm áo dài cần nắm được thiết kế của mình và biết tiết chế, chừng mực, không đi đến lố lăng.
Khi tiếp nhận cái mới, chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ những giá trị cốt lõi, từ đó mới có thể bay bổng và sáng tạo. Như vậy mới tránh được sự phản cảm. Tiếp nhận cái mới ở chừng mực chấp nhận được là cái tài của người làm nghề.
Khi tiếp nhận cái mới về mặt kỹ thuật cũng cần có giới hạn và phải biết làm cách nào để không bị phô. Áo dài nguyên thủy dùng dây cột ở cánh tay, sau đó đến nút thắt, rồi cúc bấm. Bây giờ là khóa kéo. Khách hàng chuộng khóa kéo vì nó chắc chắn và đảm bảo không xảy ra sự cố. Nhưng khóa kéo cũng phải vừa đủ. Nếu khóa kéo đến tận lưng sẽ bị cộm, sượng và cứng. Tôi chỉ sử dụng dây kéo sau cổ và ở phần eo để đảm bảo sự thoải mái, dễ sử dụng và giữ lại nét mềm mại cho áo dài. Theo nguyên tắc, nếu chất vải quá mỏng thì cần có thêm lớp lót.
- Xu hướng sexy đang được nhiều nhà thiết kế mang vào áo dài, bằng chứng là xuất hiện nhiều áo dài xuyên thấu, áo dài ren cách điệu... từ đó phát sinh “thảm họa áo dài”. Anh nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Bản thân áo dài đã đủ sức gợi cảm. Thân trên ôm sát khoe cơ thể, phần tà áo có sự lay động ở trước lẫn sau để thấy phần đùi. Chính sự thấp thoáng, thập thò đó tạo nên sức hấp dẫn, cuốn hút. Còn bây giờ cứ hở hết như đập vào mặt nên vô tình trở nên thừa thãi. Nên giới hạn sự phản cảm là đừng may vải quá mỏng, nếu mỏng phải có vải lót; đừng may tà áo quá ngắn vì ngắn thì không còn là áo dài; tà áo cũng không nên dài, nếu dài sẽ giống trang phục của Trung Quốc. Tà áo chấm ở bắp chân là vừa để tung bay và khoe được quần.
Tôi nhìn thấy khía cạch tích cực trong cái tiêu cực. Thảm họa áo dài, áo dài phản cảm chính là lời cảnh báo, nhắc nhở mọi người nên mặc áo dài thế nào cho đúng. Nếu người ta xem thảm họa áo dài là bình thường và mặc ồ ạt, phổ biến mới đáng lo. Sau những lần được cảnh báo, mọi người sẽ bảo nhau, cân nhắc để không mặc như thế.
- Cách đây vài tháng, một ấn phẩm của Vietnam Airline cho phát hành hình ảnh áo dài Việt in chùa Myanmar bị phản đối gay gắt. Anh đưa ra lời khuyên thế nào trong việc sử dụng họa tiết trên áo dài?
- Không nên làm tổn thương giá trị văn hóa. Đừng vì cái đẹp chủ quan của người thiết kế mà bất chấp tất cả. Mọi người có thể đưa hình ảnh các ngôi chùa ở Việt Nam lên áo dài, nhưng chùa của nước khác thì phải cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí là không nên.
Muốn sáng tạo trang phục truyền thống cần nghiên cứu nghiêm túc và không được tùy tiện. Vấn đề tôn giáo vốn rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến chính trị, ngoại giao. Muốn làm đẹp hãy làm cho đúng, đúng với văn hóa, phong tục tập quán và lịch sử.
Bảo tàng áo dài của NTK Sỹ Hoàng được khánh thành ngày 22/1/2014. Đây là bảo tàng thứ 12 tại TP HCM và là 1 trong 2 bảo tàng tư nhân của thành phố. Ảnh: VOV |
- Anh gặp khó khăn gì khi xây dựng, duy trì và quản lý Bảo tàng áo dài với tư cách cá nhân?
- Bảo tàng áo dài được thành lập với hy vọng giữ kịp những giá trị văn hóa. Những giá trị truyền thống bằng vải rất dễ bị mai một, trước khi nó mất đi, tôi muốn bảo quản, cất giữ. Bảo tàng có thể tác động đến việc hiến tặng, sang nhượng. Những người đang cất giữ “bảo vật” có thể yên tâm gửi gắm kỷ vật vào nơi bảo quản tốt.
Bảo tàng được khánh thành vào năm 2014, tất cả chi phí đều do tôi bỏ ra. Có khi tôi phải bỏ hàng tỷ đồng mới mua được sản phẩm. Năm nay đã có các mạnh thường quân hỗ trợ. Tôi phải làm ra từ đầu thì người ta mới hướng đến. Di sản Việt Nam là của chung chứ không độc quyền.
Lễ hội áo dài TP HCM năm nay có chủ đề TP HCM - Thành phố áo dài diễn ra từ ngày 1-31/3. Trong suốt một tháng diễn ra sự kiện ban tổ chức vận động, khuyến khích người dân mặc áo dài trong đời thường nhằm làm nổi bật nét đẹp và giá trị sử dụng của trang phục truyền thống.
Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có nhiều hoạt động như triển lãm áo dài qua từng thời kỳ, các buổi nói chuyện chuyên đề về áo dài, hội thi Duyên dáng áo dài, Vẽ áo dài trên giấy, Hội thi thiết kế áo dài, Hội thi kết hoa trên áo dài. Theo đó, hoa hậu Kỳ Duyên và Lan Khuê là gương mặt đại diện cho lễ hội.