Ông được biết đến qua những bộ phim như Người thổi tù và hàng tổng, Phía trước là bầu trời, Đất và người… với tạo hình nhân vật đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc. Vì vậy, nhiều người đã gọi Hán Văn Tình là nghệ sĩ của nhân dân…
Nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình. |
- Chào nghệ sĩ Hán Văn Tình, cuối năm 2015 nhiều khán giả thấy ông rất bận rộn, ông có thể tiết lộ về bộ phim đang tham gia không?
- Tôi đang đóng phim Tết lo phết của đạo diễn Ngô Thám với sự tham gia của diễn viên hài, nghệ sĩ nổi tiếng như Quang Tèo, Giang Còi, Quốc Anh, Chiến Thắng...
Phim lấy đề tài về nông thôn đổi mới ngày nay khi cuộc sống người nông dân đang êm ấm bỗng chốc đổi thay bởi người nhà của họ ở thành phố về quê ăn tết. Vì vậy, họ phải tìm cách để cho người thân của mình được đón một cái tết đầm ấm nhất.
Người thành phố sẽ cảm nhận được tình thương từ người dân quê với nhiều tình huống hài hước, gây cười. Phim được quay ở Mê Linh, Hà Nội trong thời gian một tuần và sẽ ra mắt khán giả vào dịp Tết cổ truyền 2016.
- Là Đoàn phó của nhà hát Tuồng Việt Nam, ông nghĩ thế nào khi hiện nay giới trẻ không mặn mà với chèo, tuồng và nghệ thuật truyền thống?
- Tôi thấy đó là xu thế thời đại khi công nghệ thông tin phát triển, người ta thích sự ồn ào hơn là ngồi hàng giờ nghe đi, nghe lại một câu hát cải lương, tuồng. Đây là thực trạng chung của nền sân khấu Việt Nam. Vì vậy, muốn cải thiện thì phải tạo tình yêu với nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ như đưa chèo, tuồng vào các trường học, để các em hiểu thì mới yêu được.
Hơn nữa, Nhà nước cũng phải quan tâm đến việc phát triển và bảo tồn sân khấu bằng cách chăm lo cuộc sống cho các nghệ sỹ để họ yên tâm làm việc và giữ gìn nghệ thuật truyền thống.
- Thời gian trước, ông phát hiện mình bị ung thư phổi? Ông có thể chia sẻ về điều này?
- Đó là một đêm cuối năm (31/12/2014), bốn ngày sau đêm diễn Tiếng gọi non sông thì tôi thấy đau và được đưa đi cấp cứu. Sau gần một tháng điều trị, tôi xin về vì điều trị quá tốn kém, mỗi ngày hơn triệu đồng, trong khi đó, lương của tôi có 5 triệu đồng/tháng, nên biết không thể kham nổi.
Tôi bảo vợ thôi không chữa được đâu, sợ lỡ mình chết mà để lại nợ thì vợ con khổ. Nhưng vừa ra viện một ngày (24/1/2015) thì tôi lại phải vào cấp cứu vì bị tràn dịch màng phổi, gần như không ăn uống được nữa, cơ thể sút 5kg. Có lúc tôi nghĩ “mình chắc chết”.
Tuy nhiên, may mắn lại đến với tôi khi được chuyển sang bệnh viện Ung bướu Hưng Việt điều trị và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, nghệ sĩ và nhà tài trợ. Ơn giời, bây giờ thì tôi đã đỡ khoảng 80%, vẫn đến nhà hát tuồng làm việc và tham gia diễn xuất rồi.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình từng chiến đấu với bệnh ung thư phổi. |
- Hiện tại, vừa chữa bệnh, vừa tham gia biểu diễn nghệ thuật, Hán Văn Tình có gặp trở ngại gì không?
- Mặc dù tôi được chẩn đoán hồi phục cao nhưng bệnh này cũng “hên xui” lắm. Bác sĩ bảo với tôi rằng, bệnh này có khỏi cũng phải sau 5 năm thì mới chắc chắn thoát chết. Hàng ngày tôi vẫn phải uống thuốc đặc trị để ngăn tế bào ung thư phát triển với kinh phí khoảng 1,4 triệu đồng, trong đó, bảo hiểm y tế chịu 50%, số tiền còn lại tôi được bệnh viện Ung bướu Hưng Việt hỗ trợ. Tôi biết vẫn còn nhiều khó khăn nên vẫn vừa tích cực điều trị, vừa đi diễn nếu có lời mời và kịch bản phù hợp.
- Nhiều khán giả biết đến Hán Văn Tình từ phim "Đất và người", ông có những kỷ niệm nào khó quên trong quá trình đóng phim này không?
- Hồi đóng phim Đất và người, tôi cũng như ê-kíp diễn xuất dưới trời mùa đông rất lạnh. Có hôm rét 10 độ C mà tôi phải lội xuống ruộng lúa và diễn đi diễn lại nhiều lần. Gần cả tháng trời chúng tôi phải cố gắng để phim kịp tiến độ và cũng may là không ai bị ốm. Vất vả là vậy thế nhưng khi phát sóng, được khán giả cả nước, đặc biệt là những khán giả ở nông thôn thích vai diễn Chu Văn Quềnh khiến tôi thấy rất hạnh phúc.
- Bị “đóng khung” với nhân vật Chu Văn Quềnh trong phim, có khi nào ông buồn vì khán giả quên tên thật của mình không?
- Trái lại, tôi thấy rất tự hào vì điều này, chứng tỏ nhân vật mà tôi đóng đã đạt nên nhiều khán giả mới nhớ như vậy. Khi chuẩn bị bấm máy phim Đất và người, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã cảnh báo tôi rằng: “Phim mà thành công, cái tên của ông sẽ bị mất đấy...”.
Biên kịch Phạm Ngọc Tiến thì bảo: “Các vai khác có thể đổi chứ vai này kiểu gì ông cũng phải đóng”... Đúng như đạo diễn dự đoán, sau vai diễn này và đặc biệt khi bộ phim lên sóng tôi bị mất tên thật.
Một thời gian sau, có lần đoàn làm phim qua địa phận Sông Công, Thái Nguyên, gặp một đám xô xát với nhau, nhiều người vào can, trong đó có cả trưởng thôn can ngăn nhưng họ vẫn không dừng lại. Tôi đành quát to: “Chu Văn Quềnh đây, có bỏ nhau ra không thì bảo...”. Thế là hai người kia thôi không đánh nhau nữa, tò mò nhìn diễn viên... Đó là những kỷ niệm đẹp khi tôi được gọi là Chu Văn Quềnh.
- Có khán giả nhận xét rằng, khuôn mặt của nghệ sĩ Hán Văn Tình chỉ hợp đóng những vai nghèo khổ, nông dân?
- Đúng vậy! Tôi vẫn “bị” mọi người gọi là “ông nông dân” đấy chứ! Tôi rất vui vì điều này bởi không phải ai cũng hóa thân vai nông dân một cách nhuyễn như vậy. Mỗi loại hình nghệ thuật có một đặc trưng riêng, trên sân khấu tuồng tôi vẫn đóng quan tham. Khuôn mặt là trời cho, miễn là được đóng phim và hợp vai là tôi nhận. Quan trọng là phải có kịch bản hay.