Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ sĩ Hán Văn Tình: 'Quềnh đã cứu sống tôi'

Nghệ sĩ Hán Văn Tình cho rằng vai diễn để đời đã giúp anh nhận được rất nhiều sự ủng hộ của khán giả cả về vật chất lẫn tinh thần.

Gặp lại nghệ sĩ Hán Văn Tình sau hơn 2 tháng ra viện, hình ảnh mệt mỏi, đen sạm ngày nào không còn nữa mà thay vào đó là một Hán Văn Tình nhanh nhẹn, hoạt bát và luôn yêu đời.

Trong căn nhà nhỏ ở ngoại ô, anh từ tốn kể lại với phóng viên về những tháng ngày sinh tử của cuộc đời.

Có lúc tôi nghĩ: Chắc là chết rồi

Đêm 31/12/2014, 4 ngày sau đêm diễn cuối cùng thì tôi đổ bệnh. Vợ con đã ngay lập tức đưa tôi vào bệnh viện Xanh-pôn rồi bệnh viện Phổi. Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị ung thư di căn màng phổi.

Sau gần một tháng điều trị, tôi xin về vì không kham nổi chi phí. Nếu xạ trị hay dùng thuốc thì mỗi ngày sẽ tốn hơn một triệu đồng. Lương nhà hát có 5 triệu một tháng, tôi không thể kham nổi.

Muốn có thể tiếp tục nuôi hi vọng sống thì phải bán nhà nhưng tôi nghĩ: Bán nhà thì liệu cầm cự được bao lâu, tiêu hết tiền rồi thì lấy gì điều trị tiếp. Bệnh này y học chưa thể chữa khỏi mà chỉ có thể ngăn không cho nó phát tác. Mọi người dốc sức, bán nhà cho tôi chữa bệnh rồi thì vợ con sẽ ở đâu, sẽ lấy gì để sống. Nghĩ vậy nên tôi xin xuất viện và tự động viên mình: Sống chết có số cả.

Nhưng vừa ra viện một ngày (24/1/2015) thì lại phải vào cấp cứu. Dịch tràn cả lít ra màng phổi và tôi gần như không ăn uống được nữa. Cơ thể sút từ 55 xuống 50 cân. Có lúc tôi nghĩ: Thôi chắc là chết rồi.

Công việc hàng ngày của Chu Văn Quềnh hiện nay là… uống thuốc.
Công việc hàng ngày của Chu Văn Quềnh hiện nay là… uống thuốc.

52 ngày định mệnh

Nhưng may mắn thay khi một người bạn của tôi đã đưa thông tin lên mạng xã hội. Từ đó, các phóng viên, báo đài đến đưa tin và mọi người dần biết đến hoàn cảnh của tôi.

Các đồng nghiệp, bạn bè, người thân cho đến cả lãnh đạo các cơ quan đoàn thể cũng đến thăm rất nhiều. Có những bà con ở tận Cần Thơ, Tây Ninh hay tận bên Séc, Đức cũng viết thư, gửi quà.

Bây giờ, tôi không thể thống kê được rằng đã nhận được bao nhiêu món quà. Tôi chỉ có thể nói rằng tất cả những món quà cả về vật chất và tinh thần ấy đã động viên, đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình điều trị bệnh.

Và bước ngoặt lớn đã đến khi ngày 29/1, bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đã mời tôi về và điều trị miễn phí. 52 ngày ở bện viện Hưng Việt là 52 ngày tôi được các y bác sĩ tận tình điều trị, các hộ lý chăm sóc 24/24 trong một căn phòng rộng và tiện nghi.

Bệnh viện đã đưa mẫu bệnh phẩm của tôi sang bệnh viện đại học Havard để xét nghiệm và từ đó đưa ra phác đồ điều trị chính xác nhất.

Và tại đây, tôi đã hồi phục một cách thần kỳ khi chỉ trong 52 ngày, từ một con người thập tử nhất sinh đã trở nên mạnh khoẻ và có thể xuất viện. Các bác sĩ cũng bất ngờ vì… tôi khoẻ lên nhanh quá. Thông thường, những người khác thì mất ít cũng nửa năm, nhiều thì vài năm là chuyện bình thường.

Được ra viện với sức khoẻ hồi phục nhanh, tôi không thể không biết ơn tập thể y bác sĩ bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đã chăm sóc tôi với tấm lòng thầy thuốc như mẹ hiền. Đặc biệt, tôi phải cảm ơn đông đảo khán giả đã quan tâm, giúp đỡ.

Bây giờ, ngẫm lại tôi mới thấy thành quả của sự cố gắng trong lao động nghệ thuật của mình. Những vai diễn như Chu Văn Quềnh không mang lại cho tôi nhiều tiền bạc nhưng nó mang lại rất nhiều tình cảm của khán giả. Để đến những lúc như thế này, tình cảm ấy đã trỗi dậy và giúp đỡ tôi có thể chiến thắng căn bệnh ung thư.

Nhưng càng vui vì mình bao nhiêu thì lại càng buồn cho đồng nghiệp bấy nhiêu. Có những nghệ sĩ khác, họ khổ hơn tôi, bệnh nặng hơn tôi nhưng lại chưa được mọi người quan tâm nhiều lắm. Giá như, nghệ sĩ nào cũng được khán giả quan tâm giúp đỡ thì có lẽ họ đã đỡ khổ hơn, cuộc đời đã đẹp hơn rất nhiều.

Sau đổ bệnh, anh đã bị sút cân rất nhiều.
Sau đổ bệnh, anh đã bị sút cân rất nhiều.

Khi "Quềnh" không diễn nữa

Ngày 22/3, tôi ra viện trong sự chúc mừng của các y bác sĩ, bạn bè và người thân. Nhưng cuộc chiến với căn bệnh ung thư chưa kết thúc.

Tôi phải uống thuốc đích để ngăn không cho bệnh phát tác chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn. Mỗi ngày, tôi uống một viên thuốc đích có giá hơn một triệu đồng và phải uống suốt đời. Dừng uống thuốc nghĩa là tôi sẽ dừng hành trình với cuộc sống này.

Hiện tôi có thể đi lại, nói cười nhưng sức khoẻ còn yếu nên hầu như chưa làm được việc gì. Tất cả mọi việc trong nhà đều do một tay vợ tôi phụ trách.

Những lúc khoẻ hơn một chút, tôi lại đến nhà hát Tuồng để thăm hỏi, động viên anh em. Lòng tôi cũng muốn diễn nhưng hát tuồng thì phải vừa hát, vừa múa. Người diễn viên phải sử dụng rất nhiều nội lực nên tôi không kham nổi.

Cũng có người mời đi diễn hài nhưng tôi không dám nhận. Bởi ngộ nhỡ tôi có làm sao thì đi cấp cứu không kịp.

Nhiều lúc buồn, cũng nhớ nghề lắm nhưng chẳng biết làm gì ngoài việc xem thời sự hay xem lại những vở đã diễn, những phim đã đóng.

Thỉnh thoảng, tôi lại được mời đi nói chuyện với các bệnh nhân bởi quá trình chữa trị nhanh chóng với tinh thần lạc quan của tôi có thể giúp họ có thêm niềm tin để chiến đấu với bệnh tật.

Bây giờ, thú vui của tôi là tập thể dục và ngồi thiền bởi nó không chỉ làm cho tôi đỡ buồn bực chân tay mà còn giúp tôi tăng cường sức khoẻ. Có qua một trận như vừa rồi, tôi mới thấy sức khoẻ quan trọng đến thế nào.

songtre.baodatviet.vn/index.php/sao/ho-so/tin/han-van-tinh/nghe-si-han-van-tinh-quenh-da-cuu-song-toi.html

Theo Việt Hùng/ Đất Việt

Bạn có thể quan tâm