Chia sẻ với Zing, diễn viên Tùng Dương tâm sự NSND Trần Hạnh là một trong những bậc tiền bối anh kính trọng. Con người ông giản dị, nhân hậu. Đối với nghề diễn, cố nghệ sĩ luôn cống hiến hết mình, dù đảm nhận vai lớn hay nhỏ. Chính điều này đã thôi thúc Tùng Dương ghi chép lại những câu chuyện đời thường về NSND Trần Hạnh, để kỷ niệm sẽ còn mãi trong lòng khán giả.
"Tôi viết ba chương đầu vào năm 2018. Hai chương sau được tôi viết trong năm 2019. Bố Hạnh mắt kém không đọc được, nhưng các con đọc cho bố nghe. Bố 'khoái' lắm. Bố bảo nhớ hết những kỷ niệm mà tôi nhắc đến".
Diễn viên thế hệ tôi đều gọi nghệ sĩ Trần Hạnh là bố
Tùng Dương cho biết hình ảnh nghệ sĩ Trần Hạnh trong mắt anh luôn là người giản dị, gần gũi với nụ cười tủm tỉm thường trực trên môi. Hầu hết diễn viên ở thế hệ của anh, trên một chút hoặc thế hệ sau đều gọi diễn viên Trần Hạnh là bố.
Tùng Dương vẫn nhớ kỷ niệm khi quay bộ phim Cô gái phòng 307 tại Bắc Giang, vào năm 1998. Khi đó, anh vừa làm tổ chức sản xuất, vừa đảm nhận một vai. Cố NSND Hoàng Dũng, NSƯT Hoa Thúy (khi đó là vợ của Tùng Dương) cũng tham gia phim này. Sự quan tâm của NSND Trần Hạnh dành cho Hoa Thúy lúc ấy đã khiến Tùng Dương xúc động.
Biết Hoa Thúy mệt mỏi vì đang mang bầu, sức khỏe không tốt, ông lặng lẽ đi mua bánh và sữa cho cô. Ông không thông báo trước, khiến cả đoàn nháo nhác đi tìm.
"Đang lúc cơn bực bốc hoả đùng đùng trong đầu thì tôi nghe có tiếng gọi khe khẽ đằng sau 'Này, Dương, Dương cò lả ơi'. Tôi vội ngoái lại thì thấy cái đầu của bố lấp ló phía sau cột tường gần cổng sảnh, bàn tay khẽ thò ra vẫy tôi như không muốn ai nhìn thấy. Sau mấy giây định thần, tôi liếc nhìn xung quanh thấy mọi người đang chúi đầu vào monitor để xem lại đoạn vừa quay. Tôi lẳng lặng đi đến chỗ bố, miệng đã thường trực sẵn những câu trách móc phê bình về sự vô kỷ luật của bố. Nhưng vừa định nói thì bố giơ trước mặt tôi một bịch nylon, bên trong là dăm hộp sữa và mấy chiếc bánh ngọt.
Diễn viên Tùng Dương và NSND Trần Hạnh. Ảnh: NVCC. |
Bố bảo: 'Đừng nói gì, mang ngay lên cho vợ mày đi. Đàn bà có thai đừng để nó đuối sức, đoàn quay còn khướt mới xong, chờ cháo của đoàn thì vợ mày ngất từ đời tám hoánh nào rồi'. Trong phút chốc, tôi đơ mặt ra nhìn bố, chẳng nói được câu gì. Hoá ra từ nãy tới giờ, bố biến mất là vì lọ mọ đi mua sữa và bánh cho vợ tôi. Tôi thật sự xúc động không thốt nên lời dù chỉ là hai từ cám ơn".
Theo lời Tùng Dương, vào những năm cuối thập niên 1990, mỗi phim truyền hình chỉ có vài tập. Cát-xê cho tổ diễn viên, gồm cả vai chính, vai phụ và quần chúng khoảng 9 triệu đồng mỗi tập. Trong vai trò tổ chức sản xuất, Tùng Dương chịu trách nhiệm trả cát-xê cho mọi người. Anh và Hoa Thúy quyết định bớt một chút phần của mình để bù đắp cho sự vất vả của NSND Trần Hạnh.
Tuy nhiên, hành động của nghệ sĩ tiền bối đã khiến Tùng Dương sững người. Ông mở phong bì ngay trước mặt Tùng Dương và đưa lại cho anh 400.000 đồng. Dù Tùng Dương phản đối, ông nhất quyết coi đó là món quà nhỏ để Hoa Thúy chăm sóc sức khỏe.
"Hai bên kéo cưa một hồi thì bố nhét mạnh tiền vào túi áo ngực tôi, hất đầu về phía quán nước, nháy mắt 'Đừng đùn đẩy nhau nữa kẻo lũ kia nó lại tưởng bố con mình có xích mích gì'. Bố chơi khôn, cài tôi vào tình thế không thể nằn nì bố cầm lại tiền.
Xin mở ngoặc nói thêm rằng, ngày đó lương giúp việc chỉ có 300 nghìn/tháng, để mọi người biết, 400 nghìn đồng lúc ấy giá trị lớn như thế nào. Tôi đang gãi đầu gãi tai chưa biết nên xử lý ra sao thì bố đặt nhẹ tay lên vai tôi, lúc này bố không cười nữa. Bố bảo 'Đàn bà có thai từ tháng thứ 3 trở đi tính tình rất ẩm ương, đừng khó chịu rồi mắng nó như hôm nọ nữa, tội nó lắm! Thôi, bố về nhé'. Rồi bố lặng lẽ bước đi, để lại tôi đứng một mình trong tâm trạng hỗn mang, đăm chiêu nghĩ ngợi về điều bố vừa nói" - Tùng Dương nhớ lại.
Tự lái xe máy đi quay phim ở tuổi 79
Bộ phim thứ hai Tùng Dương có cơ hội hợp tác với NSND Trần Hạnh là Ngõ lỗ thủng của đạo diễn Trần Quốc Trọng (năm 2008). Nam diễn viên kể ở tuổi 79, nghệ sĩ Trần Hạnh vẫn tự lái xe đi quay - với quãng đường trên dưới 100 km - vì ghét xe ôm. Ông luôn đến bối cảnh trước giờ hẹn và học thoại rất kỹ. Ngay cả khi phần thoại đó rất ngắn.
Ông nói với Tùng Dương: "Bố già rồi, trí nhớ không còn được như những năm trước. Không nhẩm kỹ, lát quay quên thoại, đạo diễn mắng, rồi làm hỏng cảm xúc diễn của chúng mày nữa".
Sự tận tâm với nghề, tình yêu dành cho nghệ thuật của người nghệ sĩ già đã khiến Tùng Dương phải suy nghĩ, trăn trở.
Anh chia sẻ: "Bố, một nghệ sĩ đã ở tuổi bát thập niên mà vẫn tràn đầy cảm xúc, dành trọn trái tim cho mỗi nhân vật mà mình thể hiện... 10 năm nữa đã trôi qua, thời gian quả là một người bạn đồng hành nghiệt ngã. Hình ảnh của bố vẫn giản dị như ngày nào với bộ quần áo sờn cũ, nụ cười tủm tỉm vừa hiền lành, vừa tinh quái trên môi.
Khác chăng, bố đã bỏ thuốc lá vì sức khỏe và các nếp nhăn nhiều hơn đôi chút trên gương mặt khắc khổ ám màu thời gian, ám màu theo những kỷ niệm mà tôi không thể nào quên mỗi khi nghĩ về bố - một người nghệ sĩ của nhân dân, và là một người bố trong lòng mỗi diễn viên thế hệ hậu bối như chúng tôi".
Nghệ sĩ Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2019. Ông được yêu mến bởi lối sống giản dị, sự tận tâm với nghề. |
Năm 2019, Tùng Dương đến thăm bậc tiền bối tại nhà riêng để chúc mừng ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Anh kể NSND Trần Hạnh rất vui mừng khi những đóng góp nghệ thuật của ông được ghi nhận. Ông cười khẽ: "Người ta còn nhớ tới mình mà phong tặng thế này là vui rồi. Kể cả không có cũng chẳng sao, khán giả yêu quý là mình hạnh phúc rồi".
Tùng Dương bảo trong căn phòng ngủ chật hẹp ở tầng 3, NSND Trần Hạnh vẫn giữ rất nhiều món đồ cũ kỹ không nỡ bỏ đi. Đó là những kỷ vật đã sát cánh cùng ông trong những năm tháng khó khăn và gian khổ.
"Tôi im lặng nhìn bố, cảm nhận từng lời nói chân tình từ bậc nghệ sĩ tiền bối đã hơn 60 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, và hiểu rằng vì sao mấy chục năm qua trong căn gác chật hẹp cũ kỹ này, bố vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc.
Nhân cách cao cả của một tâm hồn vĩ đại không tỷ lệ thuận với danh phận cao sang, và càng không thể đong đếm bằng thước đo vật chất. Nhân cách cao cả ấy, đôi khi ẩn mình trong một cốt cách giản dị và mộc mạc, như chính con người của bố vốn có, với nụ cười hiền hậu pha chút hóm hỉnh.
Và cũng như mọi lần, tôi lại nắm chặt bàn tay bố, bàn tay nhăn nheo ố vàng ám mùi thuốc lá, như muốn được truyền ngọn lửa từ trái tim nồng ấm của bậc tiền bối sang cơ thể mình...".