Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Novavax có thể vượt mặt vaccine Pfizer, Moderna nếu được WHO phê duyệt

Nếu được WHO phê duyệt, vaccine Novavax có khả năng giúp tiếp cận vaccine toàn cầu trở nên bình đẳng hơn. Nhưng trước mắt hãng này vẫn là nhiều thách thức về quy định và sản xuất.

Ngày 23/9, hãng sản xuất vaccine của Mỹ Novavax cho biết đã nộp đơn xin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa Covid-19 của mình, Fortune đưa tin.

Nhiều ưu điểm vượt trội

Nếu thành công, Novavax sẽ là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên dùng công nghệ protein được WHO công nhận.

Vaccine protein sẽ hướng dẫn hệ miễn dịch cách chống lại Covid-19 thông qua protein có chứa một phần của virus gây bệnh. Công nghệ này có một số ưu điểm so với các loại vaccine khác.

Novavax anh 1

Kết quả từ một số thí nghiệm cho thấy vaccine ngừa Covid-19 của Novavax có hiệu quả 90,4% trong việc ngăn cản ca mắc có triệu chứng. Ảnh: Reuters.

Khác với vaccine mRNA như Pfizer hoặc Moderna cần được bảo quản dưới 0 độ C, vaccine của Novavax có thể được giữ ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường (2-8 độ C).

Trong giai đoạn thử nghiệm, Novavax tạo ra ít tác dụng phụ hơn vaccine mRNA và vẫn có hiệu quả bảo vệ tương đương.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn III cho thấy Novavax có hiệu quả 90,4% trong việc ngăn ngừa ca mắc Covid-19 có triệu chứng. Đầu tháng 8, Novavax cho biết mũi tiêm tăng cường bằng vaccine của mình tạo ra số kháng thể chống biến chủng Delta nhiều gấp 6 lần so với hai mũi đầu.

Novavax không gặp khó khăn về hiệu quả vaccine nhưng lại chật vật trong việc sản xuất vaccine.

Hãng này cho biết đang sản xuất vaccine Covid-19 ở 20 nhà máy trên thế giới và sẽ có năng lực sản xuất 2 tỷ liều trong năm 2022. Nhưng mọi vaccine của Novavax vẫn chỉ được dùng trong thử nghiệm lâm sàng.

Trong khi đó, Novavax vẫn chưa xin phê duyệt khẩn cấp từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Sau nhiều tháng trì hoãn, hãng này cho biết có thể sẽ nộp đơn vào quý 4 năm nay.

Nhà chức trách Mỹ hồi tháng 8 cho biết nguyên nhân của sự trì hoãn trên bắt nguồn từ quy trình kiểm soát chất lượng yếu kém tại cơ sở sản xuất của Novavax.

Bên ngoài nước Mỹ, Novavax còn ký thỏa thuận vào tháng 8/2020 để cho phép Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất và phân phối vaccine của hãng dưới tên Covavax tại Ấn Độ.

Nhưng SII, nhà sản xuất khối lượng vaccine lớn nhất thế giới, cho biết sự chậm trễ trong thủ tục ở Mỹ đã cản trở việc sản xuất và phân phối vaccine của SII.

“Chúng tôi sẽ chỉ có giấy phép khi Novavax có giấy phép từ FDA Mỹ. Chúng tôi đang cố xin giấy phép trước công ty mẹ nhưng đó quả là việc rất khó khăn”, Cyrus Poonawalla, chủ tịch SII nói vào tháng 8.

Ngày 30/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết những người tham gia giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của vaccine Novavax sẽ được coi là đã tiêm chủng đầy đủ, sau 2 tuần từ khi hoàn thành tiêm mũi 2, theo Reuters.

Tuy nhiên, CDC cũng cho biết hướng dẫn trên không đồng nghĩa vaccine được cơ quan này phê chuẩn.

Nhiều nước săn đón

Đại diện Novavax nói rằng hãng này sẽ tập trung cung ứng vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp trong giai đoạn đầu vì Mỹ và các nước phương Tây đã tiêm chủng cho phần lớn dân số, theo Reuters.

Novavax anh 2

Phòng thí nghiệm vaccine Covid-19 của Novavax ở Maryland. Ảnh: Wall Street Journal.

Dù chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine Covid-19 của Novavax vẫn đang được nhiều nước săn đón vì tiềm năng của nó.

Vaccine Covid-19 của Novavax chứa các protein gai được tạo ra bởi các tế bào bướm đêm bị nhiễm virus biến đổi gene. Các nhà khoa học “thu hoạch” và kết nối các protein gai này với hạt nano, tạo thành vaccine chống Covid-19.

Yêu cầu bảo quản đối với vaccine của Novavax tương đối dễ hơn so với một số loại vaccine Covid-19 khác, khi nó có thể được giữ trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường. Nếu được nhà quản lý cấp phép, vaccine của Novavax sẽ góp phần giải quyết tình trạng nguồn cung khan hiếm trên toàn cầu.

Đầu tháng 8, Liên minh châu Âu (EU) đạt thỏa thuận mua 100 triệu liều vaccine Novavax, và được quyền lựa chọn mua thêm 100 triệu liều nữa cho tới năm 2023, nếu sản phẩm này được cấp phép lưu hành ở EU.

Bộ trưởng Ứng phó Covid-19 của New Zealand Chris Hipkins ngày 8/9 xác nhận nước này sẽ dùng vaccine Novavax cho chương trình tiêm nhắc lại và hy vọng sẽ nhận được phần lớn trong số 5,36 triệu liều vaccine đã mua từ Novavax trong quý đầu tiên của năm tới.

Một ngày trước đó, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết Novavax đã ký hợp đồng cung cấp 150 triệu liều vaccine Covid-19 cho Nhật Bản trong năm 2022.

Novavax nộp đơn xin WHO phê duyệt khẩn cấp vaccine Covid-19

Novavax thông báo hãng dược này đã nộp đơn lên Tổ chức Y tế Thế giới để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covid-19 mà công ty này phát triển, theo Guardian.

Novavax cam kết thực hiện trách nhiệm cung cấp vaccine trên toàn cầu

Tuy Novavax nỗ lực sản xuất và cam kết phân bổ vaccine công bằng, lãnh đạo công ty này cho rằng việc ưu tiên phân phối vaccine như thế nào phụ thuộc vào nhà hoạch định chính sách.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm