Zing.vn trích dịch bài viết của hai tác giả Yoolim Lee và Min Jeong Lee trên Bloomberg nói về cuộc chiến smartphone giữa Samsung và Apple. Trong đó, Samsung đã có gắng đưa Galaxy Note 7 chạy trước iPhone 7.
Như mọi công ty khác, Samsung chưa bao giờ bỏ qua cơ hội lúc các đối thủ đang gặp khó khăn, nhất là với kẻ mạnh như Apple. Đầu năm nay, các nhà quản lý từ Hàn Quốc có lẽ đã biết iPhone 7 không mang lại nhiều tính năng mới, và cũng chẳng thay đổi nhiều.
Một cơ hội vàng để Samsung vượt lên phía trước.
Các chóp bu của Samsung, gồm cả D.J. Koh, quyết định đẩy nhanh tiến độ ra sản phẩm mới. Họ tin mình sẽ làm người dùng phấn khích, và từ đó khai thác tốt cơ hội này, nhiều nguồn tin cho hay.
Họ hối thúc các nhà cung ứng với thời gian gay gắt hơn, bất chấp Note 7 mang nhiều tính năng mới, Bloomberg dẫn "một nguồn tin trực tiếp". Note 7 mang quá nhiều tính năng mới, đây là lúc chấm dứt những lời cáo buộc "bắt chước" mà Apple luôn dành cho Samsung.
"Khúc khải hoàn ca đã thành điệu nhạc bi ai". Ảnh: Bloomberg. |
Nhưng mọi thứ đi ngược lại dự tính. Chỉ vài ngày sau khi ra mắt, nhiều thông tin pin của Note 7 bị nổ bắt đầu xuất hiện. Cho đến cuối tháng 8, số vụ việc tăng lên trong khi Samsung loay hoay tìm nguyên nhân.
Ngày 2/9, Koh tổ chức một cuộc họp báo, thông tin họ sẽ đổi trả 2,5 triệu chiếc Note 7 đã bán ra. Ngay cả cuộc thu hồi Note 7 cũng bị chỉ trích. Họ tuyên bố quá sớm, nhưng chưa tính được cách thức đổi trả cho hàng triệu người dùng ở 10 quốc gia.
Hướng dẫn của họ là không rõ ràng. Đầu tiên, Samsung yêu cầu người dùng ngưng sử dụng, tắt nguồn. Vài ngày sau, họ tung ra bản nâng cấp phần mềm để ngăn quá nhiệt, hàm ý rằng người dùng có thể tiếp tục dùng Note 7.
"Điều này tạo ra vấn đề lớn cho công ty, khiến người ta nghi ngờ khả năng hỗ trợ người dùng khi có vấn đề", David Yoffie, giáo sư quản lý tại Havard, thành viên ban giám đốc Intel cho biết.
Samsung từ chối bình luận về thông tin họ hối hả để đi trước iPhone và cho rằng thời điểm đã được tính toán kỹ.
Samsung đang gặp nhiều khủng hoảng về lãnh đạo. Chủ tịch Lee Kun-Hee, nhà thừa kế và đứng đầu nhiều bộ phận quan trọng của Samsung, lên cơn đau tim năm 2014 và hiện vẫn chưa thể làm việc. Con trai Jay Y.Lee của ông không thể tiếp quản vì người cha vẫn còn sống.
Kết quả, không có ai đủ quyền lực để chịu trách nhiệm và đưa ra các giải pháp tại Samsung theo cách của Tim Cook với Apple.
Jay Y. Lee chưa phải là cái tên được nhớ nhiều ở Samsung. Ảnh: Bloomberg.
|
"Vấn đề pin xảy ra ở thời điểm tồi tệ với Samsung và dường như họ mất một lúc mới phản ứng được với khủng hoảng", nhà phân tích Thomas Husson từ Forrester Research nói, "có vẻ vấn đề đến từ nhóm lãnh đạo cấp cao".
Gốc rễ của vấn đề này đến từ hơn một năm trước, khi Samsung đang lựa chọn các tính năng cho điện thoại mới. Dòng Note vốn đang độc tôn ở mảng màn hình lớn cùng nhiều tính năng khác, cho đến khi Apple tung ra iPhone 6 Plus vào năm 2014.
Chiếc 6 Plus đặt thêm nhiều áp lực cho Samsung, do vậy họ thay đổi kế hoạch ra mắt sản phẩm. Năm ngoái, Note 7 được dời từ tháng 9 sang tháng 8, vài tuần trước iPhone 6S.
Các kỹ sư của Samsung hoàn thành tiến độ, nhưng Apple vẫn giành được thị phần lớn. Tháng 12/2015, Koh tiếp quản chức chủ tịch mảng di động. Ông vừa phải đối mặt với Apple, vừa chứng kiến thị trường chung sụt giảm. Khi biết Apple không có nhiều thay đổi, ông vạch ra kế hoạch.
Một nhóm quản lý cấp cao xem xét những bản Note 7 đầu tiên, phân tích mổ xẻ sản phẩm, một nhà quản lý tiết lộ. Nếu Apple không khiến người dùng phấn khích, Samsung phải làm được.
Các nhà quản lý, bao gồm cả Phó chủ tịch G.S. Choi quyết định nhiều tính năng quan trọng trên Note 7, và đồng ý giới thiệu sản phẩm sớm 10 ngày so với năm ngoái, vào 3/8.
Trong đó, pin là yếu tố then chốt. Dù đã nhiều năm trôi qua, công nghệ pin vẫn đầy thử thách, và cũng nhiều rủi ro. Note 7 dùng pin nâng cấp 3.500 mAh, vượt trội so với nhiều đối thủ. Viên pin được cung cấp bởi SDI Co, theo Bloomberg.
Đến tận những ngày cuối, nhân viên Samsung phải làm việc cật lực bởi thời gian bị rút ngắn, và bởi Samsung liên tục thay đổi kế hoạch làm việc. Đến tháng 8, có vẻ như họ đã thành công.
Họ phân phối những phiên bản đầu tiên đến các nhà mạng trên khắp thế giới, như AT&T, Telstra ở Australia. Một đại diện nhà mạng cho biết họ đã thử nghiệm thiết bị từ tháng 5. Tuy vậy, các thử nghiệm nhà mạng tập trung và khả năng của ăng-ten, tốc độ dữ liệu chứ không phát hiện vấn đề về pin.
Do đó, khi vấn đề cháy pin xuất hiện, trụ sở của Samsung tại Hàn Quốc đã sốc nặng. Phó chủ tịch Choi tập hợp các quản lý cấp cao và yêu cầu được biết nguyên nhân.
Các ngón tay chỉ vào Samsung SDI, trong khi bên này đổ lỗi cho các ban khác, có thể ở thiết kế hoặc bộ phận các điện.
Dù sao đi nữa, Samsung biết họ cần phản ứng nhanh. Nội bộ bị chia rẽ về việc liệu cần thu hồi tắp lự, hay dùng phương án nhẹ nhàng hơn, như đổi pin. Một số kỹ sư khẩn thiết đổi trả Note 7, thậm chí không cần nhận lương.
Nhiều người cho rằng Samsung luôn huấn luyện về chuẩn mực sản phẩm và thu hồi là bước cần thiết để bảo vệ chuẩn mực đó. Đích thân Koh lên tiếng xin lỗi các nhân viên, ngày hôm sau, vụ thu hồi diễn ra.
Các kỹ sư của họ quên ăn quên ngủ tìm nguyên nhân. Theo các thông tin chính thức, một lỗi xảy ra trong quá trình sản xuất khiến áp lực tăng cao trên vách ngăn giữa các viên pin, làm tăng nhiệt và gây nổ.
Nhiều ý kiến khác cho rằng cố tăng thời lượng pin khiến kích thước viên pin quá to, chèn ép với các thành phần khác và đoản mạch.
"Họ cố gắng đánh bại Apple và họ đã phạm sai lầm", Anthea Lai từ Bloomberg Intelligence cho biết. Sau vụ việc, Samsung chuyển sang công ty Nhật Bản Amperex Technology để sản xuất pin, theo một trang tin địa phương.
Động thái thu hồi thể hiện thiện chí của Samsung, nhưng lại vượt mặt các nhà hành pháp ở nhiều quốc gia. Ví dụ, tại Mỹ, lẽ ra họ phải thông báo trước với Ủy ban An toàn Tiêu dùng 24 giờ sau khi vụ việc xảy ra.
Thay vào đó, hãng tự công bố và người dùng không được hướng dẫn rõ ràng cách đổi thiết bị. Cho đến hiện tại, chưa rõ khi nào Note 7 sẽ mở bán lại trên toàn cầu.
"Đây là một cú đấm vào hình ảnh của Samsung", Kim Sang Jo, Giáo sư kinh tế tại đại học Hansung, Seoul nhận định, "rõ ràng đã có nhiều sai sót trong sản xuất và công ty cần lấy lại niềm tin nơi người dùng và các nhà đầu tư".
Chạy đua với iPhone 7 đã khiến Samsung vấp ngã. Ảnh: BGR. |
iPhone 7 cũng không phải cú sụp đổ quá lớn, dù không mang nhiều thay đổi, các iFan trung thành vẫn xếp hàng trên khắp thế giới để đặt mua.
Hai mươi năm trước, Chủ tịch Lee từng giận dữ về các lỗi trên điện thoại, đến nỗi ông gom hàng nghìn chiếc điện thoại lại và đốt chúng cháy thành tro. "Không bao giờ được phạm lỗi về chất lượng", ông chủ trương với nhân viên, và đó là thái độ giúp Samsung trở thành cái tên lớn trong ngành này.