Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nord Stream khắc sâu thế khó của Đức

Việc Moscow mở lại đường ống Nord Stream với công suất thấp hơn cho thấy Đức vẫn còn đối mặt với rất nhiều áp lực trong việc giảm tiêu thụ và phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Nga đã nối lại nguồn cung cấp khí đốt quan trọng cho châu Âu thông qua Đức, mở lại đường ống dẫn khí Nord Stream sau 10 ngày, dù ở công suất thấp hơn. Thế nhưng, điều này dường như chưa đủ để giải quyết những lo lắng về năng lượng cấp bách của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, theo Guardian.

Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga như thế nào?

Khí tự nhiên chiếm khoảng 27% tổng năng lượng các loại của Đức. Trước khi Nga bắt đầu “chiến dịch” ở Ukraine, hơn một nửa (55%) lượng khí đốt tiêu thụ ở Đức được nhập khẩu từ Nga.

Kể từ cuối tháng 2, chính phủ Đức đã lùng sục nguồn khí đốt từ nơi khác, như từ Na Uy hoặc Hà Lan. Nước này thậm chí mở rộng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar. Tính đến cuối tháng 6, Đức chỉ còn phụ thuộc vào Nga khoảng ¼ nhu cầu khí đốt của mình.

Tuy nhiên, con số ¼ trên chủ yếu được dùng để đáp ứng nhu cầu ở các lĩnh vực đặc biệt dễ bị tổn thương ở Đức, gồm sưởi ấm các hộ gia đình, và dùng trong công nghiệp.

Trong tổng lượng các loại năng lượng dùng cho 2 lĩnh vực trên, khí đốt chiếm lượng lớn nhất, khoảng 37%.

Hiện tại, rất ít khí đốt chảy từ Nga sang Đức thông qua bất kỳ đường ống nào trong số ba đường ống nối hai nước.

Su phu thuoc cua Duc vao khi dot Nga anh 1

Một trạm khí của đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters.

Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom hồi tháng 5 đã khóa dòng khí đốt qua đường ống Yamal đi qua Belarus và Ba Lan, trong khi đường ống Transgas đi qua Ukraine, một phần mở rộng của đường ống Soyuz từ Nga, đang ưu tiên giao hàng cho Slovakia và Áo.

Đường ống quan trọng nhất của Đức, Nord Stream 1, được sử dụng để vận chuyển tới 170 triệu m3 khí mỗi ngày. Tuy nhiên, vào giữa tháng 6, Gazprom đã giảm lượng giao hàng xuống còn khoảng 40 triệu m3/ngày, với lý do là công ty Siemens của Đức đã chậm trễ "sửa chữa" tuabin, và việc này có thể kéo dài đến tháng 9.

Vào ngày 11/7, Nord Stream đã đóng cửa trong 10 ngày để bảo trì theo lịch. Tuy nhiên, ở Đức dấy lên giả định rằng Moscow sẽ tận dụng thời gian này để ngừng xuất khẩu khí đốt hoàn toàn, bằng cách giả vờ họ gặp các vấn đề về kỹ thuật.

Sáng 21/7, công ty đứng sau Nord Stream 1 thông báo rằng khí đốt đã chảy qua đường ống của họ một lần nữa, các nhà chức trách Đức cho biết Gazprom đã nói rằng dòng khí đốt sẽ chỉ phục hồi ở mức 30% công suất ban đầu.

Đức có đủ khí đốt để dùng cho mùa đông này không?

Nếu Gazprom tiếp tục cung cấp khí đốt ở mức 40% công suất trước khi ngừng bảo dưỡng, Đức sẽ có thể đủ để sử dụng đến hết mùa đông nếu tiết kiệm, mô hình của Viện Kinh tế Thế giới Kiel ước tính, vì Đức đã gấp rút nạp vào kho dự trữ khí đốt của mình trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, nước này có thể sẽ bước vào mùa đông năm 2023-2024 tồi tệ hơn đáng kể so với năm nay. Trong trường hợp xấu nhất, Đức không thể có thêm khí đốt và cũng không thể tiết kiệm được, viện nghiên cứu dự đoán thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể lên tới 283 tỷ euro (287,4 tỷ USD).

Su phu thuoc cua Duc vao khi dot Nga anh 2

Đồ họa: Reuters.

Nếu thiếu hụt nguồn cung, Đức sẽ phân bổ khí đốt như thế nào?

Theo kế hoạch hiện tại, các hộ gia đình, bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sức khỏe sẽ không nằm trong diện bị phân bổ khí đốt nếu nguồn cung thiếu hụt.

Gánh nặng sẽ dồn vào ngành công nghiệp của Đức, lĩnh vực chiếm ⅓ lượng khí đốt tiêu thụ trên cả nước.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, các ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm đã lập luận rằng việc phân bổ khí đốt đối với họ có thể gây ra hiệu ứng domino, kéo theo hậu quả thảm khốc cho toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Robert Habeck kêu gọi các hộ gia đình cũng cần “góp phần” vào việc này.

Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, việc giám sát tiêu thụ năng lượng hoặc phân bổ nguồn cung cấp khí đốt cho hàng triệu hộ gia đình là không thể. Thay vào đó, biện pháp khả thi hơn là chính phủ cố buộc người tiêu dùng tiết kiệm bằng việc tăng giá.

Vì sao Đức lại rơi vào tình thế khó xử này?

Cả chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz và của người tiền nhiệm Angela Merkel đều xác định khí tự nhiên là một “công nghệ cầu nối” thiết yếu trên con đường dẫn đến một tương lai năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đang đe dọa phá hủy “cây cầu” đó.

Đức sẽ đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng còn lại của mình vào cuối năm nay. Quyết định được bà Merkel công bố sau khi một trận động đất gây ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào năm 2011.

Để đáp ứng mục tiêu giảm carbon, họ cũng đang có kế hoạch giảm lượng tiêu thụ điện than, chậm nhất vào năm 2038, hoặc sớm hơn vào năm 2035 nếu có thể. Việc tích trữ các nguồn năng lượng tái tạo đã tăng tốc mạnh mẽ ngay từ đầu thập niên 2010, nhưng đã chậm lại trong những năm gần đây.

Với thời hạn được đặt ra, và Đức đã từng bước tự do hóa thị trường năng lượng từ cuối những năm 1990, nền kinh tế ngày càng phát triển dựa vào khí đốt của Nga. Nguồn cung của Nga không chỉ rẻ mà còn đáp ứng mong muốn của một số quan điểm chính trị ở Đức về việc thắt chặt quan hệ ngoại giao hơn với Moscow.

Su phu thuoc cua Duc vao khi dot Nga anh 3

Nga hôm 21/7 đã mở lại đường ống Nord Stream 1 cung cấp khí đốt cho Đức nhưng với công suất giảm đáng kể. Ảnh: Reuters.

Đức có thể kích hoạt lại các nhà máy điện hạt nhân không?

Ba nhà máy điện còn lại - hai ở phía nam và một ở phía bắc - chỉ chiếm 5% tổng sản lượng điện của Đức. Chính phủ cho biết việc duy trì chúng lâu hơn sẽ không chỉ không mang lại nhiều lợi ích, mà còn gây ra rủi ro đáng kể.

Ông Habeck gần đây cho biết các nhà máy đã được thiết lập sử dụng hết thanh nhiên liệu của chúng trước cuối năm nay. Để kéo dài hoạt động của nhà máy thêm vài tháng, sẽ cần phải thiết lập lại để sử dụng tiết kiệm thanh nhiên liệu, nhưng điều này cũng đồng nghĩa nhà máy sẽ tạo ra được ít năng lượng hơn.

Tuy nhiên, nếu muốn kéo dài hoạt động thêm vài năm, nhà máy sẽ cần mua thanh nhiên liệu mới, đồng thời kiểm tra lại độ an toàn của các cơ sở - vốn đã quá hạn kiểm tra 2 năm.

Ông Habeck cảnh báo nếu không thực hiện những cuộc kiểm tra như vậy, các nhà máy hạt nhân của Đức có thể trở thành mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tấn công mạng tiềm tàng.

Tuy nhiên, những người ủng hộ hạt nhân chỉ ra rằng các cuộc kiểm tra an toàn có thể được thực hiện mà không cần phải đóng cửa nhà máy trong thời gian chờ đợi. Họ cũng tin rằng nhu cầu điện của Đức sẽ tăng lên trong những năm tới khi nước này chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Tổ chức giải pháp Agora Energiewende dự đoán ​​Đức sẽ tăng gấp đôi nhu cầu điện lên 1.000 tWh (terawatt giờ) vào năm 2045.

Ông Habeck, một chính trị gia của đảng Xanh, cho biết ông sẽ đánh giá tình hình xung quanh năng lượng hạt nhân, nhưng việc lật ngược lại vấn đề này có thể gây mất thể diện đối với đảng vốn phát triển từ phong trào chống hạt nhân những năm 1980.

Nord Stream 1 hoạt động trở lại

Nga đã tiếp tục quá trình xuất khẩu khí đốt chảy qua đường ống Nord Stream 1 vào hôm 21/7, trái với những lo ngại từ châu Âu rằng Moscow có thể trì hoãn lịch xuất khẩu.

Châu Âu đứng ngồi không yên trong ngày 21/7

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 dự kiến được mở lại vào ngày thứ năm (21/7). Tuy nhiên, nỗi lo Moscow thay đổi quyết định đang khiến các lãnh đạo châu Âu “đứng ngồi không yên”.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm