Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông nghiệp Việt Nam: 'Của ngon mang ra nước ngoài bán hết'

Không có lợi thế khoa học công nghệ hiện đại, các DN Việt khẳng định, thị trường nội địa mới chính là lãnh địa mà họ phải chiếm giữ và thống lĩnh để đấu với các cường quốc TPP.

Phải giành lấy thị trường nội địa

Trái ngược với nhận định của giới chuyên gia khi cho rằng, nông nghiệp Việt sẽ gặp khó khi vào TPP,  các doanh nghiệp (DN) đang đầu tư vào lĩnh vực này khẳng định, họ đã chuẩn bị tâm thế và sẵn sàng tham gia sân chơi này.

Có thâm niên hơn 30 năm đầu tư trong ngành nông nghiệp, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương, cho rằng, để sống tốt, điều trước mắt là các DN Việt phải nhanh chóng giành lại và giữ chặt thị trường nội địa.

“Hội nhập TPP, DN nông nghiệp hãy nghĩ đến thị trường chính tại Việt Nam, đừng mơ xa nước ngoài khi mình thiếu công nghệ. Tôi có 30 năm gắn bó, tôi hiểu rằng, chúng ta không có lợi thế khoa học công nghệ hiện đại thì đừng chạy theo phong trào cái gì cũng xuất khẩu. DN nhỏ thì đầu tư vừa phải, đáp ứng tốt chất lượng hàng hóa và nhu cầu của thị trường trong nước. Tôi kêu gọi các DN hãy quan tâm khai thác thị trường nội địa. Chúng ta có 90 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng lớn. Tại sao lâu nay mình bỏ cho FDI nắm hết rồi mải mê đi khai thác các thị trường mới với nhiều rủi ro”, ông Minh nói.

Ngành nông nghiệp Việt lâu nay có nghịch lý là hàng tốt đem xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước có tiền cũng không thể ăn đồ ngon. Ảnh: T. Trang.

Cũng theo vị này, thực tế giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp rất thấp. Đơn cử như thuốc thú y, thủy sản, giống, thức ăn chăn nuôi… song lâu nay ngành này bị các DN nước ngoài chi phối, khống chế, đẩy giá lên cao và buộc thị trường trong nước phải chấp nhận. Nếu các DN cùng liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau về công nghệ thì sẽ hạ được giá thành, giúp cạnh tranh với nông sản của các nước phát triển.

Ông Phan Minh Thông, Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cũng cho rằng, một nghịch lý lâu nay với ngành nông nghiệp Việt Nam là “đồ ngon, đồ tốt nhất đem ra nước ngoài bán hết. Người Việt có tiền cũng không có hàng ngon để ăn, phải tìm tới hàng nhập khẩu đông lạnh”.  

“Cần thiết phải giữ lấy thị trường trong nước. Với TPP, đã tôi tìm cách đối mặt cách đây 7 năm rồi. Điều dễ nhận thấy là thị trường Việt đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong khi DN Việt lại mải mê đi xuất khẩu. Tiêu dùng nội địa là mảnh đất màu mỡ, nếu làm tốt, cung ứng tốt trong nước với giá tốt thì nông sản Việt không lo thất thế trên sân nhà. Thanh long, hành tím, dưa hấu ế vừa qua là bài học xương máu để chúng ta thấy thị trường nội địa quan trọng như thế nào”, ông Thông nói.

Cũng bày tỏ quan điểm ngược với nhiều ý kiến cho rằng, nông nghiệp Việt Nam sẽ gặp thách thức khi gia nhập TPP, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định, ông không thích nghe cụm từ tiêu cực một cách phiến diện. Trong hội nhập, song song với thách thức luôn có cơ hội. Cơ hội với nông nghiệp khi gia nhập TPP rất lớn, nhất là với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cà phê, chế biến thủy sản… vốn đã có chỗ đứng vững lâu nay tại các thị trường trong khối. Ông Tuyển cũng cho rằng, qua tiếp xúc với các DN, ông thấy hầu hết họ đều  tự tin, sẵn sàng tâm thế cho FTA này.

“Thực tế đây là đầu tư nông nghiệp hậu WTO. Chúng ta đã có nền tảng, có thời gian làm quen và bây giờ chuyên sâu. Tôi không thích nghe các ngành kêu gọi phát triển nông nghiệp một cách toàn diện,  mà phải là phát triển nông nghiệp đa chức năng. Theo đó, chúng ta phát triển ngành này một cách chuyên sâu, bài bản, dựa trên thế mạnh của từng vùng và cải thiện đời sống nông dân, tạo ra môi trường sinh thái tốt. Gắn nông nghiệp với  phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới".

Ông Tuyển cho rằng, DN không bi quan, chỉ cần nhà nước hỗ trợ tốt thể chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng, giảm chi phí vận tải, chi phí sản xuất, đưa công nghệ mới vào sản xuất.

Ông lưu ý nhà nước cần bảo hộ những ngành có tiềm năng phát triển, tạo cơ hội và thời gian để chuyển dịch. "Bảo hộ phải hợp lý, vừa đủ, không cần thiết phải dài quá. Nhưng bảo hộ phải chuyển dịch chứ đứng yên thì không ý nghĩa gì cả”, ông  lưu ý.

 Làn sóng đại gia đầu tư vào nông nghiệp

Các chuyên gia cho rằng, trong sân chơi TPP, các ngành xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như thủy sản, gạo sẽ được khẳng định vị thế. Ảnh: Ngọc Trinh.

Nhiều DN lớn cũng đã nhanh chóng nhận thấy cơ hội và đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp thời gian qua. Bà Trần Hải Yến, chuyên gia kinh tế từ Công ty chứng khoán Bảo Việt nhìn nhận, nếu như giai đoạn 2008-2010 có làn sóng đại gia đổ vốn vào ngân hàng thì thời điểm này, làn sóng ấy là đại gia đầu tư vào nông nghiệp. Điển hình trong số đó là Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn TH, thủy sản Hùng Vương hay Vingroup.

Với vị thế của và quy mô hàng đầu, các DN này đang đầu tư vào nông nghiệp theo cách rất khác so với thời kỳ trước. Nền nông nghiệp mới này được hỗ trợ bởi nguồn lực mạnh mẽ, bài bản, tiếp thu công nghệ tiên tiến, chuyên nghiệp từ giống cho tới lúc ra sản phẩm. Vì vậy, những sản phẩm này hoàn toàn đủ chất lượng để cạnh tranh với những đối thủ quốc tế.

“Sự thay đổi trong phương thức đầu tư của các DN lớn đang mang đến luồng sinh khí mới cho lĩnh vực nông nghiệp. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến sự đầu tư dựa trên quy mô đất lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật triệt để. Hai nhân tố này không những giúp nâng cao hiệu quả nhờ hiệu suất theo quy mô tăng dần mà còn giúp loại trừ các rủi ro liên quan đến thiên tai, dịch bệnh”, bà Trần Hải Yến nhận định.

Đại diện TH thì cho rằng, ngay từ đầu, DN đã xây dựng thương hiệu đạt chuẩn quốc tế. Và hsẵn sàng tham gia sân chơi lớn khi TPP có hiệu lực. Ông Dương Ngọc Minh thì tin rằng, việc hiệp định TPP kết thúc sẽ tạo sức cạnh tranh đáng kể cho thủy sản Việt Nam tại các thị trường Nhật và Mỹ.

Điều các DN và chuyên gia kiến nghị là để tăng lợi thế cho nông nghiệp, nhà nước cần triển khai quyết liệt chương trình tái cơ cấu, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ. Trong tái cơ cấu cần đề cao vai trò làm chủ của của nông dân. DN phải tham gia vào tất cả các khâu trong sản xuất chứ không chỉ có tiêu thụ như từ trước đến nay.

Ngoài ra, việc điều tiết cung cầu rất cần vai trò của Nhà nước. "Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là cầu tương đối ổn định, cung lại phụ thuộc thời tiết. Chúng ta đừng nói mãi câu được mùa rớt giá, vì đây là điều bình thường. Mà chúng ta phải biết điều đó để hạn chế thiệt hại, điều tiết thị trường, giúp sản xuất bền vững", ông Trương Đình Tuyển nói.

"TPP không có Việt Nam thì chẳng có ý nghĩa gì" là quan điểm được ông Trương Đình Tuyển đưa ra. Ông cho rằng, câu chuyện TPP được ký kết đang tạo cảm xúc lan tỏa cho xã hội. Ông nói TPP mà không có Việt Nam thì không có ý nghĩa gì. Song TPP cũng tạo thách thức lớn với Việt Nam, đó là cạnh tranh diễn ra quyết liệt ở ba cấp độ: giữa sản phẩm, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, do sức cạnh tranh của doanh nghiệp là sức cạnh tranh của sản phẩm và xây dựng thị trường.

 

 

Hà Linh

Bạn có thể quan tâm