Chỉ tính riêng tại Việt Nam, năm 2013, Samsung đã xuất khẩu điện thoại di động với tổng giá trị đạt 23,9 tỷ đôla, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và Việt Nam đã lần đầu tiên trở thanh một cứ điểm sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới, khi cứ 400 triệu điện thoại di động của Samsung được bán ra trên toàn cầu thì có tới 120 triệu điện thoại được sản xuất tại Bắc Ninh.
Thế nhưng trong số 120 triệu chiếc điện thoại đó thì “doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung ứng được sản phẩm in ấn, bao bì cho Samsung”, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung tiết lộ mới đây ở một hội thảo tại Hà Nội.
Nhiều DN Việt Nam cũng đã “nóng mặt” khi đề cập đến câu chuyện "cái sạc, con ốc vít" của Samsung gần đây. |
Câu chuyện công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang được hâm nóng hơn bao giờ hết khi một thực tế quá đau lòng “DN Việt Nam không thể cung cấp được cái sạc pin, ốc vít cho các doanh nghiệp FDI”, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết.
Nhiều DN Việt Nam cũng đã “nóng mặt” khi đề cập đến vấn đề này. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc CTCP Nam Thái Sơn, cho rằng thông tin DN Việt Nam không thể sản xuất được chiếc ốc vít cho Samsung "cần phải được kiểm tra lại". Vì rất nhiều DN cơ khí của Việt Nam đang xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài. Ngay như bản thân CTCP Công nghiệp và Thương mại (Lidovit) có lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài rất lớn. Cái chính là các DN có được cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung hay không?
Trong giai đoạn hiện nay thì năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế của các DN Việt Nam có thể chưa đạt. Nhưng nếu họ có được một thị trường ổn định và sự tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài thì việc xây dựng chiến lược để phát triển sản phẩm đó là việc trong tầm tay có thể làm được. Vì DN Việt Nam tiếp thu công nghệ rất nhanh và các trang thiết bị máy móc hiện nay đều mang tính toàn cầu và không có gì là bí quyết nữa nên tất cả những điều đó đều có thể làm được.
Theo ông Trần Việt Anh, dù mặt bằng công nghệ và máy móc thiết bị của DN Việt Nam được coi là chưa hiện đại và tiên tiến so với công nghệ của thế giới, nhưng phải thấy rằng khi chúng ta có thị trường ở mức cao với giá trị cao và thị trường lớn thì lúc đó công nghệ cao và giá đắt tiền thì đều có thể nhập được.
Vấn đề ở đây là chúng ta xác định thị trường cấp cao, trung hay thấp để đầu tư máy móc và trang thiết bị phù hợp. Vì khi xác định được thị trường rồi thì chúng ta có thể vay vốn ngân hàng để đầu tư cũng không khó.
Còn việc sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh là một câu chuyện khác hẳn khi chúng ta đã tham gia một chuỗi cung ứng thật tốt thì đó là điều rất tốt rồi. Chúng ta không nên làm ra một cái điện thoại mà giá trị của nó rất thấp chỉ có 50 đôla, chúng ta hãy làm những phụ tùng thật tốt để có giá trị tương ứng như vậy. Giống như Tập đoàn Intel của Mỹ họ không làm máy tính nhưng tất cả các máy tính trên thế giới đều phải xài của Intel.
Đồng quan điểm với ý kiến của ông Trần Việt Anh, một lãnh đạo của CTCP Điện tử và Dịch vụ công nghiệp Sài Gòn (Sagel), cho rằng yêu cầu của Samsung đối với các sản phẩm phụ thì DN Việt Nam có thể đáp ứng được, nhưng vấn đề là số lượng phải lớn mới có lãi, vì khi DN đầu tư công nghệ, máy móc để sản xuất phụ tùng chuyên biệt cho Samsung cũng phải tốn kém. Làm sao máy móc phải khấu hao nhanh vì sản phẩm công nghệ thì vòng đời của nó rất nhanh.
Chẳng hạn, trước đây Sagel cũng đầu tư để sản xuất một số sản phẩm xuất khẩu thì khi mình đầu tư xong thì thế giới đã thay công nghệ khác. Đó là chưa kể việc xin giấy phép phải mất 3 năm, đối với nhiều sản phẩm khi xin giấy phép xong thì công nghệ cũng đã thay đổi. Do vậy, để công nghệ hỗ trợ của Việt Nam phát triển thì phải có thị trường lớn và điều chính yếu nữa là Chính phủ phải có chính sách ưu đãi cho những DN này.
Còn theo ông Hồ Đức Lam, Tổng giám đốc CTCP Nhựa Rạng Đông, hiện nay chúng ta nói nhiều về câu chuyện công nghiệp phụ trợ để cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia. Việc DN Việt chưa sản xuất được chiếc ốc vít theo ông ở đây không phải là vấn đề khả năng, mà chúng ta đã thực sự tìm hiểu những yêu cầu của tập đoàn đa quốc gia chưa. Khi các DN trong nước muốn tham gia cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho họ thì DN phải hiểu và đáp ứng được yêu cầu của các công ty hay tập đoàn đa quốc gia đó. Vì đối với họ không có sản phẩm nào lớn hay nhỏ mà tất cả đều phải theo một tiêu chuẩn được đặt ra cho tất cả những nhà cung cấp.
Hiện các DN Việt Nam chưa tiếp cận được yêu cầu đó hay chưa hiểu những yêu cầu đó nên khi chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ bị vướng quy trình kiểm tra của họ vì không đủ thông tin. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam lại muốn phải có sự cam kết của khách hàng trước khi mình đầu tư thì ông Lam cho rằng việc này rất khó. Vì đây là sân chơi chung, chúng ta muốn tham gia vào thì chúng ta phải khẳng định với họ là chúng ta đủ khả năng. Nếu chúng ta không đáp ứng được thì chúng ta thua.
Chúng ta đang vướng câu chuyện “con gà quả trứng” khi làm việc với các đối tác, đó là “tôi đầu tư trước hay anh cam kết đảm bảo đầu ra trước?”. DN Việt Nam phải chứng minh cho họ tin, và muốn họ tin mình thì chúng ta phải đầu tư trước và xây dựng tính hệ thống của DN, chúng ta cung cấp những sản phẩm theo đúng quy trình và quy định của họ và giá cả cạnh tranh thì chắc chắn họ sẽ chấp nhận.
Về phía Samsung, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung khẳng định, Chính phủ hỗ trợ hay sự nỗ lực của Samsung hay các doanh nghiệp chỉ lòng yêu nước thì chưa đủ, bản thân doanh nghiệp phải tự chủ, nỗ lực để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Samsung luôn tìm kiếm và đón nhận những cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nội địa đáp ứng đủ các tiêu chí về chất lượng, tiến độ và giá cả, tăng số lượng nhà cung cấp Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Samsung, mang lại nhiều lợi ích cho cả Samsung và đất nước Việt Nam.