Ngày 11/9, tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp VN và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung, do Tập đoàn Samsung tổ chức ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp thừa nhận chưa thể đáp ứng điều kiện để cung cấp linh kiện cho Samsung, dù chỉ là ốc vít...
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng (cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - đầu tư), Samsung đã điều 30 chuyên gia từ các nước trên thế giới đến VN để tiếp xúc cũng như trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp VN tại cuộc gặp gỡ này.
Quy định khắt khe nhưng công bằng
Sau khi cho biết trong năm 2013 Samsung VN phải bỏ ra tới 19,8 tỷ USD để mua các thiết bị, linh kiện... ông Jang Hoyoung - giám đốc mua hàng Samsung VN - khuyến khích doanh nghiệp VN tham gia chuỗi cung ứng này, đồng thời khẳng định triết lý mua hàng của Samsung là: mở, tương sinh và công bằng.
Tiếp xúc với các chuyên gia Samsung, nhưng các doanh nghiệp VN đều thừa nhận chưa đủ điều kiện để cung cấp linh kiện cho Samsung. |
“Chính sách mở là không quan trọng quốc tịch, địa phương, ngôn ngữ nhà cung cấp. Bất cứ doanh nghiệp nào muốn cung cấp đều có thể truy cập qua cổng mua hàng điện tử của Samsung để liên lạc”, ông Jang nói.
Theo ông Jang, các linh kiện Samsung cần mua gồm đủ loại, từ khuôn màn hình tinh thể lỏng, sạc pin, bộ ống nghe, loa, đến ăngten, bàn phím... và cả các sản phẩm đơn giản như ốc vít, vỏ pin, tem nhãn...
Đại diện Samsung cũng giới thiệu có tám điều kiện cơ bản cho nhà cung cấp, nổi bật là công nghệ phải có đăng ký sáng chế, có hạ tầng cho nghiên cứu phát triển. Chất lượng phải có chứng nhận ISO. Giao hàng phải đáp ứng thời hạn, ngay cả khi có yêu cầu sản xuất nhanh hơn.
Về giá cả phải cạnh tranh, có thể điều chỉnh theo hướng tích cực. Tài chính phải đáp ứng về tỷ lệ nợ, tỷ lệ vốn lưu động. Phải đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, quyền con người... Ngoài ra, Samsung cũng đưa ra 13 mục tiêu phải tuân thủ như: bơm dập cháy tự động, vật liệu xây dựng chống cháy, phải có thiết bị chống ô nhiễm không khí, có công trình xử lý nước thải...
Trả lời câu hỏi của ông Đỗ Nhất Hoàng, rằng liệu Samsung có chính sách hỗ trợ nào về công nghệ nếu các doanh nghiệp VN muốn tham gia chuỗi cung ứng, ông Jang khẳng định phần lớn linh kiện chính đang được Samsung VN tự sản xuất, đây là bí quyết của Samsung. Hơn nữa, việc chuyển giao công nghệ là khó, vì để sản xuất được cần cả quá trình nghiên cứu và đầu tư.
Với câu hỏi Samsung có thể ký thỏa thuận khung để làm cơ sở thực hiện dự án nếu doanh nghiệp đầu tư nhà máy phục vụ Samsung, ông Jang cho rằng, bất cứ doanh nghiệp nào muốn Samsung ký hợp đồng đều phải đáp ứng tám yêu cầu bắt buộc.
“Nếu doanh nghiệp chỉ thiếu vốn, có thể đồng ý cho chậm lại yêu cầu này. Còn lại, không thể ký hợp đồng khung khi chưa biết công nghệ đáp ứng đến đâu”, ông Jang nói.
Khi được đề nghị giới thiệu các đối tác của Samsung để doanh nghiệp VN liên doanh, ông Jang khẳng định Samsung không có quyền can thiệp vào kinh doanh của các đối tác. Nếu đối tác nào có nhu cầu sẽ vui lòng giới thiệu.
Doanh nghiệp VN phải tự đứng trên chân mình
Hàng trăm doanh nghiệp đã tham gia phiên tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia Samsung, nhưng phần lớn đều chưa doanh nghiệp nào ký được hợp đồng hoặc được khẳng định có thể cung ứng ngay cho Samsung. Hầu hết doanh nghiệp thừa nhận chưa thể đáp ứng yêu cầu, dù chỉ là sản xuất ốc vít...
Theo ông Nguyễn Dương Hiệu - chủ tịch HĐQT công ty CP công nghiệp và thương mại Lidovit, làm ốc vít cho Samsung cũng không đơn giản, vì yêu cầu phải cạnh tranh được với doanh nghiệp đã cung cấp cho Samsung. “Chính sách giá khó cho người bắt đầu”, ông Hiệu nói.
Ông Võ Hồng Nam, chủ tịch HĐQT công ty CP đầu tư phát triển công nghệ Hồng Nam, cho biết công ty ông đã cung ứng được những thiết bị cho Thụy Sĩ, nhưng cũng chưa thể đáp ứng hết tám yêu cầu Samsung đưa ra.
Để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ VN phát triển, theo ông Nam, cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nỗ lực rất nhiều... Ngay cả doanh nghiệp liên doanh với Nhật cũng khẳng định không thể đáp ứng các yêu cầu của Samsung, nhất là giá...
Ông Trần Anh Vương, công ty công nghệ Bắc Việt, một trong bảy nhà cung cấp hiếm hoi của VN đã được Samsung chấp nhận, bày tỏ băn khoăn rằng chính sách mua hàng của Samsung chia ra nhiều cấp, đồng thời đặt câu hỏi muốn thành nhà cung ứng cấp 1 cần làm gì?
Ông Jang Hoyoung cho biết những doanh nghiệp được gọi là cấp 1 thực tế là những đối tác đang được Samsung ký trực tiếp. Các nhà cung ứng cấp 1 phải đáp ứng đủ tám tiêu chí. Nếu doanh nghiệp cấp 2, cấp 4 thấy đáp ứng cả tám yêu cầu, bất kể lúc nào cũng có thể thông qua hệ thống đăng ký điện tử, phù hợp sẽ được lựa chọn.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Trương Thanh Hoài - vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương - công nhận chỉ tính riêng chi phí về vốn, doanh nghiệp VN đã khó, vì các nước lãi suất cho vay chỉ khoảng 3%, trong khi lãi suất ở VN khoảng 10%. Tuy nhiên, theo ông Hoài, dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bộ Công thương sẽ có một số hỗ trợ cho doanh nghiệp VN, chẳng hạn như thành lập quỹ hỗ trợ với vốn ban đầu 2.000 tỷ đồng...
Bộ Công thương VN và Bộ Công thương - năng lượng Hàn Quốc cũng đã có chương trình hợp tác chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, theo ông Hoài, nỗ lực của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.