Trưa 8/9, ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT HTX rau quả sạch Chúc Sơn ở Chương Mỹ (Hà Nội), than thở với PV: “Chẳng còn gì cả, rau màu tan nát hết rồi”.
Ông cho biết HTX có 17 ha diện tích trồng các loại rau ăn lá, ăn quả và củ. Số lượng thu hoạch được cung cấp cho một hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội và vài chục bếp ăn tập thể của trường học. Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán 3-5 tấn rau củ quả các loại.
Đợt này, có 10 ha rau màu bắt đầu cho thu hoạch. Nhưng bão Yagi quét qua, rau của HTX mất sạch. Trong đó, rau ăn lá và ăn quả đổ gãy nát; rau muống chìm trong biển nước, sáng nay vớt cắt được một lượng nhỏ còn lại cũng hỏng.
Diện tích rau mới gieo trồng do mưa ngập cũng thối hỏng. 17 ha gieo đợt này coi như mất trắng, ông Thám buồn rầu nói.
Siêu bão quét qua Hà Nội, nhiều khu nhà màng, nhà lưới của nông dân bị sập, rau màu bên trong hư hỏng hết. Ảnh: TQ. |
Không có rau xanh cung cấp cho các bếp ăn trường học, sáng nay ông Thám đã phải điện thoại đến từng trường để đàm phán đổi tạm sang các loại khoai tây, bí xanh, bắp cải, quả su su... là những mặt hàng HTX đã tích trữ từ trước đó. Còn với siêu thị, xe ôtô chở rau xanh đã ngừng từ hôm nay vì không có hàng giao.
“Trồng lứa rau tiếp theo phải mất ít nhất 25 ngày nữa mới được thu hoạch”, ông cho hay.
Nói về thiệt hại, ông Thám cho biết sẽ sớm thống kê cụ thể, song con số nhẩm tính cũng lên tới tiền tỷ. Không chỉ lượng rau màu gãy nát mà hệ thống nhà màng, nhà kính cũng bị sập, hỏng nặng do bão.
Anh Nguyễn Mạnh Hồng ở Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) cũng thất thần nhìn khu nhà lưới, nhà màng rộng hơn 1 ha của gia đình mình bị đổ sập sau siêu bão Yagi.
“Diện tích rau xanh gần như đã thu hoạch xong, thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, toàn bộ hơn 1 ha dưa lưới Nhật quả đã to, chỉ còn 10-15 ngày nữa được thu hoạch mà bão quét qua nay cũng không còn gì”, anh Hồng chia sẻ.
Hơn 6 tấn quả dưa lưới của gia đình anh phải đổ bỏ hết, nếu thu hoạch thì trái non cũng không ăn được.
Với giá dưa lưới anh ký hợp đồng bán sỉ cho các cửa hàng là 50.000 đồng/kg, ước tính thiệt hại 300 triệu đồng. Ngoài ra, hệ thống nhà lưới, nhà màng... bị sập hỏng, thiệt hại thêm 600-700 triệu đồng.
“Chỉ chớp mắt một cái, tiền tỷ trôi theo gió bão”, anh nói. Ở khu vực nhà anh Hồng, nông dân trồng rau màu rất nhiều. Dịp này, diện tích rau màu hư hỏng lên tới 90%, thiệt hại khá nặng.
Giá rau xanh sắp tới được dự báo tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung. Ảnh: Tâm An. |
Tại Thường Tín (Hà Nội), anh Đào Trường đau xót nhìn cơ nghiệp của mình bị thiệt hại nặng nề vì bão số 3.
Anh tâm sự, sau nhiều năm làm ăn, vợ chồng anh mới tích góp được một khoản tiền và vay thêm để xây dựng nhà kính trồng rau và hoa. Nhà kính đưa vào sử dụng được 2 năm nay, mọi việc đang thuận lợi với những lứa rau và hoa vào kỳ thu hoạch thì siêu bão Yagi càn quét làm hư hỏng hết.
Gia đình anh Trường mới bị thiệt hại sau trận ngập úng vừa qua ở Cao Bằng. Nay trang trại rau hoa ở Hà Nội tiếp tục bị bão số 3 phá tan hoang, không thể khôi phục lại được. Anh nhẩm tính, con số thiệt hại của gia đình lên đến hàng tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, bão Yagi đã làm 97.735 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Quảng Ninh 336 ha; Hải Phòng 7.005 ha; Nam Định: 300 ha; Thái Bình 29.000 ha; Hà Nội 6.218 ha; Hưng Yên 12.119 ha; Hải Dương 10.000 ha; Hà Nam 10.869 ha; Bắc Giang 4.822 ha; Yên Bái 533 ha; Nghệ An 106 ha; Vĩnh Phúc 6.000 ha; Thái Nguyên 478 ha; Tuyên Quang 156 ha...).
Có 11.746 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tập trung tại Hải Phòng 1.600 ha; Nam Định 2.500 ha; Thái Bình 3.345 ha; Hưng Yên 493 ha; Hải Dương 1.600 ha; Hà Nam 432 ha; Bắc Giang 259 ha; Bắc Ninh 555 ha; Thanh Hoá 173 ha; Nghệ An 122 ha; Vĩnh Phúc 456 ha...).
Có 6.902 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng 2.200 ha; Thái Bình 1.385 ha, Hưng Yên 1.841 ha, Hải Dương 600 ha; Nghệ An 798 ha...).
Ngoài ra, trên 1.100 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).