Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nông dân vùng lũ thức đêm săn bông điên điển

Về vùng lũ xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang trong vùng tứ giác Long Xuyên để tận mắt chứng kiến người dân nơi này trồng điên điển và cùng sống chung với lũ.

Trắng đêm...

Mười giờ khuya, ấp Bình Châu (xã Bình Long, huyện Châu Phú) đã bắt đầu thức giấc. Đồng lũ phía sau nhà hầu như nơi nào cũng thấp thoáng ánh đèn của những người hái bông điên điển.

Đứng trước mũi xuồng nhấp nhô những con sóng, Sáu Tiếu, nông dân trồng điên điển lâu năm giải thích, trước đây, điên điển được hái bông vào ban ngày, nhưng thu hoạch bông vào thời điểm này không kịp bán cho thương lái. Hơn nữa, khi gặp ánh mặt trời bông điên điển sẽ nở nên khó vận chuyển xa và bảo quản được lâu, do vậy đa số người trồng điên điển ở đây chuyển sang thu hái vào ban đêm. Với một chóa đèn đeo trước trán, dây dẫn được đấu nối với bình ăc-quy, Sáu Tiếu bơi xuồng lần theo những gốc điên điển, trong ánh sáng chập chờn, Sáu Tiếu cho biết: “Bông búp hái vào ban đêm còn giữ được hương thơm và vị ngọt nên thương lái rất mê, giá bán cũng cao hơn bông nở 2.000-4.000 đồng/kg”.

Bơi xuồng sang ruộng điên điển cạnh bên, anh Võ Văn Công và vợ cũng đang thoăn thoắt níu những nhánh điên điển cao khỏi đầu, nhìn xuống rổ bông điên điển vàng rực ở mũi xuồng, Công khoe: “Đầu hôm đến giờ tụi em hái gần 20 kg để 4 giờ sáng kịp bán cho thương lái. Nghề này thức đêm cực lắm! Mắt ai nấy cũng trõm lơ vì thức suốt đêm, nhưng được cái là bông hái ban đêm bán được giá cao, ai cũng mừng”.

Sáu Tiếu mang theo một bình cà phê pha sẵn, thỉnh thoảng anh hớp một ngụm để lấy lại sự tỉnh táo, trong ánh sáng nhập nhòe nhìn kỹ đôi mắt quầng thâm của Sáu Tiếu vẫn ánh lên niềm vui với giọng chắc nịch: “Ba tháng mùa nước mà có công ăn việc làm và thu nhập ổn định thì nông dân tụi tui đâu sá gì đêm hôm”.

Bông điên điển được nông dân Châu Phú hái vào ban đêm để kịp đưa ra chợ và bán được giá.

Bông điên điển được nông dân Châu Phú hái vào ban đêm để kịp đưa ra chợ và bán được giá.

Bốn giờ sáng, con đường đất ngoằn ngoèo từ đầu kinh dẫn vào ấp Bình Châu đã có tiếng xe gắn máy của thương lái ngược xuôi từ đầu đến cuối ấp, xuồng hái bông điên điển của Sáu Tiếu vừa cặp bến cũng là lúc chị Nhanh, thương lái dừng xe trước cổng nhà. Chị cho biết, phải mua thật sớm để hừng sáng điên điển có mặt ở khắp các chợ lân cận. Không chỉ bán tại chỗ, thương lái các nơi cũng đến mua và đưa bông điên điển đến tận Cần Thơ, Vĩnh Long, TP.HCM...

Chợ sỉ cá, cua đồng ở vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười

Nằm giữa Đồng Tháp Mười, nổi tiếng với đặc sản mùa nước nổi, chợ cá đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) mỗi ngày thu gom hàng tấn cá tôm phân phối đi khắp các chợ lẻ.

Sống khỏe

Từ ngôi nhà sàn nhìn ra đồng lũ sau nhà, anh Út Két ở ấp Bình Châu, xã Bình Long cho biết, trước đây điên điển mọc tự nhiên rất nhiều, nay do trồng lúa thâm canh, đất đai được tận dụng nên không còn chỗ cho điên điển tự nhiên. Vì vậy vào năm 2006, nông dân ở ấp Bình Châu nảy ra sáng kiến trồng điên điển, bằng cách chọn hạt giống phơi khô, bảo quản kỹ trong lọ thủy tinh để tránh ẩm mốc và mối mọt. Khi lúa hè thu vừa xuống giống chừng 10 ngày, nông dân bắt đầu tỉa hạt ven các bờ mương, kênh dẫn nước nội đồng. Khi lúa hè thu vừa thu hoạch, nước lũ tràn đồng cũng là lúc điên điển bắt đầu ra bông. Với chiều dài đất 270 m tiếp giáp với con mương dẫn nước, anh Út Két tận dụng trồng một hàng điên điển, mỗi ngày anh thu hoạch 10-12 kg bông, bán giá từ 12.000-30.000 đồng/kg. Út Két tâm đắc: “Giá bán cao, thấp tùy vào lúc thu hoạch ít hay nhiều nhưng bao nhiêu bán cũng hết”.

Còn gia đình anh Võ Văn Công, với hàng điên điển chiều dài 400 m, mỗi ngày thu hoạch 18-25 kg bông. Công nói: “So với câu lưới thì trồng điên điển sống khỏe trong ba tháng mùa nước”. Anh Công tiết lộ, mỗi gốc điên điển đẻ 5-7 nhánh, hái càng sạch, bông ra càng nhiều, thời gian thu hoạch tùy thuộc vào nước lũ dài hay ngắn, nhưng dao động từ 2,5-3 tháng.

Anh Nguyễn Văn Hòa ở ấp Bình Châu, trước sống bằng nghề câu lưới đã chuyển qua trồng điên điển được hai năm nay, cho biết chỉ với luống điên điển dọc 150 m cặp bờ kênh, năm ngoái anh thu lợi hơn 10 triệu đồng. “Năm nay chắc sẽ khá hơn, vì thu hoạch hơn hai tháng mà điên điển còn ra bông nhiều. Làm nghề câu lưới không thể sánh bằng”, anh Hòa phấn khởi.

Dọc theo các con mương dẫn nước nội đồng, các kênh trục thuộc ấp Bình Châu nơi nào cũng được tận dụng để trồng điên điển, mỗi gia đình trồng 3.000-4.000 gốc. Nghề trồng điên điển còn lan ra các xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Phú, Mỹ Phú...

Dọc theo các xóm ấp mùa này, những hàng điên điển thẳng tắp, những thửa ruộng điên điển nối tiếp nhau trải dài, bông vàng rực khoe mình trong nắng ấm, tạo nên sinh cảnh rực rỡ, sống động. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định trong mùa nước lũ, điều mà anh Út Két tâm đắc hơn là cuối vụ thu hoạch anh còn thu về hơn 15 m3 gỗ từ thân cây điên điển, đủ cho gia đình anh làm chất đốt quanh năm, chưa kể, điên điển giúp chắn sóng rất tốt.

Anh Nguyễn Phước Xiêm, ở xã Bình Phú, giọng phấn chấn, khoe: “Bảy mùa nước nay gia đình tôi luôn nhờ vào điên điển. Ruộng vừa xả lũ đón phù sa, vừa trồng được điên điển, lợi cả đôi đường”.

Sau một ngày đêm cùng nhóm người hái bông điên điển trên đồng lũ, chiều về, Sáu Tiếu đã dọn sẵn một nồi canh chua ra giữa nhà, gồm điên điển, cá linh tươi rói và mấy thứ rau đồng nội. Trong bữa tiệc chiều hôm đó, Sáu Tiếu cũng không quên mời chúng tôi mấy ly rượu đế. Ngó qua bên kia bờ kênh là đê bao sản xuất lúa ba vụ xanh um, Sáu Tiếu so sánh: “Xả nước lấy phù sa, tận dụng đất trồng điên điển coi vậy mà cuộc sống nhàn hạ, bền vững hơn”.

Mùa thu hoạch bông điên điển ở Châu Phú kéo dài từ đầu tháng 7 đến cuối mùa nước lũ. Khi đó, cây điên điển cũng bắt đầu thưa bông và cho trái, chuẩn bị cho mùa lũ năm sau.

Kiếm sống bằng nghề hái rau choại ở ngoại thành Sài Gòn

Mỗi ngày, bà Thuê có thể kiếm được gần 100.000 đồng bằng cách vào rừng hái rau choại, hay còn có tên rau chạy- loại mọc tự nhiên được nhiều người tìm mua ở ngoại thành Sài Gòn.

http://www.thesaigontimes.vn/121654/Thuc-cung-dien-dien.html

Theo Hiếu Thảo/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm