Biến đất ruộng thành “ giảng đường”, nghề nông thành môn học
Nhiều năm nay, kinh tế gia đình ông Phạm Nhì, trú tại thôn Thanh Nhất, xã Cẩm Thanh, TP Hội An bỗng "phất" lên khi ông mở dịch vụ du lịch làng quê, mở các khoá học, tiếp nhận nhiều tour du khách ghé đến tham quan, thực hành, trải nghiệm với công việc của người nông dân Việt Nam bao đời nay.
Ông Nhì hớn hở, cho biết: "Vui lắm chú à, nhờ vào công việc này, mà tôi đỡ phải vất vả với mấy sào ruộng. Khi trước, mấy sào ruộng này đến vụ mùa thì phải xuống vụ làm, để kiếm cơm. Những năm gần đây, nó biến thành chỗ để tôi dạy du khách làm nông, kiếm chác, mỗi tháng từ 5 đến 7 triệu đồng, gia đình tôi ổn định hơn và tôi đỡ phải vất vả với việc cày cấy….”.
Gia đình ông Nhì liên hệ với công ty lữ hành để đưa khách đến. Bên cạnh đó, khi có khách vãng lai qua lại, ông còn “lợi dụng” thêm vốn kiến thức tiếng bồi về ngôn ngữ Anh văn học lõm được, để mời gọi du khách tham gia khoá học.
Đến với khoá học làm nông, du khách được trải nghiệm với những công việc thuần tuý của người nông dân Việt Nam. Cụ thể là được cưỡi trâu, đi cày, đi bừa, tát nước, gieo mạ, cấy lúa, tuốt lúa... |
Du khách được thưởng thức cơm nữa buổi, đúng với văn hoá thường nhật của người nông dân Việt Nam với món cơm nắm, gói lá chuối... |
Bên cạnh đó, du khách sẽ được tham gia khoá học sản xuất các món ăn dân gian, như là việc giã gạo, xay bột rồi sẽ được hướng dẫn để làm bánh xèo... |
Dắt trâu ra đồng, cày bừa như một nông dân thực thụ. |
Khách Tây lội ruộng làm đồng. |
Ngoài ra, du khách sẽ còn được thực hành các món ăn và thưởng thức những món ăn xưa kia gắn liền với bữa cơm thường nhật của người nông dân, như là món mỳ xào, cá sốt cà, cà tím chiên, rau muống xào…
Bà Hà Thị Xuân, vợ ông Nhì cho biết:” Tiếp xúc với khách du lịch, chúng tôi cười cả ngày. Nhìn họ có cảm giác lạ lẫm với công việc làm nông, chúng tôi chỉ dạy họ tận tình để hy vọng họ hiểu được văn hoá nghề nông của người Việt mình xưa nay. Bên cạnh đó, chúng tôi rất hy vọng họ yêu thích với khoá học làm nông để về nước còn giới thiệu bạn bè đến Việt Nam, để ghé đây tập làm nông nữa chứ!”.
Cạnh nhà ông Nhì, là hàng chục gia đình khác cũng đang tất bật với công việc chuẩn bị “giảng dạy” khoá học. Họ chuẩn bị rất chu đáo, như những người “thầy” đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề giáo. Ai cũng khẩn trương cho công việc của mình để liên tục chào đón từng lớp "học trò du khách” ghé đến học làm nông.
Tín hiệu tích cực cho ngành du lịch tại Hội An
Với việc dạy học làm nông, chỉ cần một mẫu đất ruộng khoảng chừng vài trăm mét vuông, cùng con trâu, cái cày…những vật dụng đơn giản của nghề nông, người nông dân nơi đây đã kiếm được khoảng gần 150 triệu đồng mỗi năm. Trong đó, chưa kể đến những khoảng tiền mà du khách hào phóng "bo" cho thầy mình.
Công ty lữ hành có thu nhập, người nông dân cũng có thu nhập từ tour du lịch học làm nông đã đưa đẩy, góp phần phát triển hơn cho du lịch Hội An.
Chị Danielle, du khách đến từ Mỹ, cho biết: "Tôi rất vui, rất thích khoá học làm nông này. Bên nước tôi cũng có nghề nông, nhưng công việc bên đó chỉ dựa vào chủ yếu là cơ khí, công cụ. Tại đây, chúng tôi được trải nghiệm thực thụ với đôi tay, đôi chân. Được bước chân xuống ruộng, tự tay mình cày, cấy, gieo mạ… Tôi rất vui. Cũng qua đây, tôi đã hiểu được quá trình cực khổ, vất vả của người nông dân Việt Nam để làm ra được hạt lúa, hạt gạo”.
Hiện đang là thời điểm vào mùa du lịch tại phố cổ Hội An. Nhiều du khách, tranh thủ dịp giáng sinh và nghỉ Tết để ồ ạt tìm đến tham quan, du lịch tại đây, và quan trọng nhất là được trải nghiệm làm nông dân đúng nghĩa. |
Du khách nữ cũng không ngại học cưỡi trâu. |
Nông dân nam kéo cày. |
Du lịch làng quê ở Hội An đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành “món ăn” tinh thần, vật chất quan trọng, cần thiết để góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh và là nơi giao lưu văn hoá, đưa hình ảnh phố cổ vươn tầm ra xa, và giữ vững vị thế trên trường thế giới. |
Hay anh David, du khách đến từ Anh thì cho biết: "Tuyệt vời, khi ở quê nhà, tôi đã nhìn thấy những tấm ảnh về con trâu. Tôi từng ao ước sẽ một lần, được tận mắt nhìn thấy nó, sờ nó, và cưỡi lên nó. Và điều ước ấy đã thành sự thật trong hôm nay”.
Nhiều du khách cho biết, họ đi du lịch đến Việt Nam, qua lại nhiều tỉnh thành, nhưng tại Hội An là họ lưu trú lại lâu nhất. Đó là vì, Hội An có không gian yên tĩnh, nhiều giá trị văn hoá, người dân thân thiện, họ thích được trải nghiệm với công việc thường nhật của người Việt Nam xưa kia.
Anh Mike, du khách đến từ Mỹ, cho biết:” Tôi đi du lịch ở Việt Nam 2 tuần, qua nhiều tỉnh thành, nhưng tôi ở lại Hội An 6 ngày mà vẫn háo hức muốn ở lại lâu hơn nữa. Chỉ buồn là thời tiết xấu, chúng tôi không được tham quan, khám phá các bãi biển của các bạn. Nhưng không sao, tôi sẽ còn ghé lại thăm quan Hội An trong tương lai gần”.