Sau Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, người dân nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã mất ăn, mất ngủ vì ruộng lúa cạn nước từng ngày.
Dưới kênh nội đồng nước cũng cạn dần và nhà nông sợ nhất là tình trạng xâm nhập mặn, nếu bơm lên ruộng thì lúa càng chết nhanh.
Thẫn thờ bên đồng ruộng
Trưa 22/2, ông Ba Tới ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) thẫn thờ trên đồng ruộng khô nứt nẻ ở ấp Tân Quy A. Nông dân ngoài 60 tuổi này cho biết, ông từng thức trắng đêm để nghĩ đến cách cứu lúa nhưng không thể nào chống lại được thiên tai vì đồng khô, kênh cạn, nước sông mặn 4‰.
Ông Ba Tới thẫn thờ trên cánh đồng nắng cháy, đất mặt ruộng nứt toác khiến lúa chết hết. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Tới, những năm trước, vụ đông xuân này, 6 ha (60 công) ruộng của ông cho năng suất khoảng 7 tấn lúa/ha. Nghĩ rằng nắng hạn không kinh khủng như hiện nay, ông xuống giống trước Tết Nguyên đán khoảng 30 ngày và hiện nay mất trắng.
"Kênh nội đồng xung quanh cạn hết nước, mặt ruộng thì nứt toác ra thì lúa nào sống nổi. Con tôi muốn kéo đường ống từ sông để bơm nước vào cứu lúa nhưng nước ngoài đó mặn chát, bơm vô làm lúa chết nhanh hơn nên bỏ luôn. Bình quân mỗi ha con tôi lỗ trên 3 triệu đồng", ông Tới chia sẻ.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: “Hạn hán không thì còn dễ, còn mặn xâm nhập thì 10 năm sau kinh tế không phát triển được bởi những tác động tai hại của nó”.
Đi dọc theo đường từ thị trấn Long Phú về xã Long Phú cho đến xã Đại Ân 2 và thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề, Sóc Trăng), phóng viên Zing.vn ghi nhận được nhiều ruộng lúa chết khô vì thiếu nước. Những cánh đồng sắp thu hoạch thì lúa bị giảm năng suất 20-30%. Vài nơi, nông dân nóng vội bơm nước mặn vào cứu lúa nên bị mất trắng.
Tại thị trấn Long Phú, hệ thống bơm nước công suất lớn của ông Ba Chiến đang "trùm mền" vì kênh nội đồng không còn nước. Cách đó 500 m, ruộng lúa của nông dân này với các hộ lân cận bị mất trắng sau hơn 30 ngày gieo sạ vì thiếu nước.
Kênh nội đồng dẫn nước vào những cánh đồng ở Sóc Trăng bị khô cạn. Ảnh: Việt Tường. |
"Nắng hạn khủng khiếp. Ông Chiến bơm nước vào cứu lúa nhưng gặp phải mặn nên bao công sức mất theo thiên tai", một láng giềng của nông dân này nói.
Là những người xuống giống sớm, ông Ba Lự với hàng trăm hộ lân cận ở cánh đồng thị trấn Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) chuẩn bị đưa máy gặt đập xuống ruộng. Tuy nhiên, ông Lự nói rằng, vụ lúa này không có lãi vì nước mặn xâm nhập khiến cả cánh đồng rộng hàng trăm hecta bị thiệt hại khoảng 30%.
"Trước Tết Nguyên đán vài ngày, thấy hạn kéo dài làm ruộng khô nứt nẻ, tôi bơm thử nước mặn vào một thửa ven lộ khiến lúa chết 100%. Sợ mất trắng, tôi ngưng bơm nước để lúa tự hứng sương, chờ ngày thu hoạch phần còn lại", ông Lự nói.
Hàng chục nghìn ha lúa bị chết
Qua đo đạc của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn tăng 7,5 g/l và trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn tăng 7,7 g/l (so với cùng kỳ 2015). Trên các cửa sông thuộc hệ thống sông Tiền, sông Hậu, nồng độ mặn tại các trạm cao hơn từ 2,6g/l đến 12,3g/l.
Tại huyện Bình Đại (Bến Tre), trên sông Cửa Đại: độ mặn lớn nhất trong tuần đạt 27,0 g/l; tại An Thuận, trên sông Hàm Luông 31,2 g/l; tại Hưng Mỹ, trên sông Cổ Chiên là 19 g/l...
GS. TS Tăng Đức Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết: “Trong dịp Tết vừa qua, các hồ chứa ở Trung Quốc có xả nước, nên từ ngày 14/2 nước ngọt đã về ĐBSCL đã đẩy nước mặn ra. Tuy nhiên, sau thời điểm nêu trên, mặn trở lại rất nhanh".
Theo ông Thắng, dự kiến đến tháng 5, tình hình hạn, mặn mới lắng xuống khi El Nino giảm dần. Nếu không có mưa thì hạn và mặn sẽ kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 7.
Báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng ghi nhận, năm 2015, mùa mưa đến muộn, kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm. Còn theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, độ mặn trên các sông rạch trong tỉnh xâm nhập sâu vào nội đồng và ở mức cao hơn cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo này, nước mặn ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 và xuống giống đầu vụ hè thu 2016. Độ mặn cao nhất tại các trạm đo từ ngày 1/12/2015 đến 13/2/2016 cho thấy, nơi cao nhất tại Trần Đề (trên sông Hậu) là 27,3‰, An Lạc Tây (huyện Kế Sách) 7,9‰, Thạnh Phú (Nhu Gia, Mỹ Xuyên) 7‰, phường 4 (TP Sóc Trăng) 7,5‰, thị xã Ngã Năm (giáp Bạc Liêu) 8‰…
Lãnh đạo ngành nông nghiệp Sóc Trăng cho biết, đến trung tuần tháng 2 này, toàn tỉnh có 8.954 ha lúa bị ảnh hưởng hạn, mặn với tổng thiệt hại lên đến gần 39 tỷ đồng. Trong đó huyện Trần Đề có 2.106 ha lúa bị ảnh hưởng, mất trắng 390 ha. Huyện Mỹ Xuyên mất trắng 439 ha, TP Sóc Trăng 30 ha…
Trao đổi với phóng viên Zing.vn, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, hạn và nước mặn có nguy cơ đe dọa 8.500 ha lúa đông xuân của các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Giá Rai, Hồng Dân và Phước Long. "Nếu mặn xâm nhập sâu, Bạc Liêu sẽ mất trắng 2.500 ha lúa", ông Lân nói.
Lúa chết vì nước mặn ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Ảnh: Việt Tường. |
Còn toàn vùng ĐBSCL đã gieo cấy vụ Đông Xuân 2015-2016 đạt trên 1,5 triệu ha (99% kế hoạch). Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng thiệt hại là 61.741 ha (Kiên Giang 29.861 ha, Bạc Liêu 5.781 ha, Tiền Giang 987 ha, Bến Tre 6.878 ha). Thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn tiếp căng thẳng, diện tích ảnh hưởng có thể tăng thêm.
Trước tình hình hạn, mặn lịch sử tại miền Tây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ xem xét ưu tiên 2.300 tỷ đồng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cũng như vốn ODA. Trước mắt, Bộ tài chính và Bộ Nông nghiệp khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ kinh phí chống hạn của các địa phương.
Song song đó, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Bộ Khoa học công nghệ nghiên cứu, phát triển các giống cây trồng phù hợp thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn.
Kỹ sư Mai Xuân Trường (Sóc Trăng) cho biết, lúa chịu mặn là các giống thơm dài ngày. Lúa này có thể sống khoảng 3-4 ngày trong nước mặn từ 2-4‰, nếu lâu hơn thì chúng sẽ chết dần. Đối với lúa ngắn ngày chỉ chịu được nước mặn dưới 2‰. Trong trường hợp cấp thiết, nước mặn dưới 2‰ được nông dân bơm lên đồng để cứu lúa nhưng 3 ngày phải xả bỏ, nếu không thì chúng chết hoặc giảm năng suất rất lớn.
“Nước mặn dưới 2‰ bơm lên ruộng một lần thì lúa ‘cầm cự’ được 7 ngày. Những ruộng khô nứt nẻ, nếu bơm nước mặn lên sẽ xì phèn, làm lúa chết nhanh hơn”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, các loài cá nước ngọt sẽ chết nếu sống nhiều ngày trong vùng nước mặn từ 2-4‰, trừ cá tra và rô phi.