Ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, hiện chỉ còn vài xã ở phía bắc chưa ảnh hưởng, còn lại 155/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều bị nước mặn “bủa vây” với độ mặn 1g/lít.
Tại các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú…, nước ngọt đang cực kỳ khan hiếm. Với nước ít nhiễm mặn người dân phải mua có nơi đến 100.000 đồng/m3. Người dân ở xã An Định (huyện Mỏ Cày Nam) cho biết, từ trước Tết, nước dưới sông Hàm Luông đã bắt đầu mặn, gây ngập cục bộ. Một số loại cá nuôi dưới mương vườn đã chết.
"Người dân phải chuyển sang dùng nước mưa dự trữ. Nhiều hộ đã thuê thợ khoan giếng, nhưng cũng bị nhiễm phèn, phải qua nhiều khâu xử lý mới sử dụng được", anh Nguyễn Văn Hậu - người dân ở địa phương cho hay.
Nước ngọt đang khan hiếm, với nước ít nhiễm mặn người dân phải mua có nơi đến 100.000 đồng/m3 . Ảnh: Bình Đại |
Tình trạng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Bến Tre có 10.500/14.000 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Cây ăn trái và hoa kiểng thu hoạch hàng năm nên chưa thống kê được.
Huyện Ba Tri bị ảnh hưởng nặng nề, các cách đồng lúa trải dài bị khô hạn, đất nức nẻ, lá cháy vàng. Nông dân cắt lúa cho bò ăn.
Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tri thông tin: "Toàn huyện đã xuống giống 11.200 ha lúa Đông Xuân, nhưng đến thời điểm này thiệt hại rất nặng. Nếu tình hình hạn, mặn ngày càng gay gắt thì diện tích ảnh hưởng tiếp tục tăng”.
Hàng nghìn ha lúa bị khô héo. Ảnh: Minh Anh |
Hiện, độ mặn tại các cống lớn nội đồng đo được 2,5 - 5 g/lít; những điểm lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt cũng từ 1,1 - 6,6 g/lít. Tỉnh Bến Tre phải chở nước từ thượng nguồn sông Tiền về cung cấp hàng ngày cho các bệnh viện, khách sạn, doanh nghiệp và người dân và đang khẩn trương xây dựng trạm bơm nước ở huyện Châu Thành với công suất một ngày đêm 30.000 m3.
Dự kiến, tháng 3 có thể lấy nước thô hòa vào các nguồn nước khác để đảm bảo nước sinh hoạt cung cấp cho dân giữ độ mặn trên dưới 1g/lít. Theo giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm, dự kiến từ cuối tháng 2, xâm nhập mặn còn gay gắt hơn. Bến Tre đang đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 80 tỷ đồng để tiếp tục đắp hàng loạt đập tạm khác.
Cùng với Bến Tre, tỉnh Kiên Giang cũng công bố thiên tai hạn mặn. Đây là 2 địa phương đầu tiên ở miền Tây công bố thiên tai. Các huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất là An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, với tổng diện tích sản xuất bị thiệt hại trên 34.000 ha.Tổng kinh phí hỗ trợ cho dân trong vụ này gần 85 tỷ đồng.
Khô hạn, thiếu nước ngọt diễn ra trầm trọng ở các tỉnh miền Tây. Ảnh: Ngọc Trinh |
Hai tháng nay, TP Rạch Giá (Kiên Giang) lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt. Đợt Tết Nguyên đán vừa qua, tại các hồ chứa cũng không có nước ngọt gần cả tuần lễ. Vùng U Minh Thượng bị xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, lúa chết đầy đồng, nếu không có nước ngọt kịp thời sẽ còn thiệt hại nhiều hơn.
“Điều chưa xảy ra bao giờ. Từ khi tôi lớn lên đến nay chưa bao giờ thấy tình trạng xâm nhập mặn sâu và kéo dài như hiện nay”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn nói.