Nói đến thương hiệu đủ sức chạm đến cảm xúc người dùng, Nokia luôn là cái tên được nhắc đầu tiên. Dù trải qua nhiều thăng trầm, bộ phận di động của công ty Phần Lan vẫn được người dùng ủng hộ đến khi bị bán cho Microsoft vào năm 2013. Dù vậy, Microsoft chỉ mất 3 năm để đóng cửa hoàn toàn mảng kinh doanh di động.
HMD Global, công ty được thành lập bởi các cựu nhân viên Nokia tuyên bố "hồi sinh" thương hiệu này vào cuối năm 2016, tự tin có thể cạnh tranh với những đối thủ lớn. Tại hội nghị MWC 2017, HMD Global giới thiệu 4 chiếc điện thoại gồm Nokia 3310, Nokia 3, 5 và 6 với thiết kế đơn giản, chạy Android cùng lời hứa cập nhật phần mềm nhanh chóng.
Năm 2017, các hãng smartphone Android vẫn gặp khó trong việc cập nhật, tối ưu phần mềm cho mỗi phiên bản Android mới. Do đó, lời hứa của HMD nhanh chóng được giới công nghệ ủng hộ. Thế nhưng sau gần 5 năm, người dùng chỉ nhận về nỗi thất vọng khi điện thoại Nokia thiếu tính cạnh tranh, cập nhật phần mềm ngày càng chậm cùng hàng loạt vấn đề cơ bản.
Cập nhật phần mềm chậm, tối ưu kém
Yếu tố khiến người dùng chú ý đến smartphone Nokia đến từ việc HMD tham gia chương trình Android One, giúp thiết bị hoạt động tối ưu nhờ nền tảng Android không tùy biến, cập nhật phiên bản nhanh chóng.
Theo Android Authority, HMD từng cập nhật bản vá bảo mật hàng tháng, nâng cấp phiên bản Android khá sớm cho điện thoại Nokia, nhưng điều đó không kéo dài lâu.
HMD là cái tên đầu tiên cập nhật Android 9 Pie, nhưng tụt xuống vị trí thứ tư khi Android 10 ra mắt. Năm ngoái, smartphone của hãng này thậm chí đứng thứ 10 trong danh sách cập nhật Android 11 nhanh nhất. Trên thực tế, HMD vẫn đang cập nhật Android 11 cho một số thiết bị, trong khi chưa đưa ra lịch trình nâng cấp Android 12.
Smartphone Android của Nokia bị phàn nàn do cập nhật chậm, nhiều lỗi. Ảnh: Android Authority. |
Mỗi smartphone Android được cập nhật phiên bản mới trung bình trong 2 năm, còn bản vá bảo mật là 3 năm. Trong khi đó, HMD đã gặp khó trong việc cập nhật ngay khi lượng thiết bị nhiều hơn. Điều đó cho thấy sự thiếu hụt trong nguồn lực phát triển.
Không chỉ cập nhật chậm trễ, những thiết bị của HMD còn gặp lỗi sau khi nâng cấp. Ví dụ, bản cập nhật Android cho Nokia 8.3 khiến ứng dụng camera ngừng hoạt động, thậm chí làm mất kết nối Internet với một số người dùng. Trong khi đó, Nokia 5.3 bị phàn nàn do khả năng phản hồi cảm ứng kém sau khi nâng cấp Android 11.
Thất bại với flagship
Với các hãng điện thoại, một mẫu smartphone cao cấp (flagship) rất quan trọng nếu muốn trình diễn sự sáng tạo, công nghệ mới. Đến năm 2018, HMD mới ra mắt thiết bị đầu tiên có thể xem là flagship mang tên Nokia 8 Sirocco.
Vào năm 2006, Nokia 8800 Sirocco được xem là hình mẫu của điện thoại cao cấp. Tuy nhiên, điều đó không xuất hiện trên Nokia 8 Sirocco. Dù sử dụng chất liệu cao cấp, thiết bị không thể sánh với Samsung Galaxy S9+ hay LG V30 ra mắt cùng thời. Chất lượng camera và hiển thị kém, không có cổng 3,5 mm, giá quá cao là những yếu tố khiến người dùng bỏ qua Nokia 8 Sirocco.
Sau sai lầm của Nokia 8 Sirocco, HMD tiếp tục thử vận may với Nokia 9 PureView, được hứa hẹn tốt hơn thế hệ trước nhưng kết quả thậm chí tồi tệ hơn. Model này chú trọng vào khả năng chụp ảnh với 5 camera sau, sử dụng công nghệ từ máy ảnh Lytro Illum cho khả năng chụp trước và lấy nét sau. Tuy nhiên, không nhiều người háo hức với tính năng này, trong khi chất lượng ảnh tĩnh cũng chưa xuất sắc.
Nokia 9 PureView không thể gây ấn tượng dù trang bị 5 camera sau. Ảnh: Digital Trends. |
Được xem là điện thoại phiên bản giới hạn, Nokia 9 PureView không thể cạnh tranh trước Galaxy S10 hay Huawei P30. Dù trang bị 5 camera sau, thiết bị này thiếu đi những điều cơ bản như camera góc siêu rộng hay telephoto. Máy cũng dùng chip xử lý đời cũ, tối ưu phần mềm tệ.
2 năm từ khi ra mắt Nokia 9 PureView, HMD vẫn chưa trình làng mẫu flagship nào. Thay vào đó, công ty tập trung "hồi sinh" các dòng máy cũ và điện thoại phổ thông. HMD xuất xưởng 11 triệu mẫu điện thoại phổ thông trong quý I, con số ấn tượng nhưng là vấn đề lớn nếu chỉ dựa vào thị trường đang chết dần như điện thoại phổ thông.
Tính cạnh tranh kém cỏi
So với Xiaomi hay Realme, smartphone của HMD thường đắt hơn đáng kể. Công ty dựa vào các yếu tố như không chèn quảng cáo, cập nhật nhanh chóng để thu hút người dùng. Tuy nhiên, những điều trên không thể bù đắp cho cấu hình thấp và tối ưu phần mềm tệ.
Những năm gần đây, các hãng smartphone dần tối ưu phần mềm trên điện thoại mượt và cập nhật nhanh chóng hơn. Những vấn đề khó chịu như quảng cáo hay phần mềm "rác" vẫn tồn tại, nhưng nhiều người sẽ dễ dàng chấp nhận bởi chúng có cấu hình tốt, giá phải chăng.
Hậu quả khi tập trung vào những yếu tố không được người dùng quan tâm nằm ở doanh số. HMD chỉ xuất xưởng 2 triệu smartphone trên toàn cầu trong quý II/2021.
Smartphone tầm trung của Nokia kém nổi bật hơn hẳn các model từ Xiaomi hay Realme. Ảnh: Android Authority. |
Những điểm thất vọng khác của HMD còn nằm ở cách đặt tên và thiết kế sản phẩm. Không chỉ dùng số thập phân, gần đây công ty còn đặt tên bằng những chữ cái như X, G hay C. Trong khi đó, thiết kế của các mẫu máy không có gì nổi bật, chưa thể tạo điểm nhấn như dòng Lumia trước đây của Nokia.
Phân khúc tầm trung, giá rẻ là hướng đi phù hợp cho công ty muốn giành thị phần trong bối cảnh thị trường smartphone cạnh tranh lớn. Sở hữu thương hiệu Nokia mang tính biểu tượng, HMD gây thất vọng khi không thể ra mắt những thiết bị xứng tầm. Các vấn đề như tối ưu phần mềm kém, chất lượng camera thấp, cập nhật Android chậm chạp cho thấy sự xem thường với những người yêu thích Nokia.