Theo CNBC, người đứng đầu Instagram, Adam Mosseri, dự kiến điều trần trước Quốc hội Mỹ trong tuần thứ 2 của tháng 12 (bắt đầu từ ngày 6/12). Thông tin này đã được người phát ngôn của Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal xác nhận.
"Sau khi có báo cáo về tác động tiêu cực của Instagram, chúng tôi muốn nghe ý kiến thẳng thắn từ ban lãnh đạo của công ty, như vì sao họ sử dụng các thuật toán mạnh mẽ để đưa nội dung độc hại đến trẻ em, đẩy chúng xuống những nơi tối tăm và Instagram sẽ làm gì để nền tảng an toàn hơn", ông Blumenthal, chủ tịch Tiểu ban Bảo vệ người tiêu dùng, thuộc Uỷ ban Thương mại Thượng viện Mỹ tuyên bố.
Lãnh đạo Instagram sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 12. Ảnh: Reuters. |
Thượng nghị sỹ này mong muốn Adam Mosseri tự nguyện điều trần trước Thượng viện, đồng thời đưa ra các giải pháp, cải tiến cụ thể, đặc biệt là đối với các thuật toán mạnh mẽ của họ.
Vấn đề Instagram tác động xấu đến người dùng trẻ được New York Times khơi lên trong vài tháng qua, dựa trên tài liệu nội bộ của Facebook (hiện đã đổi tên thành Meta) do cựu nhân viên Frances Haugen cung cấp.
Cựu nhân viên này cho biết Instagram đã nghiên cứu về tác động của nền tảng đối với sức khoẻ tinh thần người dùng trẻ và nhận thấy nó gây hại.
Chẳng hạn, nghiên cứu chỉ ra rằng 1/3 người dùng nữ ở độ tuổi vị thành niên cho biết cảm thấy cơ thể mình xấu, Instagram khiến họ suy nghĩ tồi tệ hơn. Trong số những trẻ em có ý định tự tử, 13% người dùng tại Anh và 6% người dùng tại Mỹ theo dõi việc này qua Instagram.
Tuy nhiên, thay vì thừa nhận tác hại và tìm cách khắc phục, Instagram xem nhẹ kết quả nghiên cứu. Mạng xã hội ảnh tuyên bố không thể dùng kết quả khảo sát một nhóm nhỏ để suy ra tác động đến toàn bộ người dùng.
Ngược lại, các nhà lập pháp Mỹ cho rằng kết quả nghiên cứu đủ sức thuyết phục. Instagram cần phải làm nhiều việc hơn nhằm hạn chế tác động tiêu cực của nền tảng đối với người dùng trẻ tuổi. Họ đã gây áp lực, buộc mạng xã hội này từ bỏ ý định ra mắt ứng dụng chuyên biệt dành cho trẻ em.
Trước đây, CEO Meta, Mark Zuckerberg, đã nhiều lần điều trần trước Quốc hội Mỹ về các chủ đề khác nhau, bao gồm cạnh tranh, kiểm duyệt nội dung và quyền riêng tư sau vụ bê bối Cambridge Analytica.
Theo CNBC, các nhà lập pháp thường yêu cầu lãnh đạo cao cấp nhất của tập đoàn điều trần, trong khi những người đứng đầu ở các bộ phận có thể đưa ra câu trả lời sát thực tế hơn.
Một số nhà quan sát cho biết Susan Wojcicki, lãnh đạo YouTube cũng chưa bao giờ xuất hiện trước Quốc hội Mỹ, trong khi CEO Google Sundar Pichai đã bị triệu tập vài lần.