Ngay sau khi đại dịch bắt đầu, người Mỹ bắt đầu nói đùa về “Quarantine 15” đáng sợ, một cụm từ ám chỉ việc tăng cân sau dịch Covid-19. Họ lo sợ có thể tăng cân khi ở nhà với một kho thực phẩm tích trữ và một lối sống ít vận động. Nhiều người có thể lo sợ việc bước lại lên cái cân, hoặc phải xỏ chân vào chiếc quần jean đã nhiều tháng không mặc (và giờ thì không thể mặc vừa nữa).
Một cuộc khảo sát gần đây từ công ty nghiên cứu thị trường Ipsos cho thấy khoảng 1/3 người Mỹ nói rằng họ đã tăng cân trong thời gian đại dịch, theo New York Times.
Minh Ngọc, 21 tuổi, hiện sống tại Sydney, Australia, nói với Zing: “Thành phố mình đang sống hiện đã trải qua 2 đợt phong tỏa kéo dài hơn 6 tháng nên mình hầu như chỉ ở nhà trong vài tháng nay. Do dành ít thời gian vận động thể chất và ăn vặt nhiều hơn nên cân nặng của mình cũng đã tăng thêm một chút”.
Dù nhu cầu điều chỉnh cân nặng là có thật, một số chuyên gia nói rằng thay vì chạy theo những dịch vụ giúp lấy lại vóc dáng, chúng ta có thể học cách trân trọng cơ thể đã cùng mình vượt qua thời gian khó khăn của dịch bệnh, dù nó hơi béo hoặc hơi gầy.
Tại sao cơ thể chúng ta thay đổi?
Một nghiên cứu nhỏ sử dụng cân thông minh kết nối Bluetooth để đo trọng lượng của người tham gia cho thấy rằng cứ 10 ngày, người trưởng thành lại tăng thêm khoảng 0,5 kg trong thời gian ở nhà mùa dịch, theo New York Times.
Tuy nhiên, nghiên cứu từ Withings - công ty sản xuất cân kết nối Internet - đã vẽ nên một bức tranh khác. Sau khi phân tích dữ liệu từ 5 triệu chiếc cân, đồng hồ và nhiệt kế thông minh, công ty này phát hiện ra rằng mọi người nói chung thực sự đã giảm cân vào năm 2020 hoặc có nhiều khả năng đạt được mục tiêu giảm cân hơn những năm khác.
Đại dịch Covid-19 đã bó buộc nhiều người trong phạm vi ngôi nhà của họ với nguồn thực phẩm dự trữ phong phú, theo Conversation. Thêm vào đó, tác động của các căng thẳng càng khiến đây trở thành “điều kiện lý tưởng” cho những thay đổi không mong muốn về cân nặng, dù đó là tăng hay giảm cân.
Trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, Thành Trung - du học sinh Australia, hiện sống ở Queensland - chia sẻ với Zing: "Trong gần 2 tháng qua, mình đã tăng tới 5 kg do chủ yếu chỉ ở nhà, ít vận động và nạp thêm nhiều đồ ngọt so với thời điểm trước giãn cách".
"Mình nghĩ, sự căng thẳng khi làm việc và học online tại nhà cũng khiến cân nặng của mình có nhiều thay đổi", Trung chia sẻ.
Tăng cân trở thành vấn đề nhiều người lo lắng sau mùa dịch. Ảnh: Shutterstock. |
"Những đợt phong tỏa tại Queensland diễn ra khá bất chợt nên việc lên kế hoạch tập luyện thể thao tại nhà cũng gặp nhiều khó khăn", Trung nói thêm.
"Chúng tôi biết rằng tăng cân đã là một vấn đề sức khỏe cộng đồng ở Mỹ. Vì vậy, bất cứ điều gì làm cho vấn đề này trở nên trầm trọng hơn đều đáng quan ngại. Lệnh ở yên trong nhà cũng liên quan tới vấn đề này do khiến rất nhiều người bị ảnh hưởng", tiến sĩ Gregory M. Marcus, bác sĩ tim mạch và giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, cho biết.
Lệnh phong tỏa chắc chắn có ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của nhiều người. Các nhà nghiên cứu cho biết những hạn chế trong đại dịch cũng đã cản trở hoạt động thể chất, vốn là một phần của cuộc sống thường ngày.
Bên cạnh đó, rất nhiều người tìm thấy cảm giác thoải mái ở những thực phẩm có lượng calo cao. Tuy nhiên, máu đào thải lượng đường dư thừa rất nhanh chóng nên “liều thuốc tinh thần” này có tác dụng rất ngắn ngủi, từ đó thúc đẩy việc ăn nhiều hơn. Tất cả như một vòng lặp, stress, đồ ăn, stress, cứ thế diễn ra liên tục.
Ăn uống là một phản ứng tự nhiên để giải tỏa căng thẳng. Song, khi kết hợp điều này với động lực tập thể dục thấp hơn và việc tiêu thụ nhiều thức ăn giàu calo hơn, căng thẳng có thể dẫn đến việc tăng cân không mong muốn.
Trẻ em cũng không thoát khỏi chu trình này. Andrew G. Rundle, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Mailman của Đại học Columbia, Mỹ, cho biết thời gian nghỉ học của những đứa trẻ tương tự một kỳ nghỉ hè, hoặc hơn thế.
"Mọi thứ khiến mùa hè vốn đã nguy hiểm với trẻ em trở nên trầm trọng hơn qua lệnh phong tỏa”, ông cho biết thêm.
Ngành công nghiệp giảm cân đang ập đến
Nhà tâm lý học Adam Grant viết rằng khi chúng ta mòn mỏi trong thời kỳ thiếu vắng hạnh phúc này, nhiều công ty đang tìm cách kiếm tiền từ đây.
"Ngành công nghiệp giảm cân" luôn tìm cách thuyết phục người Mỹ rằng họ đang béo lên và bây giờ, họ phải rời khỏi ghế và lấy lại vóc dáng. Giải pháp ư? Hãy mua ứng dụng, đăng ký dịch vụ giao bữa ăn hay đăng ký chương trình tập luyện của họ.
Nhu cầu giảm cân gia tăng nhanh chóng hậu đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg. |
Khi số ca bệnh giảm dần tại Mỹ và tỷ lệ tiêm chủng tăng dần, người dân bắt đầu mong muốn trở lại cuộc sống bình thường mới.
Taryn Stewart, một huấn luyện viên cá nhân ở Maryland, Mỹ, chia sẻ: “Kể từ đầu tháng 2, số người tham dự các lớp học trực tuyến đã tăng gấp đôi”.
Nhiều khách hàng từng chỉ gặp trực tiếp cô ấy hàng tháng giờ đây lại xuất hiện mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn, Atlantic đưa tin. "Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự gia tăng giống như vậy”, Stewart nói.
Matt Wiedemer, chủ sở hữu một trung tâm thể hình, nói rằng phòng tập của anh trở nên “bận rộn” hơn so với thời điểm trước đại dịch, bất chấp những quy định về giãn cách mà anh phải tuân thủ.
Tháng 2 thường là khoảng thời gian "buồn tẻ" nhất đối với một phòng tập, song nó đã chứng kiến sự gia tăng về lượng khách trong vài tháng qua khi nước Mỹ nới lỏng các lệnh hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng mong rằng họ sẽ được gặp lại mọi người trong một vẻ ngoài hoàn hảo nhất.
Trong thời gian giãn cách, Jillene Golez, một nhân viên công nghệ ở Dallas, Mỹ, đã cho thấy dấu hiệu tăng cân do ở nhà cả ngày. Cô khao khát có được sự tự tin mà mình có được vào tháng 3 năm trước. Vì vậy, cô đã tham gia một lớp thể hình với một huấn luyện viên ở California.
“Tôi không muốn lo lắng về việc quần jean của mình không vừa vặn trong ngày đầu tiên trở lại làm việc”, cô cho biết.
"Do cơ thể bị trì trệ khá nhiều sau thời gian giãn cách nên việc tập luyện trở lại gặp khá nhiều khó khăn", Thành Trung nói.
Hiện giờ, anh đang bắt đầu luyện tập trở lại qua các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng để cơ thể có thể quen dần, sau đó mới thử các bài tập nâng cao như anh từng thực hiện lúc trước đại dịch. Song, anh không cảm thấy quá áp lực trong việc tập luyện để lấy lại vóc dáng như trước kia. Theo anh, đó cũng là một kỉ niệm đáng nhớ trong mùa dịch.
Không có gì sai khi thực hiện việc luyện tập nhằm cải thiện sức khỏe sau mùa dịch. Tuy nhiên, sau tất cả những gì đã trải qua và khi đại dịch vẫn còn hoành hành khắp nơi trên thế giới, chúng ta vẫn nên trân trọng cơ thể đã vượt qua điều đó, thay vì "trừng phạt" nó vì đã không còn mặc vừa chiếc quần jean của năm ngoái, New York Times nhận định.