Trong tọa đàm trực tuyến do Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 20/9 với chủ đề “Covid-19: Tái phân bổ nguồn lực trong điều trị tại bệnh viện và cộng đồng - Kinh nghiệm của Vương quốc Anh”, tiến sĩ Christopher Hui - chuyên gia về hô hấp và điều trị tại bệnh viện NHS Royal Free - nhận định nhiều đổi mới có thể thực hiện trong thời kỳ hậu Covid-19.
“Sức khỏe và cách thức tổ chức của hệ thống y tế chưa bao giờ được chú trọng nhiều đến như thế”, ông Hui nói. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc sức khỏe đã cho thấy những lợi ích to lớn và sẽ đóng vai trò quan trọng, nhận được ủng hộ ngày càng lớn sau đại dịch.
Từ kinh nghiệm của Anh, tiến sĩ Helen Crawley - đào tạo viên quốc tế, Hiệp hội Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Anh - cũng cho hay các nước như Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng hồ sơ chăm sóc sức khỏe điện tử.
Trong đại dịch tiếp theo, đây sẽ công cụ quan trọng giúp phân loại sớm bệnh nhân, ưu tiên điều trị nhóm dễ bị tổn thương, từ đó giảm thiểu khả năng tử vong vì dịch bệnh.
Tăng cường hệ thống y tế với công nghệ
Giữa lúc các quốc gia đang vật lộn với đại dịch toàn cầu tồi tệ nhất của thế kỷ, ít ai bận tâm đến việc chuẩn bị cho dịch bệnh tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định nếu không sẵn sàng, con người thậm chí có thể phải trả giá đắt hơn cả làn sóng dịch lần này. Và công nghệ chính là chìa khóa để chuẩn bị cho tương lai.
“Covid-19 đã tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế, dẫn tới việc chi tăng lên, gây áp lực về giá. Vì vậy, cần thiết lập hệ thống y tế công cộng ứng dụng công nghệ để tăng khả năng phục hồi và thích nghi với môi trường mới”, tiến sĩ Hui nói.
Tiến sĩ Christopher Hui, chuyên gia hô hấp và điều trị tại Bệnh viện NHS Royal Free. Ảnh: Expat Living Hong Kong. |
Theo ông, trong một thế giới hậu Covid-19, con người sẽ dần học được cách “quản lý hệ thống y tế và giữ bệnh nhân ngoài bệnh viện để giải phóng năng lực, đồng thời giảm lây nhiễm chéo”.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan dẫn đến số ca mắc tăng theo cấp số nhân. Những bệnh viện quá tải đã cho thấy con người không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp cũ cho một tình huống mới. Các công cụ chống dịch giờ đây đã thay đổi.
Trên thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã triển khai phương án điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại nhà với sự theo dõi của bác sĩ. Tại Việt Nam, TS.BS Nguyễn Văn Hảo - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM - cho biết tại thành phố có số ca mắc cao nhất cả nước, mô hình chăm sóc F0 tại nhà kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu ngoại viện đã góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Thông qua công nghệ, việc khám chữa bệnh, tư vấn từ xa giúp chăm sóc số lượng lớn F0 tại nhà, thực hiện cá thể hóa việc chăm sóc, đồng thời theo dõi và giám sát bệnh nhân để cấp cứu nhanh trường hợp chuyển nặng.
Chia sẻ thêm, tiến sĩ Matt Kearney - Giám đốc Y tế, Giám đốc Chương trình Chăm sóc Chủ động & Bệnh tim mạch, UCL Partners - cho biết không chỉ với Covid-19, các nước cũng sẽ dần chuyển đổi cách thức chăm sóc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường sau đại dịch.
Không chỉ hỗ trợ tối đa việc tự chăm sóc và chăm sóc từ xa, hệ thống y tế cũng sẽ "phân loại nguy cơ người bệnh và ưu tiên những người có nhu cầu nhất về chăm sóc và điều trị lâm sàng", ông Kearney nói.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Hui cho biết đại dịch Covid-19 còn giúp các nước nhận ra những lỗ hổng trong hệ thống y tế công của mình.
Cuộc tầm soát Covid-19 thần tốc cho 50.000 người dân phường 15, quận Gò Vấp, được thực hiện xuyên đêm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo ông, tác động không cân xứng của Covid-19 lên các nhóm đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội đã tạo ra áp lực định hướng tới việc cung cấp chăm sóc sức khỏe toàn dân theo hướng bình đẳng, công bằng.
“Hỗ trợ cho những hệ thống công sẽ mạnh hơn, tốt hơn", ông Hui khẳng định, đồng thời nhấn mạnh tăng đầu tư chăm sóc sức khỏe sẽ nhận được thêm sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt chính trị và xã hội.
Mô hình GP
Để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, chính phủ và các tổ chức y tế cần tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe.
Tại buổi tọa đàm, tiến sĩ Helen Crawley đã nêu lên vai trò của công tác chăm sóc ban đầu (primary care) trong hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nguy kịch.
“Nếu không đưa bệnh nhân tới bệnh viện kịp thời, tính mạng của họ sẽ bị ảnh hưởng. Không theo dõi bệnh sát sao ảnh hưởng tới tình trạng bệnh. Còn nếu không thăm hỏi thường xuyên, bệnh nhân sẽ lo lắng, trầm cảm hoặc căng thẳng”, chuyên gia đến từ Hiệp hội Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia Anh chỉ ra những tác động do điều trị chậm trễ.
Do đó, theo tiến sĩ Crawley, chăm sóc ban đầu là yếu tố quan trọng để giúp người bệnh không phải tới bệnh viện hay các cơ sở chăm sóc y tế. Họ sẽ chỉ tới bệnh viện trong các trường hợp thực sự cần thiết.
Bà Crawley cho biết tại Anh, người dân sẽ đăng ký với bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu (GP) thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). GP là bác sĩ nhận nhiệm vụ điều trị tất cả bệnh thông thường, chuyển bệnh nhân tới bệnh viện hoặc các dịch vụ y tế khác trong trường hợp họ cần điều trị khẩn cấp và chuyên khoa. GP tập trung chăm sóc toàn bộ sức khỏe thể chất và tâm lý cho người bệnh.
“Các dịch vụ chỉ có sẵn khi người dân đăng ký GP, kể cả là vaccine. Thông tin về sức khỏe của người đăng ký sẽ được đưa vào hồ sơ bệnh án điện tử”, bà cho biết. “Đây là hình thức chăm sóc sức khỏe toàn diện trọn đời cho người đăng ký. Hồ sơ ghi nhận tất cả thông tin liên quan tới việc khám và điều trị, xét nghiệm hay tiêm chủng vaccine”.
Hồ sơ bệnh án điện tử ghi nhận tất cả thông tin liên quan tới việc khám và điều trị, xét nghiệm hay tiêm chủng vaccine. Ảnh: iStock. |
Từ hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh nhân sẽ được phân loại nhằm xác định xem đâu là đối tượng có nguy cơ cao nhất, từ đó lên kế hoạch chuẩn bị cho họ. Phân loại bệnh nhân phù hợp sẽ tránh được những sự can thiệp không cần thiết, tránh lãng phí thời gian điều trị.
Sau khi bệnh nhân xuất viện, GP sẽ tiếp tục theo dõi tình hình bệnh nhân và tìm hiểu xem nhu cầu tiếp theo của họ là gì.
Bà Crawley cũng cho biết hồ sơ chăm sóc sức khỏe điện tử cũng xác định nhóm những người dễ bị tổn thương và đưa họ vào nhóm ưu tiên tiêm phòng trước. Theo Vox, NHS sẽ liên hệ với những người đủ điều kiện tiêm chủng thông qua điện thoại, email hoặc tin nhắn.
“Cách tiếp cận này giúp cho người dân biết họ có thể liên lạc với ai khi mắc bệnh, từ đó đưa ra hướng tự điều trị kịp thời”, bà nói.