Tờ CNN hôm 25/7 đăng tải những điều trải lòng của một tiếp viên hàng không Anh dưới bút danh Dan Air.
Nén nỗi đau
Việc nhìn thấy hình ảnh mảnh vỡ của máy bay sau một tai nạn kinh hoàng là điều tồi tệ đối với mọi tiếp viên hàng không. Mảnh kim loại cháy đen, chiếc ghế hỏng, khay đựng thức ăn, vật dụng cá nhân… từng là những vật dụng thân quen tại “văn phòng” trên không trung của chúng tôi. Đó là nơi chúng tôi phục vụ bữa ăn, hướng dẫn hành khách cách xử lý trong trường hợp khẩn cấp hay trò chuyện với đồng nghiệp xung quanh những câu chuyện phiếm.
Người dân Hà Lan thả những quả bóng bay màu trắng để tưởng nhớ nạn nhân thiệt mạng sau thảm họa MH17. Ảnh: AP |
Đối với một hãng hàng không, hai thảm kịch xảy ra chỉ trong 4 tháng là điều vượt quá sức tưởng tượng. 21 tiếp viên và 6 thành viên của tổ bay đã biến mất cùng hai chuyến bay MH370 và MH17.
Chúng ta khó có thể hình dung cảm giác của những tiếp viên hay phi công có người thân, bạn bè thiệt mạng trên các chuyến bay định mệnh. Họ đã nén cảm xúc cá nhân để khoác lên người bộ đồng phục, tươi cười phục vụ hành khách.
Chúng tôi có thể tiếp tục?
Mẹ và vợ một nạn nhân đau buồn khi biết tin người thân trong gia đình thiệt mạng trên chuyến bay của hãng hàng không TransAsia Airways. Ảnh: Takungbao |
Gần đây, tôi đã liên lạc với nhiều nhân viên hàng không. Nỗi đau đớn và sợ hãi đã bủa vây tâm trí của họ sau hàng loạt tai nạn kinh hoàng. Nhiều người không rõ liệu họ còn có thể tiếp tục công việc hay không. Một số khác cho biết họ sẽ vẫn đảm trách công việc yêu thích và làm hết khả năng vì đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cách để họ tưởng nhớ những đồng nghiệp xấu số.
Tôi biết một số tiếp viên và phi công từng trải qua các vụ tai nạn hàng không. Trong số họ, nhiều người đã quay trở lại làm việc, số khác vẫn cần thời gian để bình tâm. Mỗi khi lên máy bay, nhiều câu hỏi xuất hiện trong tâm trí các nhân viên hàng không: “Chúng ta sẽ làm gì khi điều tồi tệ nhất xảy ra?”. Đặc thù của công việc khiến chúng tôi phải suy nghĩ như vậy.
Mặc dù các tiếp viên đều tự trấn an rằng, công việc của chúng tôi đơn giản chỉ là phục vụ hành khách một tách trà hay một ly cà phê, song lý do chính để chúng tôi làm việc là sự an toàn. Mỗi lần máy bay cất cánh hay hạ cánh, mỗi cuộc họp trước các chuyến bay, nhiều câu hỏi về cách đối phó trước những tình huống khẩn cấp luôn quẩn quanh trong tâm trí các tiếp viên: Chúng ta sẽ làm gì để đối diện với sức ép? Một tình huống y tế khẩn cấp? Di tản hành khách khi cần thiết?
Thật may mắn, đa số chúng tôi đều không phải đối mặt với những tình huống như vậy. Tuy nhiên, các tiếp viên của MH17 thậm chí còn không có cơ hội để giúp đỡ hành khách và đồng nghiệp của họ. Cuộc sống của những người vô tội bỗng chốc tan biến trong chớp mắt.
Ruy băng đen tưởng nhớ đồng nghiệp
Vào ngày MH17 gặp nạn, tôi nhận lịch làm việc trên một chuyến bay tới Amsterdam, Hà Lan – nơi máy bay xấu số vừa cất cánh ít phút. Khi bước lên máy bay, tôi thấy một người đàn ông với khuôn mặt rất buồn. Tôi đã hỏi xem ông ấy có ổn không. Hành khách này nói rằng, 4 người bạn của ông đã ở trên chuyến bay MH17 và sau đó, ông bật khóc. Câu chuyện của ông khiến tôi lặng người. Suy nghĩ duy nhất trong tâm trí tôi lúc đó là mong muốn trở về nhà và nói với bạn bè cùng người thân rằng, tôi yêu họ.
Nhân viên nhiều hãng hàng không cài ruy băng đen để tưởng nhớ những đồng nghiệp tử nạn sau thảm họa MH17. Ảnh: CNN |
Các thảm họa hàng không liên tiếp trong thời gian gần đây đã kết nối đội ngũ tiếp viên trên toàn thế giới. Thông qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi cùng chia sẻ những mất mát và ủng hộ về mặt tinh thần đối với những đồng nghiệp tại Malaysia Airlines, TransAsia Airways và Air Algerie.
Một tuần sau khi MH17 gặp sự cố, đội ngũ tiếp viên của nhiều hãng hàng không trên thế giới đã cài một dải ruy băng đen trên áo. Tôi hy vọng ngành hàng không sẽ dành một ngày trong năm để nhân viên cài ruy băng đen, tưởng nhớ những đồng nghiệp đã khuất.