Tại một nhà máy ngoài trời, bên bờ sông nơi giao cắt giữa sông Blue Nile với White Nile ở Sudan, Mohamed Ahmed al Ameen và các đồng nghiệp của ông đã đúc được hàng nghìn viên gạch mỗi ngày từ bùn trong lũ lụt mùa hè.
“Tôi chưa từng rời xa con sông Nile từ khi sinh ra”, ông Ameen nói, trong khi những người thợ xung quanh đóng những viên gạch bằng bàn tay phồng rộp và đưa ra phơi nắng. “Tôi kiếm ăn từ con sông, tôi làm nông nghiệp với nó. Và tôi làm ra những viên gạch này từ nguồn nước này”.
Bức tử những lò gốm, đe dọa sinh kế người dân
Thế nhưng, nguồn kiếm sống đó của những người lao động trên đảo Tuti ở thủ đô Khartoum của Sudan bị đe dọa bởi một siêu đập thủy điện khổng lồ Grand Ethiopian Renaissance (Đại Phục Hưng) trị giá 4,8 tỷ USD. Con đập của Ethiopia đang xây dựng sát biên giới giữa Ethiopia và Sudan, dự kiến khánh thành năm 2022.
Người thợ làm gạch tại một xưởng bên bờ sông Nile ở Sudan. Ảnh: Reuters. |
Những người Sudan lo ngại con đập lớn ở thượng nguồn có thể làm giảm lưu lượng dòng chảy của sông Blue Nile, đe doạ việc sản xuất gạch của người dân địa phương, ngành công nghiệp vốn cung cấp nguyên liệu xây dựng cho một số tòa nhà công cộng hiện đại đầu tiên của Khartoum khoảng một thế kỷ trước.
Những người làm gốm, nông dân và ngư dân sống quanh khu vực hai con sông Nile giao cắt cũng có cùng mối lo, mặc dù những người phải di dời do lũ lụt hè năm ngoái đã thấy được lợi ích của con đập trong việc điều tiết dòng chảy mạnh của sông Nile.
Mutasim al-Jeiry, một thợ gốm 50 tuổi ở ngôi làng ngoại thành Omdurman của Khartoum, nơi các công nhân tạo ra những chiếc lọ bằng đất sét lấy từ con sông, cho biết con đập “sẽ làm ổn định sông Nile và ít lũ lụt hơn”.
“Mặt khác, chúng ta sẽ có ít đất sét và ít nước hơn. Nông dân, người làm gạch và làm gốm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông dự đoán.
Khu vực giao cắt giữa sông Blue Nile và White Nile ở Khartoum, Sudan. Ảnh: Reuters. |
Hy vọng pha lẫn sợ hãi
Những hy vọng và nỗi sợ hãi lẫn lộn dọc theo chiều dài sông Nile trước dự án thủy điện khổng lồ, đã thúc đẩy một cuộc đối thoại ngoại giao cao cấp giữa Ethiopia và Ai Cập ở hạ lưu.
Ethiopia, nói rằng cuối cùng họ cũng khẳng định được quyền khai thác sông Blue Nile cho lợi ích kinh tế, hứa hẹn sẽ bắt đầu dẫn nước vào hồ chứa đập vào cuối tháng này.
Ai Cập, nơi phải đối mặt với nguy cơ khan hiếm nguồn nước, đang “quay cuồng” thúc đẩy thỏa thuận đảm bảo dòng chảy tối thiểu từ Blue Nile, chiếm khoảng 86% lượng nước của sông Nile, chảy vào Địa Trung Hải.
Chính phủ Sudan nói rằng con đập có thể đe dọa sự an toàn của khoảng 20 triệu người Sudan sống ở hạ lưu và làm hư hại hệ thống nông nghiệp nước này nếu nó không được xây dựng và vận hành chính xác. Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy những lợi ích tiềm năng trong việc kiểm soát lũ lụt trong mùa mưa và cải thiện hiệu suất của các con đập đã có.
Khi hoàn thành, công trình sẽ chế ngự dòng nước hung hãn của sông Nile Xanh và được kỳ vọng sẽ giúp hàng chục triệu người Ethiopia thoát nghèo nhờ có điện. Ảnh: AFP. |
Mâu thuẫn cũng chính là những gì đang diễn ra ở làng Wad Ramli, 60 km về phía hạ lưu Khartoum, nơi lũ lụt đã gây thiệt hại lớn vào mùa hè năm ngoái. Một số người dân có nhà bị hư hại hoặc phá hủy đã phải chuyển đến sống trong các lều tạm được đặt gần đó.
“Đúng là con đập Đại Phục Hưng này sẽ hạ thấp mực nước sông Nile và ngăn lũ lụt”, Manal Abdelnaay, một thanh niên 23 tuổi sống trong một căn lều cho biết. “Tuy nhiên, nó sẽ tác động đến việc canh tác, và người ở Wad Ramli chủ yếu sống bằng nghề nông”.
Trên đảo Tuti, nông dân và chủ đất lo lắng nếu con đập làm suy yếu dòng chảy của sông, họ sẽ có ít nước hơn để tưới tiêu và nuôi dưỡng đất.
Mussa Adam Bakr, một người trồng trọt bên cạnh nhà máy gạch, cho biết, “Tôi đến Tuti vào năm 1988 vì đất đai ở đây là tốt nhất để làm nông và đủ gần để cung cấp cho thị trường, nó mang lại thu nhập tốt”.
“Nhiều năm qua, đất ở Tuti có thể trồng được tất cả các loại rau như khoai tây, hành tây, cà tím”, Bakr nói.
Sudan từ lâu đã bị lấn lướt trong vụ tranh chấp về con đập bởi hai nước láng giềng lớn hơn, nhưng gần đây cũng đã đẩy mạnh các cuộc đàm phán mới giữa ba nước. Công dân nước này sẽ theo dõi sát sao bất kỳ thay đổi nào đối với con sông từ lâu đã quá quan trọng với họ.
Ashraf Hassan, một người buôn cá 45 tuổi ở Omdurman, cho biết: “Một con cá ra khỏi nước sẽ chết, nó không thể sống sót. Chúng tôi cũng vậy, chúng tôi sống như một phần của nước, hoặc xung quanh nó”.