Suốt gần một thập kỷ qua, nhiều vòng đối thoại giữa 3 nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan đều thất bại. Các nước không thể đạt được một thỏa thuận về tích nước và vận hành dự án Đập Phục hưng Đại Ethiopia (GERD) trị giá gần 5 tỷ USD.
Ethiopia tháng 7 công bố kế hoạch bắt đầu tích nước hồ thủy điện lớn nhất châu Phi. Điều này khiến hai nước khu vực hạ lưu sông Nile là Ai Cập và Sudan càng thêm bức xúc và lo âu về an ninh nguồn nước, khiến tranh luận từ chính trường đã lan sang không gian mạng, theo AFP.
Dự án thủy điện GERD của Ethiopia vấp phải phản ứng từ Ai Cập và Sudan về tác động lên nguồn nước. Ảnh: AP. |
"Tâm lý chiến"
Trong một đoạn video đang gây sóng gió TikTok trong thời gian qua, một người phụ nữ Ethiopia minh họa về quyền quản lý sông Nile bằng cách đổ nước từ bình vào 2 cốc rỗng. Mỗi chiếc cốc đại diện cho hai nước ở khu vực hạ lưu sông Nile là Ai Cập và Sudan. Người này rót ngập nước trong cốc Sudan nhưng chỉ cho vài giọt vào ly Ai Cập, sau đó lại đổ hết 2 cốc trở vào bình.
"Đây là nước của tôi. Khi tôi cho các người nước, đó là quyết định của tôi, không phải của các người", cô tuyên bố.
Đoạn video chọc giận dân mạng Ai Cập. Một người dùng mạng xã hội ở nước này lập tức quay video đáp trả. Cô đẩy ngã một vật có hình dáng như đập thủy điện với lá cờ Ethiopia, sau đó nốc cạn một ly nước với vẻ đắc thắng. Tính đến ngày 8/7, đoạn video này đã thu hút hơn 55.000 lượt xem trên mạng xã hội Instagram.
Theo AFP, cuộc khẩu chiến và đọ phím trên mạng xoay quanh dự án GERD chủ yếu tập trung người dùng ở Ai Cập và Ethiopia. Trên Twitter, người dùng mạng tại Ai Cập phần lớn lo ngại siêu đập thủy điện sẽ cắt giảm nghiêm trọng nguồn nước quốc gia. Sông Nile cung cấp gần 97% nhu cầu sử dụng nước toàn nước này.
Tỷ phú Naguib Sawiris cũng nhảy vào cuộc khẩu chiến. Ông tuyên bố "sẽ không để cho bất kỳ nước nào" khiến cho Ai Cập phải chết khát. Ông trùm ngành viễn thông và đường sắt thậm chí còn đe dọa nếu Ethiopia không chấp nhận nói chuyện lý lẽ thì "nhân dân Ai Cập sẽ là bên đầu tiên kêu gọi chiến tranh".
Họa sĩ biếm họa Ahmed Diab đăng lên mạng tranh vẽ người lính Ai Cập quá khổ, cầm súng trường đe dọa một người đàn ông Ethiopia nhỏ bé đang đứng trước đập thủy điện. Diab gọi tác phẩm của ông là một đóng góp cho "tâm lý chiến".
"Bên cạnh việc chứng tỏ sức mạnh quân sự và truyền thông quyết liệt, nghệ thuật có thể cổ vũ tinh thần mọi người", Diab nói.
Nhà hoạt động chính trị Jawar Mohamed của Ethiopia thì phản pháo rằng việc tích nước cho dự án thủy điện GERD không thể biến thành "con tin" trong đàm phán với Cairo. Ông lập luận dù các bên đạt được thỏa thuận hay không thì việc tích nước cho dự án thủy điện vẫn cần được xúc tiến. Nếu không đạt được thỏa thuận, các bên có thể tiếp tục đàm phán sau khi quá trình này đã khởi động theo kế hoạch.
Biếm họa về tác động của đập thủy điện GERD đối với hai nước ở khu vực hạ lưu sông Nile. Ảnh: AFRIC. |
Phía Sudan lúc đầu cũng kỳ vọng đập thủy điện sẽ giúp cải thiện khả năng kiểm soát lũ lụt. Đến tháng 6, chính phủ nước này lại cảnh báo cuộc sống của hàng triệu người bị đặt trước "rủi ro nghiêm trọng" nếu quốc gia thượng nguồn sông Nile đơn phương tích nước cho đập thủy điện.
Trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chính phủ Sudan bày tỏ lo ngại dự án GERD một khi xả nước sẽ đe dọa đến đập Roseires tại Sudan, gây quá tải và nguy cơ lũ lụt.
Những lo ngại này khiến người Sudan nhảy vào cuộc khẩu chiến và công kích đập thủy điện Ethiopia. Omar Dafallah, một họa sĩ Sudan, thể hiện bức xúc bằng cách vẽ Thủ tướng Abiy Ahmed của Ethiopia thành ông chủ vòi nước. Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi được biếm họa thành hai người đàn ông mang thùng, chậu đến xếp hàng chờ.
Hy vọng vào "thảo luận lành mạnh"
Ethiopia, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Phi, đã cam đoan GERD không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Nile. Đối với giới chức tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, tham vọng phát triển và điện khí hóa quốc gia không thể thiếu dự án thủy điện trên sông Nile.
Theo nhận định của nghị sĩ Ai Cập Mahamed Fouad, tranh luận trên mạng có thể là một cách để "phá vỡ thế bế tắc" trong đối thoại ngoại giao chính thức. Đàm phán không hiệu quả suốt nhiều năm đã buộc Ai Cập phải nhờ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc can thiệp.
Tuy nhiên, Fouad cũng lưu ý tranh luận trên không gian mạng chỉ nên "nằm trong giới hạn của thảo luận lành mạnh".
Wubalem Fekade, trưởng bộ phận truyền thông của tổ chức liên chính phủ Sáng kiến Châu thổ Sông Nile - Văn phòng Kỹ thuật Vùng Đông sông Nile (NETRO), cũng kỳ vọng mạng xã hội được sử dụng một cách sáng tạo và khôn ngoan sẽ hạ nhiệt căng thẳng thành công.
"Người dùng trên mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm, nên họ dễ lan truyền những điều chưa được kiểm chứng, sai lệch, không đúng sự thật, thậm chí là thuyết âm mưu", ông nói.