Với tốc độ 5,15% của quý 1 và 6,17% của quý 2, tăng trưởng hai quý cuối năm ít nhất phải đạt tốc độ 7% thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra - điều các chuyên gia đánh giá là rất khó.
Các đoàn công tác của Chính phủ đang thúc giục quyết liệt các bộ ban ngành và địa phương về chuyện tập trung tăng trưởng.
Bà Virginia Foote phát biểu tại hội thảo sáng 19/9 tại Hà Nội. Ảnh: Thuỳ Trâm. |
Không thể ra lệnh tăng trưởng
Đánh giá điều này, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, bà Virginia Foote, trong hội thảo của Bộ Kế hoạch Đầu tư sáng 19/9 về tăng trưởng, nói: “Có mâu thuẫn trong mong muốn của Chính phủ.
Chính phủ có thể ra chỉ thị với các doanh nghiệp quốc doanh về tăng trưởng, nhưng như vậy thì chi phí của tăng trưởng sẽ rất cao. Thị trường thì không thể ra lệnh để tăng trưởng. Rất khó để xây dựng nền kinh tế pháp lệnh và nền kinh tế thị trường cùng một lúc”.
Bà Virginia Foote cho rằng một bộ có các doanh nghiệp nhà nước để quản lý thì sẽ rất khó để họ phân tích thị trường hay nhu cầu của các doanh nghiệp tư nhân cùng lĩnh vực.
Các trao đổi tăng trưởng hiện tại ở Việt Nam hiện vẫn đang xoay quá nhiều quanh chuyện “chúng ta đang có gì thì chúng ta nên bảo vệ điều đó”.
“Chính phủ đang mắc kẹt giữa nhu cầu bảo vệ và phát triển của các ngành mới như dược, tài chính, các hình thức thanh toán không cần tiền mặt…”, bà Foote nói.
Với các nhà đầu tư, theo bà, có hai vấn đề quan trọng mà họ đang quan tâm là: tình trạng tham nhũng và gánh nặng về các quy định điều kiện quản lý.
“Chính phủ nên nói có với các dự án tốt nhất để các doanh nghiệp có thể giúp được nền kinh tế. Các luật định gây khó dễ giống như câu trả lời ‘không’ với các nhà đầu tư”, bà nói.
Bà ủng hộ Việt Nam theo đuổi các hiệp định thương mại tự do như TPP-11 và EVFTA để tạo được các quy định kinh doanh thống nhất xuyên biên giới cũng như là trong lãnh thổ.
Hội thảo sáng 19/9 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Thuỳ Trâm. |
Ba ràng buộc thị trường
Những nỗ lực như Bộ Kế hoạch Đầu tư lên kế hoạch cắt bỏ 2.000 điều kiện kinh doanh hay Bộ Công Thương đang nỗ lực cắt bỏ 35% trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh bộ đang quản lý được đánh giá sẽ có hiệu quả lâu dài và tích cực hơn cho nền kinh tế.
Cuộc trao đổi tại Bộ Kế hoạch Đầu tư sáng 19/9 với chủ đề "Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng" với đại diện từ các bộ, khối doanh nghiệp và các nhóm phân tích sáng 19/9 là nhằm tìm giải pháp cho câu hỏi tăng trưởng lúc này.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nêu ra ba ràng buộc mà ông ví von là “nỗi niềm chính phủ” và “góc nhìn thị trường”. Đó là nhu cầu tăng trưởng và mong muốn tái cấu trúc: nỗi đau của tái cấu trúc, phí tổn của chia sẻ nguồn lực; Cải tổ doanh nghiệp nhà nước hay muốn tăng trưởng nhanh; Tăng trưởng với nhu cầu ổn định khi tăng trưởng vĩ mô ở Việt Nam chưa phải ổn định hoàn toàn.
“Thách thức là ở chỗ nỗi niềm có đồng thuận với thị trường… Nghệ thuật là ở sự lựa chọn: có thể tăng trưởng để tốt hơn chút nhưng không phá vỡ những điều chúng ta muốn: cải tổ bộ máy nhà nước, cải tổ doanh nghiệp nhưng giữ nợ công ổn định”, ông Thành nói.