Trong báo cáo mới đây, HSBC cho biết Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 21% trong năm 2017. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cảnh báo tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng có thể ảnh hưởng đến chất lượng.
Cách đây không lâu tại một cuộc họp cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 từ 18% lên mức 21%, và nhấn mạnh nhu cầu đạt tăng trưởng GDP 6,7% cho cả nước.
HSBC cho biết với đà tăng tín dụng hiện tại và việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cắt giảm lãi suất, Việt Nam có thể dễ dàng đạt mức tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm nay.
Trước đó, một cuộc điều tra của NHNN (thực hiện trước khi cắt giảm lãi suất trong tháng 7) cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2017 dự kiến chỉ đạt 16,3%, thấp hơn mục tiêu ban đầu 18%. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 11,5%, và còn cách mục tiêu đề ra 9,5% cho 4 tháng cuối năm.
Báo cáo này cũng chỉ ra hiện Kho bạc Nhà nước đang gửi khoảng 160.000 tỷ đồng tại các ngân hàng. Các chuyên gia tài chính cho biết việc hệ thống ngân hàng có được lượng lớn tiền gửi sẽ giúp tăng thanh khoản, giảm lãi suất, và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% có thể dễ dàng đạt được. Đây cũng là cơ sở để NHNN giảm lãi suất trong tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, HSBC cảnh báo tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngân hàng. Đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả như bất động sản hay nhóm doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
HSBC cho rằng bất động sản vẫn đang đóng góp nhiều nhất cho tổng tăng trưởng tín dụng cả nước, dù những tháng gần đây đã có dấu hiệu giảm. Bất động sản cũng là một trong những lý do chính làm gia tăng nợ xấu và khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2011.
Bất động sản vẫn là ngành đóng góp chính cho tăng trưởng tín dụng. |
Trong khi đó, những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận các DNNN đang hấp thụ một lượng lớn tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Như tại Hà Nội, phần lớn các khoản vay vẫn dành cho DNNN. Một nghiên cứu của IMF cũng cho thấy các DNNN đang vay với lãi suất thấp hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho phép DNNN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tránh tình trạng thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Khảo sát của WB năm 2016 về các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 29% số doanh nghiệp nhỏ (có 1-20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, trong khi DNNN và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.
Theo HSBC, các số liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và việc phân bổ tín dụng sai lệch, giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.
Ngoài ra, HSBC cũng cho rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm trong những năm gần đây không có nghĩa nợ xấu thật sự đã giảm. Một phần của việc giảm nợ xấu là do chuyển cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), nơi rủi ro tín dụng cơ bản của các khoản vay chưa được loại trừ hoàn toàn.
Số liệu mới nhất cho biết đến hết tháng 3 năm nay, sau hơn 3 năm hoạt động, VAMC đã mua tổng cộng 25.631 khoản nợ xấu của 42 tổ chức tín dụng tại Việt Nam, với tổng dư nợ gốc 282.124 tỷ đồng, giá mua nợ là 245.672 tỷ đồng.
Hầu hết nợ xấu VAMC đã nhận từ các tổ chức tín dụng đều có tài sản bảo đảm là bất động sản, hoặc tài sản hình thành từ vốn vay, kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp...
Theo HSBC, Chính phủ đã nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong các ngành công nghiệp kém hiệu quả, yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay trong lĩnh vực bất động sản so với các ngành khác để ngăn chặn các khoản vay hiệu quả thấp.
Kể từ đầu năm đến nay, thương mại, vận tải và viễn thông là những ngành đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, Chính phủ gần đây đã ban hành các biện pháp mới giúp ngân hàng và VAMC dễ dàng hơn trong việc thu hồi tài sản thế chấp từ nợ xấu.