Thừa nhận các doanh nghiệp nhỏ và vừa là động lực quan trọng của phát triển, đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn đánh giá đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong nền kinh tế. Thông điệp về cải cách, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được ông tiếp tục nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Zing.vn.
- Bộ trưởng có bình luận gì về thông điệp Việt Nam và các nước đưa ra cho đến lúc này tại hội nghị Doanh nghiệp nhỏ và vừa của APEC?
- Từ không khí chung của hội nghị cho thấy tất cả các nền kinh tế thành viên APEC đều rất quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, khẳng định vô cùng quan trọng trong các nền kinh tế này. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, xuất nhập khẩu, tạo ra các giá trị.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức như cuộc Cách mạng 4.0, kỷ nguyên số, thế giới thay đổi. Vì vậy, chính phủ và tổ chức cần chung tay hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ sức cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đóng góp nhiều hơn, giải quyết việc làm...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bên lề hội nghị ngày 15/9. Ảnh: Hải An. |
Đến nay, dù chưa nghe được hết phần trình bày của đại diện các nền kinh tế, nhưng bước đầu tôi thấy rằng họ đều đánh giá cao, quan tâm, họ đưa ra các chương trình, sáng kiến rất cụ thể, thiết thực và phong phú, phù hợp trình độ phát triển của các nền kinh tế khác nhau và các loại hình doanh nghiệp khác nhau. Họ đưa ra các mô hình và cách tiếp cận phong phú, từ đó chúng ta có thể chia sẻ để học tập lẫn nhau trong các nền kinh tế thành viên.
- Việt Nam có chương trình nào để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa không, khi cả Thủ tướng và Bộ trưởng sáng nay đều nêu đây là nhóm rất dễ bị tổn thương?
- Những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã được đưa ra và giải quyết ở một số chương trình trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được quốc hội thông qua. Tất cả các chương trình hỗ trợ đều đã được tính đến, những phương án khả thi đã được xây dựng và bắt đầu triển khai.
- Về việc giảm bớt các thủ tục giấy phép thì sao thưa ông? Đây là một trong những chương trình đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư đẩy mạnh.
- Các thủ tục được đặt ra là yêu cầu của quản lý Nhà nước. Chúng ta phải hài hòa giữa việc quản lý nhà nước với việc chấp hành một cách tự giác, minh bạch của các doanh nghiệp. Ta không thể bỏ hết các điều kiện, các công cụ quản lý, nhưng cũng không thể chỉ đưa ra các công cụ đó để cản trở. Những công cụ không cần thiết, chồng giẫm lên nhau hoặc không còn phù hợp thì chúng ta phải bãi bỏ để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý nhà nước. Các thủ tục ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, chi phí, điều kiện gia nhập thị trường và hoạt động của doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch Đầu tư đang được giao nhiệm vụ rà soát lại các thủ tục không cần thiết, không hợp lý. Chúng tôi đang tiến hành việc này một cách hết sức cẩn trọng để đảm bảo phù hợp thể chế, trình độ phát triển, phù hợp văn hóa, thói quen, thực tế các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.
Các đại biểu trong Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC sáng 15/9 tại TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin. |
- Làm thế nào để vượt qua việc một số bộ, cơ quan vẫn muốn giữ lại các thủ tục vì đó là lợi ích của họ?
- Khó nhất là phải vượt qua được chính mình, thay đổi tư duy và cách tiếp cận trong quản lý nhà nước. Chúng ta phải giữ công cụ quản lý, nhưng phải suy nghĩ quản cái gì và như thế nào, mạnh dạn thay đổi cái không còn phù hợp. Mọi sự thay đổi, chắc chắn phải nhằm tốt đẹp hơn, không phải để tình hình xấu đi.