Khi Tết Nguyên đán cận kề, người Việt sinh sống ở nhiều quốc gia châu Á đang tất bật hoàn thành công việc dang dở và chuẩn bị cho ngày đầu năm mới. Nhiều người trong số họ sẽ phải trải qua Tết xa quê.
Chia sẻ với Zing, họ chung nỗi nhớ nhà, người thân, bạn bè hay món ăn mang hương vị cổ truyền Việt Nam. Song tất cả lạc quan, tự tay chuẩn bị món ăn truyền thống, tìm kiếm trải nghiệm mới theo phong tục nước sở tại hay lên kế hoạch dự tiệc cuối năm cùng bạn bè.
Theo lịch âm, năm mới 2023 là năm Quý Mão. Tại quốc gia khác, năm Mão đại diện bởi con thỏ. Việt Nam là quốc gia duy nhất có mèo là con giáp đại diện.
Trung Quốc
Từ Hồ Nam, chị Hoàng An đang chuẩn bị đón Tết xa quê cùng gia đình chồng.
“Có lẽ không ai muốn ăn Tết xa quê vì sẽ rất buồn khi không có người thân bên cạnh. May mắn Tết Nguyên đán ở Trung Quốc cũng trùng với Tết Việt Nam, nên không khí rộn ràng cũng làm tôi vơi đi phần nào”, chị nói.
“Điều tôi nhớ nhất là không khí chuẩn bị trước Tết, với những món ăn Việt Nam, bánh tét hay thịt kho củ kiệu. Gia đình tôi năm nay không thể đón tôi về nhà cũng buồn, nhưng vẫn hy vọng tôi có trải nghiệm thú vị khi ăn Tết xa nhà”, chị An chia sẻ.
Gia đình chị An ở Hồ Nam cũng đón Tết rộn ràng, chuẩn bị các món ăn như bánh tét, thịt kho để đỡ nhớ hương vị quê hương. Chị An kể năm nay chồng chị sẽ tự tay nấu món thịt kho Việt Nam vì anh từng ba lần đón Tết ở Việt Nam.
“Không khi Tết bên này rất náo nhiệt, tấp nập. Từ Tết Dương lịch đến giờ ngày nào cũng có người đốt pháo, mọi người mua sắm trang hoàng cho dịp lễ lớn này”, chị nói.
Chị Hoàng An sinh sống tại Hồ Nam. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ cảm xúc khi được đón cái Tết đầu tiên sau ngày Trung Quốc mở cửa, chị An cho biết bản thân rất hoan nghênh và ủng hộ quyết định này.
“Lúc mới mở cửa, có một vài mặt hàng khan hiếm và bị đội giá. Lúc đầu thuốc Liên hoa thanh ôn hết hàng và người dân phải đi tìm mua ở những địa phương lân cận. Sau đó tình trạng thiếu hụt đã được giải quyết”, chị kể.
Tuy nhiên, sau đó “thuốc trị Covid-19 bị đội giá gấp chục lần và khan hiếm hàng. Đa số người già và người nhiễm nặng cần loại thuốc này”, chị nói thêm.
Theo chị Trang, hiện người dân Hồ Nam đã được tụ tập đông người tại các địa điểm công cộng.
“Tôi vẫn đi dạo phố, ăn uống mỗi ngày. Trong thời gian tới, tôi sẽ đi nhiều nơi hơn, như Trùng Khánh, Thượng Hải, Bắc Kinh,...”, chị nói.
Không khí Tết bên trong một siêu thị ở Bắc Kinh. Ảnh: NVCC. |
Với du học sinh Carin Hứa tại Bắc Kinh, đây là năm thứ 2 chị đón Tết xa nhà.
“Tôi rất muốn đón Tết với gia đình, nhưng do tình hình dịch bệnh và chính sách mở cửa chưa ổn định nên tôi chưa thể về được. Tôi thật sự nhớ nhà, nhớ cảnh cả gia đình cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, cắm hoa đào, quây quần bên nhau ăn cơm tất niên, đón giao thừa. Mỗi người con xa xứ chắc hẳn cũng cùng chung cảm xúc, nhớ nhà, nhớ hương vị Tết”, chị nói.
Ở Bắc Kinh, chị Carin cho biết phong tục đón Tết hầu như giống Việt Nam, với khác biệt duy nhất là món ăn truyền thống. Do đó, chị không gặp khó khăn gì trong việc làm quen với điều này.
Chị cho biết sẽ cùng các bạn du học sinh nước khác đón giao thừa, trang trí phòng, cắm hoa và nấu các món ăn Việt Nam, cũng như lì xì đầu năm. Tuy nhiên, Tết năm nay tại thủ đô Bắc Kinh dường như thiếu tiếng pháo hoa. Một số địa điểm ngoại ô vẫn sẽ tổ chức hoạt động này.
Trung Quốc quyết định mở cửa ngay trước dịp lễ lớn. Ảnh: NVCC. |
“Không như năm ngoái, tình hình dịch bệnh căng thẳng khiến mọi người hầu như không ra khỏi nhà, năm nay không khí Tết rộn ràng náo nhiệt hơn hẳn. Đường phố trang trí hình con thỏ, treo đèn lồng. Mọi người cũng tấp nập mua sắm”, chị Carin chia sẻ.
Chị cho biết mỗi người xung quanh có cách nhìn nhận khác nhau về quyết định mở cửa này. Trước đó, chị biết có nhiều người lo lắng và không dám ra đường. Ngoài ra, khi số ca mắc tăng sau mở cửa, nhiều người xung quanh chị Carin bàn tán về chuyện dự trữ thuốc.
Hình ảnh trạm xét nghiệm ở Bắc Kinh được dỡ bỏ. Ảnh: NVCC. |
“Tôi nhanh chóng đến các hiệu thuốc và cửa hàng online, nhưng đều hết, không còn hàng để bán. Sức mua thật sự kinh khủng. Có nhiều người mắc bệnh mà không mua được thuốc, chủ yếu là loại thuốc hạ sốt Buluofen và Liên hoa thanh ôn”, chị kể lại, nói thêm tình hình này diễn ra phần nào là do người dân, gồm cả người chưa nhiễm, tích trữ quá nhiều thuốc.
Tuy nhiên, khi đợt lây nhiễm đầu tiên qua đi, tâm lý này gần như không còn, chị chia sẻ. Hiện nay, cuộc sống đã bình thường.
Thuốc đầy trên kệ, khi ra đường, xe buýt, tàu điện ngầm và các khu vực công cộng không không cần còn yêu cầu quét mã sức khỏe. Trung tâm thương mại, quán ăn, đường phố đông đúc nhộn nhịp trở lại.
“Tôi cũng đi dạo phố, tụ tập ăn uống cùng bạn bè, đi chơi công viên và tham quan các địa điểm du dịch trong thành phố. Đã rất lâu tôi không đi du lịch, tôi dự định đi Thượng Hải thăm bạn bè”, chị nói về kế hoạch cá nhân.
Hàn Quốc
Với Kim Hằng, vướng bận công việc và tiền vé máy bay trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân khiến chị quyết định đón năm mới tại Seoul. Đi chợ hoa ngày Tết, hay ăn các món truyền thống như lạp xưởng và chả lụa cùng gia đình là những điều chị nhớ nhất mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chị Hằng cho biết thông thường, Hàn Quốc đón Tết âm lịch trong ba ngày 30, mùng 1 và mùng 2. “Không khí đón Tết của Hàn cũng nhộn nhịp, nhưng không bằng Việt Nam. Mọi người không ăn Tết Âm lịch quá lớn. Hồi khi mới sang, tôi cảm thấy lạ vì điều này, nhưng bởi ở Hàn Quốc, Tết Trung thu mới là dịp quan trọng nhất”, chị chia sẻ.
Chị Kim Hằng sinh sống tại Seoul. Ảnh: NVCC. |
Theo chị Hằng, các gia đình Hàn Quốc có bày biện một mâm cỗ Tết giống như Việt Nam, gồm kim chi, bánh gạo, canh tteokguk và các món cheon khác nhau. Ngoài ra, đường phố Hàn Quốc cũng không trang trí nhiều màu đỏ, chủ yếu là hình con thỏ và dây kim tuyến.
Năm nay, chị Hằng sẽ đón Tết cùng với chị gái và bạn bè. Trong đêm giao thừa, chị sẽ tham dự tiệc cuối năm, còn mùng 1 sẽ tới những quán ăn Việt Nam hoặc địa điểm trang trí đẹp để chụp ảnh. Ngoài ra, nhóm của chị Hằng cũng sẽ nấu lẩu cùng chả lụa, thịt kho.
Chị cho biết hội người Việt mọi năm đều có hoạt động phát bánh chưng, còn năm nay có hoạt động đón Tết chung dành cho cá nhân không về Việt Nam.
Malaysia
Chị Phạm Thị Linh Trang - 27 tuổi - cho biết không khí Tết đã tràn ngập các siêu thị ở Malaysia từ nhiều tuần nay.
“Tất cả siêu thị lớn đều trang trí nhiều đèn lồng, hoa đào và cây quất giả. Người dân ăn Tết rất náo nhiệt. Tôi được nghỉ từ 30 đến hết mùng 6”, chị nói. Năm nay, chị lựa chọn đón Tết ở quê nhà.
Tết Nguyên đán là một trong những lễ hội mang ý nghĩa tôn giáo và văn hóa quan trọng với Malaysia - nơi có hơn 20% dân số là người gốc Trung Quốc, theo thống kê của Statista.
Theo chia sẻ của chị Trang, người dân Malaysia thường mua sắm đồ đạc trang trí đến chiều 30. Những người gốc Hoa ở đây cũng chuẩn bị đón Tết. Đến khoảng 18h chiều 30, các cửa hàng hầu như đã đóng cửa.
“Chiều tối ngày cuối năm, tôi đi khắp đường phố nhưng gần như không còn quán nào mở cửa. Tôi vẫn nhớ khi đi mua gà thắp hương vào chiều 30 Tết năm ngoái, nhưng không thể tìm được quán nào”, chị nói.
Chị Trang cũng cho hay vào dịp Tết Nguyên đán, siêu thị ở Malaysia thường bày bán rất nhiều cây quất.
“Giá cây không chênh lệch nhiều so với Việt Nam, khoảng 89 ring (tương đương 500.000 VNĐ) cho một cây quất cao đến ngang đầu gối. Tuy nhiên, người dân địa phương dường như không trưng bày cây quất trong nhà”, chị nói.
“Thay vào đó, họ trang trí những loại cây như lộc vừng, cây thần tài, hay nụ tầm xuân. Năm ngoái, tôi cũng mua nụ tầm xuân để trang trí trong nhà”, chị kể.
Ngoài ra, người dân địa phương thường trang trí theo kiểu người Hoa, với câu đối, đèn lồng. “Pháo hoa nổ rầm rộ nhất là vào ngày 30. Khi mở hàng dịp đầu năm, hầu như cửa hàng nào cũng múa lân rất náo nhiệt”, chị chia sẻ.
Chị Trang cùng bạn bè đi chùa dịp đầu năm 2022 ở Malaysia. Ảnh: NVCC. |
Mỗi dịp Tết Nguyên đán, sắc đỏ lại tràn ngập đường phố hay các siêu thị. “Đồ trang trí ở đây hầu như toàn màu đỏ. Trong lễ đón giao thừa và ngày đầu năm, nhiều người bạn của tôi chọn mặc màu đỏ để lấy may. Người dân đi chùa đầu năm rất đông, đặc biệt là người gốc Hoa”, chị cho hay.
Tương tự Việt Nam, người dân Malaysia cũng có truyền thống sum vầy cùng gia đình, thắp hương, đốt vàng mã.
“Những người bạn Malaysia thường tụ họp cùng gia đình vào ngày 29-30 và phát hồng bao (lì xì) vào những ngày đầu năm”, chị nói.
Tuy nhiên, chị Trang nhận thấy một điểm khác biệt khiến dịp Tết Nguyên đán ở Malaysia mang lại cảm giác khác so với Việt Nam. “Malaysia không có mùa đông. Ngược lại, dịp Tết ở Hà Nội thường rơi vào lúc thời tiết se lạnh, thậm chí rét đậm. Quốc gia này cũng không có hoa đào như Việt Nam, cây đào trang trí ở siêu thị đều là cây giả”, chị nói.
Ngoài ra, người dân Malaysia cũng có loại bánh lạ mắt, gần giống bánh chưng vào dịp Tết.
“Loại bánh này được gói thành hình tam giác, bên trong có gạo nếp, táo đỏ, nhân thịt hoặc nhân đậu đỏ, và không to như bánh chưng. Lần đầu tiên đón tết ở Malaysia, tôi đã mang bánh chưng từ Việt Nam đến mời bạn bè, mọi người đều ngạc nhiên vì kích cỡ chiếc bánh”, chị kể.
Nhớ lại Tết 2022, chị Trang chia sẻ điều khiến chị nhớ nhất là cảm giác nhớ nhà, đặc biệt là khi thấy không khí Tết tràn về đường phố Malaysia.
“Khi gọi điện cho cha mẹ để báo không thể về nhà, tôi vẫn khá bình tĩnh. Nhưng vào thời khắc giao thừa, nghe tiếng pháo nổ xung quanh, tôi cảm thấy nhớ nhà và chỉ muốn bật khóc. Tôi cảm thấy tủi thân, không biết gia đình đang làm gì. Tôi chỉ có thể gọi điện cho em gái để chung vui từ xa”, chị nhớ lại.
Indonesia
Do vướng công việc và những dự định cá nhân, chị Anh Thư sẽ trải nghiệm Tết Nguyên đán đầu tiên tại Jakarta.
“Trước đó, tôi đã sinh sống ở Indonesia gần 4 năm trong khoảng thời gian 2015-2019, nhưng ở một thành phố khác. Do đó, chuyện về hay không vào dịp Tết không phải là vấn đề quá lớn với tôi”, chị chia sẻ. Lần này chị quay lại Indonesia là để đi công tác.
Dẫu vậy, do là con người sống thiên về gia đình và “yêu Hà Nội”, mới xa nhà 7-8 tháng đã khiến chị Thư rất nhớ nhà. Mỗi khi Tết tới xuân về, điều chị nhớ nhất là khung cảnh đông vui, nhộn nhịp và tấp nập tại Hà Nội.
“Ở Jakarta, điểm khác biệt lớn phải kể tới là thời tiết không giống như ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra, dù có không khí Tết, thủ đô Indonesia cũng không quá nhộn nhịp giống như ở Việt Nam”, chị nói.
Chị Thư cho biết hiện tại, Jakarta trang hoàng đường phố và trung tâm thương mại, và “lộng lẫy nhất là ở khu phố người Hoa với đèn lồng, pháo hoa và trang trí thiên về màu đỏ”.
Jakarta trang hoàng chung cư, đường phố và trung tâm thương mại đón Tết Nguyên đán. Ảnh: NVCC. |
Chị Thư nhận ra sự khác biệt giữa cách đón Tết ở Jakarta và thành phố chị học tập trước đó. Chị từng gặp một số khó khăn khi muốn ăn Tết Việt Nam khi mới sang thành phố này.
“Khi đó, tôi không biết nhiều về văn hóa ngoài thông tin Indonesia là đất nước đạo Hồi. Do đó, khó khăn đầu tiên là tìm nguyên liệu, trong đó có thịt lợn, khi tôi muốn làm các món ăn cổ truyền như nem gần như là khó”, chị nói.
Ngoài ra, “khi đó, thành phố tôi sống có cộng đồng người Trung Quốc nhỏ, nên gần như chỉ có mấy anh em học tập cùng khu ăn Tết với nhau, chứ không khí không bằng được Jakarta”, chị nói thêm.
Chị Thư cho biết Indonesia nghỉ Tết âm lịch ngắn ngày, tuy nhiên nhiều đồng nghiệp Việt Nam của chị đã về quê ăn Tết. Trong đêm giao thừa chị sẽ dành thời gian gọi điện cho gia đình và thực hiện một số phong tục giống ở Việt Nam, như dọn dẹp nhà, nấu một số món và đợi pháo hoa.
“Ngày còn lại, nếu sắp xếp được thời gian, tôi sẽ qua nhà người thân quen thăm hỏi và chúc Tết”, chị nói.