Vui mừng, phấn chấn, vỡ òa, sung sướng hay hạnh phúc là những gì người Việt cảm nhận khi họ nghe tin Trung Quốc hoàn toàn mở cửa với thế giới sau 3 năm chống dịch Covid-19, từ ngày 8/1.
“Khi đọc thông tin từ chính phủ, bản thân tôi cùng nhiều người xung quanh, cũng như người dân Trung Quốc, cảm thấy vui mừng và phấn chấn. Cuối cùng sau 3 năm, chiến dịch Zero Covid-19 cũng có điểm dừng, 3 năm chống dịch có hồi kết, mở ra trang mới cho nền kinh tế”, chị Thu Trang - người Việt sinh sống tại Quảng Châu - nói với Zing.
Chị Trang cho biết nhiều người đánh giá mở cửa biên giới là quyết định được mong đợi. “Người quen của tôi đang đợi các nước cấp thêm visa du lịch để đi chơi. Nhiều người bạn Trung Quốc nói sắp tới lại có thể đến Nha Trang, Phú Quốc. Họ cũng mong Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2023 có thể thoải mái giao thương như hồi chưa có dịch”, chị chia sẻ.
Cùng chung cảm nhận, chị Niệm Quang - chủ quán ăn ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây - đã “vỡ òa vì sung sướng và hạnh phúc” trước thông tin biên giới mở cửa.
“Những ngày tháng phong tỏa - khi tất cả hàng quán, chợ đóng cửa, mọi người ở yên trong nhà, xếp hàng dài chờ xét nghiệm Covid-19 suốt vài tiếng đồng hồ - đã khép lại”, chị Niệm Quang hồ hởi.
Từ ngày 8/1, người dân Trung Quốc có thể xuất nhập cảnh mà không phải đối mặt với các hạn chế Covid-19 sau 3 năm. Những người bay tới Trung Quốc lần đầu được phép về thẳng nhà hoặc ghé thăm các nhà hàng và địa điểm khác kể từ tháng 3/2020.
Quyết định này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hoàn tất chính sách phòng dịch Zero Covid-19 được Trung Quốc áp dụng suốt 3 năm qua, South China Morning Post đưa tin.
Cuộc sống 3 “không” trở lại
Chị Niệm Quang vẫn nhớ khoảng thời gian phải sống trong cảnh cách ly và phong tỏa kéo dài.
“(Khoảng thời gian đó) thật sự căng thẳng. May mắn tôi chưa mắc Covid-19 lần nào, nhưng một số bạn của tôi đã mắc. Trong thời gian chưa gỡ phong tỏa, tôi và mọi người đều lo ngại căn bệnh này. Khi có một người có xét nghiệm dương tính, cả khu vực sẽ bị hạn chế về nhiều mặt”, chị kể lại.
Khu phố đi bộ Shangxia jiu, ở Quảng Châu, sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa. Ảnh: NVCC. |
Chị cho biết khi đó chính quyền địa phương sẽ truy vết theo mã và thông tin di chuyển của người bệnh, “từng chuyến xe, tàu, nhà ga và yêu cầu xét nghiệm liên tục trong một tuần, nếu không phát hiện ca mắc mới thì tình trạng phong tỏa mới chấm dứt”.
Ngoài ra, khi muốn vào chợ, siêu thị hay công viên,… người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 24-48 giờ, đồng thời bị kiểm tra cả thông tin di chuyển.
“Nếu không sống trong tâm dịch, mấy ai hiểu được cảm giác phải chắt chiu từng bó rau, miếng thịt, mấy quả ớt thôi cũng lên đến vài tệ. Cũng may, chính quyền hỗ trợ phân phối thịt, rau củ và nước uống cho vùng tâm dịch. Song dù không phải lo thiếu đồ ăn, tôi bị stress vì phải ở nhà quá nhiều”, chị nói.
Trong khi đó, gia đình nhỏ ba người của chị Thu Trang đều từng mắc Covid-19. Gia đình chị nhiễm bệnh vào đúng thời điểm dịch Covid-19 ở Trung Quốc được cảnh báo sẽ rơi vào giai đoạn căng thẳng.
“Vào thời điểm biết tin nhiễm virus, vợ chồng tôi cũng không sợ hãi và lo lắng, vì thuốc hay cách chăm sóc cơ thể khi mắc bệnh đều đã chuẩn bị trước”, chị nói. Trong thời gian đó, nếu muốn mua đồ thiết yếu, chị Trang sẽ mua online và được vận chuyển hàng tới tận cửa.
Chị Trang kể rằng từ khoảng giữa tháng 12/2022, bệnh viện gần chung cư gia đình chị sinh sống thông báo nếu ai mắc Covid-19, có thể đến viện khám và lấy thuốc.
“Tuy nhiên, người bệnh sẽ không cần lấy số để vào trong khu vực sốt cao như ngày trước. Họ gần như đánh giá Covid-19 giống bệnh cảm cúm thông thường. Ngoài ra, ai có bệnh nền vẫn có thể đến viện lấy số và điều trị như bình thường”, chị nói.
Ngoài ra, chị cũng cho biết thêm đây là khoảng thời gian có hiện tượng quầy thuốc trống trơn, và các ứng dụng yêu cầu mỗi người chỉ được mua giới hạn số lượng. Do có thói quen chuẩn bị thuốc từ lâu, nên khi mọi người lo tích trữ, gia đình chị Trang “khá ung dung bình thản” không lo thiếu thuốc.
Khu phố đi bộ Beijing Lu, ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: NVCC. |
Với chị Niệm Quang, sau khi các rào chắn ở khu chung cư và lối đi được dỡ bỏ, cảm giác bí bách trong người dường như cũng biến mất.
“Giờ đây, tôi không phải chịu cảnh xếp hàng dài chờ xét nghiệm nữa. Bệnh viện, chợ, siêu thị hay các khu vực đều không còn phải quét mã. Nhà ga tàu điện nhộn nhịp, đông đúc trở lại”, chị mô tả.
Từ Quảng Châu, chị Trang cũng cho biết sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, những ngày “bình thường” đang dần quay trở lại với 3 “không”: Không phong tỏa, không xét nghiệm và không quét mã QR theo dõi sức khỏe hay hành trình đi lại. Các điểm xét nghiệm lưu động cũng gần như biến mất hoàn toàn.
“Mọi người có thể đến quán gọi đồ ăn chứ không bị hạn chế chỉ tới mua mang đi như ngày trước. Các chuyến tàu điện ngầm và phương tiện công cộng cũng dần khôi phục và hành khách chỉ cần đeo khẩu trang. Tôi đưa con đi chơi bằng phương tiện công cộng, thấy mọi người có ý thức đeo khẩu trang nên cũng không lo lắng sẽ bị tái nhiễm”, chị nói.
“Ngay lập tức nghĩ về Việt Nam”
Theo chia sẻ của chị Thu Trang, khi nghe thông tin Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn ngày 8/1, chị và chồng đã “ngay lập tức nghĩ phải về Việt Nam ăn Tết”.
“Ba năm sống trong đại dịch, chúng tôi chỉ được nhìn người thân qua video. Khi nghe tin này, chúng tôi biết đã đến lúc xách hành lý và về nhà đón Tết được rồi. Những cuộc hẹn với bạn bè vốn phải trì hoãn bấy lâu, nay đã có thể thực hiện”, chị nói với Zing.
“Sinh hoạt và công việc của tôi trước mắt đã trở lại nhịp sống ban đầu. Sau 3 năm có Covid-19, mọi người nhận ra không gì quý hơn sức khỏe. Họ đều ý thức đầu tiên phải bảo vệ sức khỏe bản thân, sau đó bảo vệ sức khỏe người thân”, chị nói, chia sẻ thêm đến bất kỳ đâu chị cũng đeo khẩu trang và khử trùng khi về nhà.
Một toa tàu ở Quảng Châu, sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn. Ảnh: NVCC. |
Với chị Trang, điều tiếc nuối nhất trong 3 năm qua là hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, các hội nghị cũng bị đình trệ. “Khi có thông tin dỡ bỏ phong tỏa, tôi hy vọng năm 2023 mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Trung sẽ có sự khởi sắc”.
Ngoài kế hoạch đưa con về Việt Nam ăn Tết, chị Trang dự định du lịch ở những nước lân cận để bù đắp 3 năm ở nhà. “Trước đây, tôi thường về Việt Nam 1-2 lần để đi du lịch cùng gia đình, hoặc đi Thái Lan và Philippines. Tôi mong sắp tới cũng có cơ hội như vậy”, chị Trang nói.
Tuy nhiên, chị Trang cho biết hiện số chuyến bay thẳng từ Quảng Châu về Hà Nội ít với giá vé rất cao. Do đó, gia đình chị đang chờ thêm xem có chuyến bay nào, hoặc sẽ lựa chọn quá cảnh ở Hong Kong để tối ưu chi phí.
Trong khi đó, với chị Niệm Quang, việc đầu tiên chị muốn làm là đi thăm người thân, bạn bè sau hơn 3 năm bị hạn chế đi lại.
“Sắp tới, về thăm người thân ở Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tiếp đó, tôi muốn cùng chồng con đi Thành Đô, Vân Nam du lịch, trước khi bắt tay vào công việc kinh doanh”, chị nói.
Song chị Niệm Quang cho rằng niềm vui cũng đi kèm nỗi lo. “Số ca mắc có thể gia tăng sau khi các lệnh phong tỏa bị gỡ bỏ. Chỉ trong một tuần, nhiều người - bao gồm cả người già và trẻ sơ sinh - mắc bệnh, khiến các hiệu thuốc ban đầu chưa thể đáp ứng kịp các loại thuốc hạ sốt”, chị nói.
Cũng theo lời chị Niệm Quang, bên cạnh nhiều người muốn ra ngoài đi đây đi đó sau thời gian buộc phải ở trong nhà quá lâu, cũng có những trường hợp xuất hiện tâm lý ngại ra ngoài vì muốn tránh nhiễm bệnh.
Ngoài ra, chị cho rằng thời gian phong tỏa cũng ảnh hưởng đến kinh tế. “Thu nhập giảm khiến đời sống, cũng như cách chi tiêu của người dân thay đổi nhiều. Gia đình tôi cũng vậy, phải đắn đo hơn khi mua sắm”, chị cho hay.
Theo chị Niệm Quang, quán ăn của chị ít khách hơn vì nằm đối diện trường đại học, sinh viên không được phép ra ngoài, phải ăn uống sinh hoạt trong khuôn viên trường. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, rau củ quả tăng giá.
“Nhiều lúc tôi như bị khủng hoảng về mặt tinh thần và kinh tế. Có lẽ sẽ mất một thời gian dài để lấy lại cân bằng như năm 2019”, chị nhận định.
Sự bùng nổ của Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả cuốn sách “Sự bùng nổ của Trung Quốc” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản tháng 4/2021. Cuốn sách được kết cấu thành 2 phần, bắt đầu với việc phác thảo bối cảnh lịch sử diễn ra sự bùng nổ tư bản (vốn) của Trung Quốc và cơ cấu tổ chức xã hội - chính trị những năm 1980 dẫn tới sự bùng nổ này.