Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Người Việt xa xứ: 'Năm 2023, tôi muốn thành phiên bản tốt hơn năm cũ'

Năm 2022 chính thức khép lại, mở ra năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với người Việt tại nước ngoài, họ vẫn tin tưởng vào những cơ hội và chặng đường mới.

Năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc, xuất phát từ dư âm lạm phát kỷ lục, buộc các gia đình siết chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, bất chấp khó khăn trước mắt, nhiều người Việt sinh sống tại các nước trên thế giới vẫn lạc quan cho năm mới 2023.

Đối với họ, thời điểm chuyển giao sẽ mở ra cơ hội mới, khi những khó khăn từng cản bước chính thức lùi lại. Với năm 2023, người Việt xa xứ chia sẻ với Zing hy vọng lớn nhất là hoàn thành những ước mơ còn dang dở hay đạt được bước tiến mới trong sự nghiệp.

Ngoài ra, với những người chưa có cơ hội thăm nhà, 2023 thắp lên hy vọng về sự đoàn tụ.

Trung Quốc

Trong năm 2023, chị Nguyễn Huyền Trang - phiên dịch viên ở Thượng Hải - mong muốn học hỏi và hoàn thiện bản thân, “trở thành phiên bản tốt hơn so với năm cũ”.

“Đối với gia đình, tôi hy vọng năm nay có thể đoàn tụ với gia đình tại Việt Nam để con gái có cơ hội thăm quê. Về công việc, tôi sẽ cố gắng làm tốt vai trò kết nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp hai bên”, chị chia sẻ.

Dù trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, chị Huyền Trang vẫn luôn lạc quan với những kế hoạch sắp tới trong cả hai vai trò: Làm mẹ và xây dựng sự nghiệp.

“Là người luôn phải cân bằng công việc và gia đình, tôi học được cách cố gắng làm việc nhanh mà hiệu quả, tổ chức sắp xếp công việc chỉn chu nhất và lập kế hoạch cụ thể cho mục tiêu mới”, chị nói.

nguoi viet don nam moi anh 1

Chị Trang và chồng. Ảnh: NVCC.

Hàn Quốc

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Yến - đang học tập và làm việc tại Seoul, điều khiến chị nhớ nhất trong năm 2022 là “được tham gia concert của thần tượng” và đạt được “kết quả ngoài mong đợi” trong kỳ thi tiếng Hàn.

Tuy nhiên, chị cho biết “gần đây tình trạng lạm phát ở Hàn Quốc vẫn chưa giảm, vật giá leo thang nhanh chóng, thứ duy nhất không tăng là lương”.

Vì vậy, chị hy vọng được tăng lương trong năm tới: “Hiện tại, mức lương cơ bản là 9.160 won/h. Người lao động đang yêu cầu tăng lên 10.000 won/h. Tôi cũng có nguyện vọng tương tự”.

Chị Yến cũng dự định đến những địa điểm chưa được tham quan trong năm mới sắp tới.

“Mặc dù dịch Covid-19 chưa kết thúc, người dân Hàn Quốc đã được đi lại thoải mái hơn và không còn nhiều quy định giãn cách. Do đó, tôi sẽ đến những địa điểm từng bị cấm khi đại dịch bùng phát, chẳng hạn công viên nước hay khu vui chơi”, chị Yến chia sẻ.

nguoi viet don nam moi anh 2

Chị Nguyễn Yến ngắm bình minh ở Busan dịp đầu năm 2022. Ảnh: NVCC.

Nhật Bản

Anh Phạm Thành Đạt, ở Hamamatsu, cho biết 2022 là một năm “hạnh phúc, may mắn” nhưng cũng “vất vả”. Điều khiến anh nhớ nhất là “tình cờ gặp vợ và vượt qua nhiều khó khăn để đến được với nhau”.

Song những kế hoạch nối tiếp nhau quá sát thời gian khiến anh cảm thấy áp lực và phải thay đổi để phù hợp hơn. Dịch Covid-19 ở Nhật và tình trạng vật giá leo thang cũng đồng nghĩa anh phải cẩn trọng hơn trong việc mua sắm.

Về kế hoạch năm tới, anh Đạt dự định “rời Nhật về Việt Nam nghỉ ngơi sau một thời gian dài làm việc”. Nếu kinh tế Nhật Bản khá hơn và gia đình muốn quay lại, anh sẽ cân nhắc lựa chọn này.

Với chị Ngọc Phương sống tại Fukuoka, năm 2022 là một năm “nhiều thay đổi” trong công việc, cuộc sống cũng như học hành. Những thứ này đều đến như “cái duyên”, dù trước đó chị không hề có ý định.

Là nhân viên kiểm định chất lượng sản phẩm của một công ty chuyên sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử, “với nỗ lực và cố gắng hết mình, tôi đã được công ty công nhận. Đặc biệt khi là người Việt sống trên đất Nhật, tôi lại càng hãnh diện. Đó chính là thành tựu lớn nhất với tôi trong năm 2022”.

Tuy nhiên, năm 2022 cũng có nhiều nỗi buồn với chị Phương.

“Năm qua, tôi mất đi 2 người thân. Ba tôi mất vì Covid-19. Tuy nhiên, do hạn chế đi lại, tôi đã không thể về tang ba. Điều này khiến tôi rất buồn. Với mẹ chồng, bản thân là con dâu ngoại quốc, bà đỡ đần tôi rất nhiều. Bà mất đi khiến tôi không khỏi hụt hẫng”, chị chia sẻ.

Trong năm 2023, kế hoạch lớn nhất với chị Phương là sắp xếp về Việt Nam. Tuy nhiên, giữa tình hình lạm phát và đồng yen mất giá, chị cần xem xét kỹ.

“Tiền lương 2 vợ chồng vẫn vậy và không có thêm khoản thu nhập nào khác. Tôi có 3 đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn nên cũng tốn kém hơn. Tôi sẽ cần vun vén và tiêu pha có tính toán hơn trước”, chị nói.

“Tôi cũng có gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, đồng yen xuống thấp khiến số tiền gửi về không còn được nhiều như trước”, chị nói thêm.

Dịch Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh với chị Phương. “Dù năm nay đi lại thoải mái hơn, số ca mắc ở Nhật đang tăng lên mỗi ngày. Tôi mong Covid-19 sẽ được kiểm soát”, chị chia sẻ, nhớ lại những bất tiện mà Covid-19 gây ra cho gia đình chị trong năm nay, khi cả nhà bị cách ly.

Đêm giao thừa năm nay, chị Phương và gia đình quây quần xem bắn pháo hoa trên TV và cùng ăn mỳ soba theo truyền thống của Nhật Bản.

Australia

Đối với anh Phan Duy - sinh viên Đại học La Trobe, ba từ để mô tả năm 2022 là “bất ngờ”, “thú vị” và “hoàn hảo”. “Tôi thực hiện được một số kế hoạch cá nhân đặt ra từ những năm trước khi đặt chân đến Australia”, anh chia sẻ.

Tuy nhiên, cuộc sống du học sinh không phải lúc nào cũng màu hồng. Anh Duy từng gặp phải những khó khăn về kinh tế, do một số chính sách cách ly cũng như hạn chế trong cộng đồng nên thời gian đầu tới Australia.

Cùng chung mong mỏi với nhiều du học sinh khác, anh Duy mong bản thân sẽ sớm tốt nghiệp để có thể trải nghiệm trọn vẹn “xứ sở Kangaroo”.

“Trong tương lai, tôi dự định cố gắng tốt nghiệp sớm nhất có thể để trải nghiệm một chương mới tại Australia, chẳng hạn làm việc toàn thời gian hay du lịch khắp cả nước”, anh Duy chia sẻ.

nguoi viet don nam moi anh 4

Anh Phan Duy hiện là sinh viên Đại học La Trobe, Australia. Ảnh: NVCC.

Ba Lan

Chị Nhã Phương - sinh sống tại Krakow - cho biết năm 2023 lại là một năm ăn Tết nguyên đán xa nhà. “Kế hoạch về Việt Nam ăn Tết của tôi phải hủy bỏ do thẻ xanh hết hạn và cần phải đáo hạn mất 6-8 tháng. Do đó, chậm nhất là tháng 8 năm sau tôi mới về được”, chị nói.

Trong năm 2023, mục tiêu hàng đầu với chị Phương là cải thiện ngôn ngữ để đi làm.

Ngoài ra, chị cũng dự định học khóa thiết kế đồ họa.

“Vì chồng tôi là người đam mê du lịch, nên nếu cả 2 vợ chồng cùng làm cố định thời gian thì rất khó sắp xếp. Sau khi học thiết kế đồ họa, tôi có thể làm việc trên máy tính ở mọi nơi”, chị nói thêm.

Trước những dự báo u ám về nền kinh tế thế giới năm 2023, chị Phương cho rằng “chuyện kinh tế năm sau khó khăn là vấn đề chung và khó tránh khỏi”.

“Hiện tại, vợ chồng tôi chưa gặp vấn đề về tài chính. Nếu tình hình khó khăn, gia đình tôi sẽ hạn chế đi du lịch và đi ăn, đi chơi”, chị nói.

Mỹ

Chị Nguyễn Hằng - sinh sống tại Seattle, Washington - cho biết một trong những điều khiến chị tự hào nhất trong năm qua, cũng như dấu mốc lớn sau 4 năm sống tại Mỹ, là việc có thẻ xanh và mua được nhà.

“Lần đầu đặt chân đến nước Mỹ, tôi cảm thấy mình là một vị khách. Khi bắt đầu cuộc sống với nhiều mối quan hệ, kết nối thêm với nhiều người, đặc biệt là sau khi có thẻ xanh và mua được nhà, tôi mới có cảm giác thuộc về nơi này. Điều đó khiến tôi hạnh phúc hơn”, chị nói.

Về công việc, chị Nguyễn Hằng tự hào vì đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận truyền cảm hứng và tạo động lực cho các sinh viên Việt Nam tham gia thị trường công nghệ ở Mỹ.

“Khi tham gia những hoạt động này, tôi mới nhận ra có rất nhiều người Việt ở Mỹ (làm việc) trong lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, có nhiều người giữ vị trí quản lý cấp cao trong các công ty công nghệ lớn”, chị nói.

Trước kỳ nghỉ lễ cuối năm, khu vực chị Hằng sống chịu ảnh hưởng từ trận bão tuyết lịch sử. Cơn bão như khiến mọi thứ “ngưng trệ”, những chuyến du lịch cuối năm cũng gặp nhiều trở ngại vì “hàng nghìn chuyến bay bị hủy”, chị cho biết.

“May mắn chuyến bay của tôi khởi hành một tuần sau bão nên không bị hủy. Tuy nhiên, một người bạn của tôi - cũng là người duy nhất có thể lái xe trong nhóm - bị hủy chuyến bay sát ngày. Bạn tôi phải tìm một chuyến bay khác và trả giá vé cao hơn, tới 600 USD/chiều”, chị kể lại.

Về dự định trong năm 2023, chị Hằng chia sẻ mục tiêu lớn nhất là chinh phục nhiều địa điểm và dành thời gian cho gia đình.

“Trong năm qua, vì không có thẻ xanh, tôi chưa có cơ hội đến nhiều nước khác. Do đó, năm nay tôi muốn chinh phục nhiều thành phố, địa điểm mới, chẳng hạn Australia, Nhật Bản”, chị nói.

“Đặc biệt, tôi chưa có dịp về Việt Nam gặp gia đình, một phần do các chuyến bay còn hạn chế. May mắn, vào dịp Tết Âm lịch sắp tới, tôi sẽ được về nhà sau hơn 2 năm. Trước giờ, tôi vẫn luôn là người tập trung vào sự nghiệp, nhưng năm tới sẽ là năm tôi ưu tiên gia đình nhiều hơn”, chị chia sẻ.

Trước dự báo kinh tế ảm đạm trong năm 2023, chị Hằng cho biết bản thân sẽ cần “thắt lưng buộc bụng” để thích ứng.

Theo chị Hằng, vào năm 2021, đại dịch vẫn còn giữ chân mọi người. Nhưng đến năm 2022, các chuyến bay được nối lại, mọi người không còn phải lo lắng nhiều về dịch bệnh, họ có nhiều chuyến đi và kết nối với bạn bè nhiều hơn.

Trong năm qua, chị Hằng chi tương đối cho những chuyến đi cùng bạn bè như đến Hawaii, Las vegas,... “Năm vừa rồi là một năm tôi tiêu tiền có phần hoang phí, do tâm lý sau đại dịch”, chị nói.

“Tôi vẫn luôn là người tiết kiệm và chỉ sẵn sàng chi tiêu cho trải nghiệm. Đối với mỗi thời điểm, tôi sẽ có ưu tiên và điều chỉnh dựa theo tình hình kinh tế. Và trải nghiệm cũng không nhất thiết phải là những thứ đắt đỏ”, chị cho hay.

nguoi viet don nam moi anh 7

Nhiều người chủ động tính toán khi tiêu xài trước những dự báo kinh tế không mấy lạc quan trong năm 2023. Ảnh: Reuters.

Từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu cảnh báo về tình hình kinh tế ảm đạm, tác động đến thị trường chứng khoán, chị Hằng bắt đầu lo lắng.

“Tôi sẽ cố gắng duy trì cuộc sống vừa đủ, vẫn có thể ăn những món mình thích hay mua những thứ mình muốn, tuy nhiên không thể ‘bung lụa’ như năm trước. Chẳng hạn, tôi sẽ giảm bớt tần suất du lịch và tập trung vào những mối quan hệ thân thiết, người mà mình yêu thương”, chị Hằng nói.

Từ Brooklyn, New York, chị Quỳnh Đặng cũng chia sẻ trước dự báo suy thoái kinh tế, “tôi chủ động tích lũy tài chính và thắt lưng buộc bụng để đề phòng”.

Trong năm 2022, chị Quỳnh gặp một số vấn đề sức khoẻ và phải gác lại mọi thứ để tập trung chăm sóc bản thân.

"Điều khó khăn nhất với tôi có lẽ là học cách chấp nhận và thích ứng với các vấn đề sức khỏe. Tôi phát hiện ra khá nhiều bệnh, trong đó gây trở ngại nhất là vấn đề về mắt. Công việc lại đòi hỏi nhìn màn hình máy tính liên tục. Do đó, tôi tập trung vào việc chữa bệnh và thử các loại thuốc hay liệu pháp khác nhau”, chị nói.

Với chị Quỳnh, năm 2022 là một năm của sự “chữa lành, nghỉ ngơi, suy ngẫm”.

"Điều làm tôi nhớ nhất trong năm qua có lẽ là lần cùng với các bạn thanh niên Việt Nam và Việt kiều giao lưu với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5, nhân dịp Thủ tướng công du New York”, chị chia sẻ.

Chị Quỳnh cũng tự hào nhận được danh hiệu “nhân viên xuất sắc năm thứ 3 liên tiếp”.

Về kế hoạch sắp tới, chị cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi việc học thạc sĩ.

“Năm 2021, tôi trúng tuyển chương trình Thạc sĩ ngành Vận trù học (Operations Research - một nhánh của Toán Ứng dụng) của Đại học Columbia và Đại học Cornell, nhưng tiếc là phải tạm gác lại. Năm 2023 tôi dự tính nộp đơn học thạc sĩ”, chị nói.

Màn pháo hoa rực rỡ ở cảng Victoria Hàng chục nghìn người ở Hong Kong (Trung Quốc) đã tập trung gần cảng Victoria để đếm ngược và chứng kiến màn bắn pháo hoa hoành tráng nhằm chào đón năm mới 2023.

Những cuốn sách Việt Nam rạng danh ở thế giới ​

Mục Thế giới xin giới thiệu những cuốn sách làm rạng danh Việt Nam trên thế giới. Bên cạnh những tác phẩm kinh điển như “Truyện Kiều”, “Nhật ký trong tù”, Việt Nam vẫn ghi dấu ấn riêng trong nền văn học thế giới bằng những cuốn sách văn học hiện đại.

Độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Người Việt xa xứ: 2022 đi nhiều, nhưng không chuyến nào bằng về nhà

Sau gần 3 năm đi lại quốc tế gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, năm 2022 có lẽ là năm của sự đoàn tụ. Điều này mang đến niềm vui lớn cho nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài.

Cuộc hẹn không thể bỏ lỡ với mùa đẹp nhất trong năm

Đối với nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài, mùa thu là thời điểm đẹp nhất trong năm. Họ hoàn toàn bị mê hoặc bởi tiết trời se lạnh và khung cảnh ngập trong sắc vàng, sắc đỏ.

Phương Hải Vân

Bạn có thể quan tâm