Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Nỗi lo lớn từ những xác tàu chiến lộ ra giữa lòng sông châu Âu

Hạn hán kết hợp với nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè này khiến sông ở châu Âu cạn trơ đáy, để lộ nhiều tàn tích. Điều đó phản ánh biến đổi khí hậu đang xảy ra nhanh hơn dự kiến.

han han o chau Au anh 1

Những khối kim loại rỉ sét từ một chiếc xe bán tải cũ nằm ngổn ngang dưới ánh nắng mặt trời. Cửa sổ, lốp xe, nội thất và nhiều bộ phận khác của nó đã bị hỏng từ lâu, theo New York Times.

Chiếc xe đó nằm trên tàn tích của Aceredo, một ngôi làng cổ ở phía tây bắc Tây Ban Nha. Ngôi làng này từng bị nhấn chìm ba thập kỷ trước, khi một đập thủy điện làm ngập thung lũng này.

Giờ đây, vì hạn hán dai dẳng, nhiều người có thể đi bộ tham quan ngôi làng ma quái này.

Trên khắp châu Âu, những ngôi làng, tàu và cầu từng bị nhấn chìm - một số có niên đại hàng nghìn năm - đã "tái xuất" trong năm nay khi các con sông và hồ chứa cạn nước.

Phần lớn lục địa này đang phải đối mặt với hàng loạt đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán tàn khốc. Các nhà khoa học cho rằng hai hiện tượng này có khả năng xảy ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Tác động kép

Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tình hình khi nhiệt độ nóng hơn làm tăng tốc độ bốc hơi, và lượng tuyết rơi giảm vào mùa đông làm hạn chế nguồn cung nước tưới, theo ABC.

Tác động kép của hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt đã rõ ràng.

Ở Tây Ban Nha, Dolmen of Guadalperal, một tượng đài có niên đại 4-5 thiên niên kỷ, đã lộ ra khi mực nước tại một con đập ở phía tây Madrid suy giảm. Ở Italy, nơi người dân đang phải đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, tàn tích của một cây cầu Neronian La Mã cổ đại có thể nhìn thấy trên sông Tiber.

Edersee, một trong những hồ chứa lớn nhất của Đức, đã bị thu hẹp đến mức có thể nhìn thấy nền của Berich, một ngôi làng bị ngập lụt vào năm 1914.

han han o chau Au anh 2

Tàn tích của ngôi làng Aceredo nổi lên do mực nước thấp của hồ chứa Lindoso ở Tây Ban Nha. Ảnh: AFP.

Tại Prahovo (Serbia), mực nước sông Danube đã xuống thấp đến mức khiến xác hàng chục tàu chiến của Đức Quốc xã từ Thế chiến II đã nổi lên. Và ở miền Bắc nước Anh, mực nước giảm tại hồ chứa Baitings đã làm lộ ra một cây cầu cổ xưa.

Các dòng sông ở châu Âu đang cạn kiệt sau khoảng thời gian nắng nóng kéo dài, làm dấy lên nỗi lo về sản xuất lương thực và năng lượng vào thời điểm giá cả đã tăng chóng mặt.

“Chúng tôi chưa từng chứng kiến mức độ hạn hán này trong một thời gian rất dài", Matthew Oxenford, nhà phân tích cấp cao về chính sách khí hậu và châu Âu tại Economist Intelligence Unit, một công ty nghiên cứu và tư vấn, nói với CNBC.

“Đó là điều rất đáng quan ngại. Đó là một dấu hiệu cho thấy có những thay đổi lớn đang diễn ra trong sự ổn định của khí hậu toàn cầu và thời tiết khu vực”, Yadvinder Malhi, giáo sư khoa học hệ sinh thái tại Đại học Oxford, cho biết. Theo ông, điều này sẽ gây ra ngày càng nhiều căng thẳng hơn cho hệ sinh thái tự nhiên

Tiến sĩ Malhi cho biết vì con người đã khiến hành tinh nóng lên khoảng 1,1 độ C, khí hậu có nhiều biến động hơn dự kiến. Theo ông, nếu hành tinh ấm lên 2 độ C, con người có thể chứng kiến những tác động lớn hơn nhiều so với điều họ từng lo ngại.

“Khi có nhiều năng lượng hơn trong bầu khí quyển, chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hiện tượng cực đoan hơn, cho dù đó là lũ lụt như ở Pakistan, hay những đợt hạn hán như chúng ta đang chứng kiến ở châu Âu, Trung Quốc và nhiều khu vực ở Bắc Mỹ”, ông nói.

Tiến sĩ Malhi khẳng định những sự kiện này gần như được dự đoán xảy ra vào khoảng năm 2040. Việc chúng đang xảy ra hiện nay rõ ràng cho thấy rằng sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn mọi người nghĩ.

"Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngay bây giờ"

Friederike Otto, một giảng viên cao cấp tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, nhận định mối quan tâm đối với việc lòng sông và hồ chứa thu hẹp trên khắp châu Âu có thể là do ảnh hưởng mang tính trực quan của mức nhiệt cao.

“Nhiệt luôn luôn là một hiện tượng cực đoan bị ngó lơ vì tác động của nó không quá rõ ràng như lũ lụt hoặc bão. Tôi nghĩ rằng năm nay, mức nhiệt khắc nghiệt này kết hợp với hạn hán, tất cả các con sông này khô cạn. Điều đó thể hiện những hình ảnh trực quan hơn”, bà nói.

Theo tiến sĩ Otto, nhiều người sẽ quen với việc những tàn tích lộ ra ở nhiều nơi thuộc Địa Trung Hải - một trong số ít các khu vực trên thế giới có “mức độ khô hạn lớn”. Tuy nhiên, việc chúng lộ ra ở nhiều khu vực khác của châu Âu là bất thường hơn.

han han o chau Au anh 3

Xác tàu chiến Đức từ thời Thế chiến II trên sông Danube ở Prahovo, Serbia. Ảnh: Reuters.

Trong khi một số hình ảnh vào mùa hè này - những viên "đá đói" được phát hiện ở Đức hay một quả bom nặng 450 kg trong Thế chiến II được phát hiện dưới lòng sông ở Italy - đang gây chú ý, lần cuối cùng châu Âu đã chứng kiến ​​một đợt hạn hán nghiêm trọng cách đây không lâu, vào năm 2018.

Tuy nhiên, đợt hạn này dường như nghiêm trọng hơn. Ở phía tây bắc Tây Ban Nha, ngôi làng cổ Aceredo bắt đầu nổi lên từ hồ chứa Alto Lindoso vào tháng 11/2021, thời điểm bắt đầu đợt hạn hán nghiêm trọng.

Vào đầu năm, Tây Ban Nha trải qua tháng một khô hạn nhất trong 20 năm, và đến tháng 2, hồ chứa này đã giảm xuống còn 15% dung tích, làm lộ ra tàn tích của Aceredo. Tình trạng không được cải thiện nhiều trong mùa hè.

Tiến sĩ Malhi cho biết đợt hạn này là một trong những đợt nghiêm trọng nhất trong một hoặc vài thập kỷ. Tiến sĩ Malhi nói thêm rằng trong khi hạn hán cực đoan vẫn diễn ra, thách thức phải đối mặt là việc tần suất của những sự kiện này ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, tiến sĩ Otto cảnh báo các khu vực của châu Âu có thể không phục hồi hoàn toàn sau đợt hạn hán hiện nay, đặc biệt là dọc Địa Trung Hải, nơi mùa hè khô hạn dự kiến tiếp diễn.

Khi được hỏi việc những tàn tích lộ ra dưới lòng sông tiết lộ điều gì về tình trạng của châu Âu, bà cho biết: "Tôi nghĩ điều đó phản ánh rằng biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở châu Âu, luôn được thảo luận như một điều gì đó sẽ xảy ra trong tương lai".

"Nó không phải là trong tương lai. Nó đang diễn ra ngay bây giờ", bà nói.

'Nữ thần sông Trường Giang' lâm nguy

Do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người, cá heo vây trắng quý hiếm - được mệnh danh là “Nữ thần sông Trường Giang" - đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Sông châu Âu cạn trơ đáy, để lộ xác tàu chiến, bom và cả 'đá đói'

Giữa lòng sông Danube hùng vĩ, xác hàng chục tàu chiến của Đức từ Thế chiến II đã lộ ra, sau đợt hạn hán tồi tệ nhất 500 năm khiến các dòng sông ở châu Âu khô cạn.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm