Các xác tàu được cho là nằm dưới đáy sông gần 8 thập kỷ đã nổi lên ở khu vực gần thị trấn cảng Prahovo của Serbia.
Không chỉ vậy, một số di tích cổ có niên đại hàng nghìn năm trên khắp châu Âu cũng bất ngờ lộ diện trong sự ngỡ ngàng của các nhà khảo cổ học.
Theo New York Times, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bắt nguồn từ mùa hè khắc nghiệt và khô hạn bất thường đang diễn ra trên khắp lục địa già, khiến mực nước sông giảm xuống thấp kỷ lục.
Xác tàu chiến Đức từ thời Thế chiến II trên sông Danube ở Prahovo, Serbia. Ảnh: Reuters. |
Những di tích bất ngờ nổi lên
Nắng nóng như thiêu đốt đã gây ra cảnh báo trên khắp lục địa châu Âu, trong đó các nhà khoa học chỉ ra rằng hiện tượng Trái Đất nóng lên kéo theo biến đổi khí hậu và các yếu tố khác đóng vai trò chính.
Sông Danube là sông dài thứ hai châu Âu, chảy qua hàng loạt quốc gia và từng được mô tả là dòng sông hùng vĩ bậc nhất lục địa già. Tuy nhiên, những tháng ngày hạn hán và nắng nóng liên tiếp đã khiến con sông bị thu hẹp diện tích đáng kể.
Các xác tàu lộ ra trên sông Danube là một phần thuộc hạm đội biển Đen của Đức Quốc xã. Chúng đã bị đánh chìm bởi Hải quân Đức khi đang rút lui vào năm 1944 để ngăn tàu rơi vào tay của lực lượng Liên Xô.
Nhiều xác tàu vẫn còn nguyên vũ khí, đạn dược và chất nổ, đe dọa an toàn cho tàu bè qua lại.
Cụ thể, theo giới chức Serbia, các xác tàu chứa gần 10.000 mảnh bom mìn chưa nổ, khiến chi phí tháo gỡ các tàu và bom, đạn lên tới gần 30 triệu USD.
“Đội tàu của Đức đã để lại một thảm họa sinh thái lớn đe dọa chúng tôi - những người dân Prahovo”, ông Velimir Trajilovic, 74 tuổi, người về hưu sống tại Prahovo nói với Reuters.
Theo New York Times, nó tạo ra mối nguy hiểm cho các tuyến vận tải đường sông địa phương và hoạt động đánh bắt cá trên sông Danube.
Dù vậy, các nhà khảo cổ học lại có những phát hiện hiếm thấy khi nhiều sông, hồ xuống cạn nước, để lộ ra nhiều "kho báu” được che giấu từ lâu.
Nền móng của một cây cầu 2.000 năm tuổi ở Rome đã xuất hiện ở Tiber vào mùa hè năm nay.
Trong khi đó ở Tây Ban Nha, “Dolmen of Guadalperal” - một vòng tròn đá có niên đại lên tới 4-5 thiên niên kỷ - thường được so sánh với tượng đài cự thạch Stonehenge ở Anh, đã nổi lên từ vùng biển phía tây Madrid.
Vòng tròn đá “Dolmen of Guadalperal” ở vùng biển phía tây Madrid. Ảnh: AP. |
Vòng tròn đá “Dolmen of Guadalperal” được nhà khảo cổ học người Đức Hugo Obermaier phát hiện vào năm 1926. Tuy nhiên, khu vực này đã bị nước bao phủ hoàn toàn trong quá trình thực hiện một dự án vào năm 1963. Kể từ đó, chỉ có bốn lần người ta nhìn thấy bãi đá hiện lên hoàn toàn.
Trước đó, một ngôi làng ở Tây Ban Nha, từng bị bỏ hoang và bị nhấn chìm khi các hồ chứa nhân tạo được xây dựng vào những năm 1960, đã xuất hiện lại sau nhiều năm dưới nước.
Tương tự, hồi cuối tháng 7, các ngư dân đã phát hiện một quả bom nặng 450 kg từ Thế chiến II khi sông Po ở Italy cạn nước. Chính phủ nước này sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp đối với các khu vực xung quanh sông Po.
Quả bom nặng 450 kg từ Thế chiến II lộ ra khi sông Po ở Italy cạn nước. Ảnh: Reuters. |
Báo hiệu thời kỳ khó khăn
Nước sông xuống thấp cũng làm lộ “đá đói". Đây là những tảng đá được chạm khắc từ nhiều thế kỷ trước lúc mực nước giảm xuống. Khi nhìn thấy, người dân địa phương sẽ biết rằng mùa màng có thể thất bát và năm sau đó sẽ khó khăn.
Một trong những tảng đá như vậy đã được thấy trên bờ sông Elbe, bắt nguồn từ Cộng hòa Czech và chảy qua Đức. Tảng đá khắc một lời cảnh báo bằng tiếng Đức từ năm 1616 với ý nghĩa: "Nếu bạn nhìn thấy tôi, hãy khóc".
Theo một nhóm chuyên gia từ Cộng hòa Czech, những dòng chữ trên "đá đói" mang ý nghĩa cảnh báo về hậu quả của hạn hán.
"Chúng nói rằng hạn hán dẫn đến mùa màng thất bát, thiếu lương thực, giá tăng cao và người nghèo trở nên đói khổ. Trước năm 1900, đợt hạn hán vào những năm như 1417, 1616, 1707, 1746, 1790, 1800, 1811, 1830, 1842, 1868, 1892 và 1893 đã được ghi lại", nhóm nghiên cứu viết.
Một trong những tảng "đá đói" khác lộ ra khi mực nước ở thành phố Worms, Đức xuống thấp. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, nhiệt độ khắc nghiệt quả thật đang dẫn đến sản lượng thu hoạch thấp hơn và làm nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu rơi vào tình trạng căng thẳng.
Mới đây, báo cáo được công bố ngày 23/8 của Tổ chức Quan sát Hạn hán Toàn cầu (GDO), thuộc nhóm nghiên cứu Ủy ban châu Âu, cho biết khoảng 47% diện tích lục địa đang trong tình trạng báo động do độ ẩm của đất bị giảm sút, 17% trong tình trạng báo động do thảm thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổng cộng, gần 2/3 diện tích EU đang trong tình trạng cảnh báo vì hạn hán.
EU dự báo sản lượng ngô sẽ giảm 16%, đậu tương giảm 15% và hướng dương giảm 12% so với mức trung bình của 5 năm trước đó.
Nắng nóng cũng dẫn đến sản lượng thủy điện bị sụt giảm ở Na Uy và đe dọa các lò phản ứng hạt nhân ở Pháp.
Anh đã cấm sử dụng vòi nước ngoài trời sau khi trải qua tháng 7 khô hạn nhất kể từ năm 1935. Ở Tây Ban Nha, các thị trấn ở Andalusia đã hạn chế sử dụng nước. Tại Đức, nhiều nhà bảo vệ môi trường lo ngại rằng các hồ và sông ở trung tâm đất nước bị khô cạn có thể đe dọa sự tồn tại của cá cùng một số loài động vật hoang dã khác.