Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lo an toàn thang máy

Những sự cố thang máy xảy ra trong thời gian qua cho thấy an toàn lao động, an toàn thang máy đang bị xem nhẹ.

So hai thang may anh 1

Sự cố thang máy số 13 khiến người đàn ông suýt bị kẹp.

Đi thang bộ, sợ thang máy "nuốt chửng"

Liên tiếp hai sự cố thang máy xảy ra vào sáng sớm, đúng giờ cao điểm sử dụng thang máy, ngày 26/8 vừa qua, tại tòa nhà chung cư HH2C Linh Đàm, thuộc địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo quy định, tòa nhà HH2C Linh Đàm có 6 thang máy, cư dân sinh sống từ tầng 20 trở lên được sử dụng 3 thang, đánh số thứ tự 11, 12, 13. Các cư dân từ tầng 20 trở xuống sử dụng hệ thống 3 thang còn lại.

7h sáng, khi thang máy số 11 đang di chuyển xuống dưới tầng một tòa nhà, thang máy bất ngờ xảy ra sự cố trễ cáp, chạy vượt quá cửa ra vào khoảng 1m, mắc kẹt giữa tầng một và hố thang.

Thời điểm này, trong cabin có nhiều người lớn và trẻ em. Cư dân vội ấn nút khẩn cấp bên trong. Bảo vệ nhanh chóng có mặt đưa ghế, hỗ trợ người lớn trèo từ bên trong, đồng thời bế nhiều trẻ em ra ngoài an toàn.

Khoảng 20 phút sau, cũng tại tòa nhà HH2C Linh Đàm, thang máy số 13 tự động đóng và lên tầng, suýt kẹp trúng người đàn ông ở cửa thang. Trong thang máy lúc đó có 9 người, nhiều phụ nữ hoảng hốt khi chứng kiến sự việc.

Sau 2 sự việc, cán bộ kỹ thuật đã đến kiểm tra và khắc phục. Đây không phải lần đầu hệ thống thang máy tại chung cư HH Linh Đàm gặp sự cố nghiêm trọng. Tháng 2 năm ngoái, cuộc sống của cư dân tại HH3C Linh Đàm đảo lộn hoàn toàn sau vụ cháy căn hộ tầng 24 khiến toàn bộ thang máy tạm dừng hoạt động.

Chị Hoa, cư dân ở đây từng đi bộ từ tầng 31 chung cư HH3C Linh Đàm xuống tầng một để kịp giờ đưa con đi học. Khi quay về, chị xếp hàng, mòn mỏi đợi đến lượt sử dụng thang máy duy nhất trong tòa nhà. Bất lực do quá đông người, chị đành leo bộ ngược lên tầng 31. Sự cố "kép" trong ngày 26/8 cũng đã khiến chị Hoa và nhiều cư dân ở đây lo lắng, không dám sử dụng thang máy.

Hiểm hoạ tai nạn thang máy

Thực tế, thời gian qua trên địa bàn cả nước, sự cố hỏng hóc thang máy tại một số tòa nhà chung cư cao tầng, nhà ở riêng lẻ gây nhiều ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người dân.

Cụ thể, ngày 24/8 vừa qua, tại tòa nhà số 269 - 271 Quan Nhân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) 9 người bị mắc kẹt trong thang máy, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Thanh Xuân đã phải huy động 17 cán bộ, chiến sĩ đến giải cứu, cả 9 người bị mắc kẹt đều thoát nạn an toàn.

Trước đó, ngày 6/9/2023, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an quận Tây Hồ phải sử dụng các biện pháp cứu nạn, cứu hộ mở cửa thang máy đưa 5 người bị mắc kẹt ra ngoài an toàn tại tòa nhà số 11 ngõ 67/12, Tô Ngọc Vân, phường Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Không may mắn như những nạn nhân của các sự cố kể trên, trước đó vào ngày 22/5/2022, một tòa nhà tại ngõ 523 Kim Mã, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội), thang máy gặp sự cố rơi từ tầng 6 xuống đất làm 2 người đàn ông tử vong. Cũng trên địa bàn quận Ba Đình, vào ngày 22/10/2021, một cô gái bị tử vong khi cố tìm cách thoát khỏi thang máy bị kẹt và rơi theo hầm thang từ tầng 7 xuống tầng 1...

Không ai có thể chắc chắn rằng những sự việc tương tự mang đến hậu quả thương tâm hoặc làm sang chấn tâm lý của người dân như vậy sẽ không còn tiếp diễn. Bởi thực tế, chưa có một quy định pháp luật nào thực sự rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai, khi những sự việc như thế này xảy ra.

So hai thang may anh 2

Thang máy trở thành nỗi ám ảnh của người dân khu HH Linh Đàm.

Thiếu kỹ năng khi xảy ra sự cố thang máy

Theo thống kê, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang có khoảng gần 3.000 tòa nhà chung cư cao tầng đang hoạt động (bao gồm cả chung cư thương mại, chung cư tái định cư...) chiếm đến trên 50% số lượng chung cư cao tầng của cả nước. Việc đi lại giữa các tầng của tòa nhà ngoài hệ thống thang bộ, có thêm chức năng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, thì cư dân bắt buộc phải dùng thang máy làm phương tiện di chuyển, nên công tác quản lý, vận hành và kiểm định thang máy phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân là vấn đề cấp thiết, cần nghiêm túc thực hiện.

Tuy nhiên, từ những vụ việc liên quan đến sự cố thang máy xảy ra trong thời gian qua đã cho thấy, an toàn lao động, an toàn thang máy đang bị xem nhẹ. Hầu hết người dân còn thiếu kỹ năng xử lý khi đối mặt với sự cố thang máy bất ngờ xảy ra…

Theo đánh giá của Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội, khi các sự cố liên quan đến thang máy xảy ra, nhất là đối với nhà ở riêng lẻ, người dân thường lúng túng, không biết cách xử lý. "Thậm chí là khi xảy ra sự cố, nhiều người dân hay nhân viên bảo vệ của các toà nhà còn tự ý xử lý, không gọi báo Trung tâm 114 để yêu cầu hỗ trợ. Và chính sự thiếu kỹ năng xử lý tình huống đôi khi đã để lại những hậu quả đáng tiếc", Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng chia sẻ.

Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các sự cố về thang máy là do quá trình bảo trì, bảo dưỡng chưa được coi trọng đúng mức. Như đánh giá của Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng: "Các nguyên nhân tai nạn, sự cố thang máy rất đa dạng, nhưng chủ yếu là công tác vận hành quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, bởi thang máy cũng chỉ là hệ thống kỹ thuật, mà khi hệ thống kỹ thuật hoạt động một thời gian dài sẽ có thể phát sinh ra các sự cố kỹ thuật, hỏng hóc".

Nhận định những nguy cơ gây tai nạn từ loại hình thang máy, hàng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đều tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao kỹ năng cho người dân và các thành viên ban quản lý tòa nhà trong quá trình sử dụng thang máy. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người dân vẫn chủ quan, xem nhẹ những buổi tập huấn như thế này, mà không hiểu rằng, người sử dụng thang máy cần phải hiểu đúng, đủ những kiến thức, tình huống khẩn cấp và xử lý khi có sự cố xảy ra trong buồng thang máy thay bằng hoảng loạn, mất kiểm soát sẽ càng gây thêm những thiệt hại...

Sách hay về đô thị, thắng cảnh Việt Nam

Hồn đô thị gồm 30 bài tùy bút được tuyển chọn từ bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập) đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 2014 - 2018. Bộ sách đến nay đã được tái bản 5 lần.

Đất nước gấm hoa không đơn thuần là một atlas địa lý, mà như một cẩm nang hình ảnh sinh động, cô đọng về thông tin khi đề cập đến 63 tỉnh thành Việt Nam.

Bài liên quan

https://www.anninhthudo.vn/thap-thom-noi-lo-an-toan-thang-may-post588033.antd

Chu Hương/ANTĐ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm