Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nới hay không nới cách ly - nan đề của Hàn Quốc khi đỉnh dịch đi qua

Hàn Quốc, quốc gia đầu tiên đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai tiếp sau Trung Quốc, chuẩn bị quay lại cuộc sống bình thường trong bối cảnh số ca nhiễm mới được kiểm soát.

Hàn Quốc, quốc gia đang dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đang chuẩn bị cho việc đưa nhịp sống ở đây trở lại bình thường.

Các quan chức Seoul đang chuẩn bị đưa ra các chỉ dẫn mới để cuộc sống trở lại bình thường vào đầu tháng tới. Họ cũng gọi những biện pháp này là “biện pháp phòng ngừa xã hội”, theo Wall Street Journal.

Han Quoc quay lai binh thuong anh 1

Hàn Quốc đang chuẩn bị "mở cửa" trở lại. Ảnh: Wall Street Journal.

Học sinh có thể quay lại trường nhưng phải ngồi cách xa nhau theo sự sắp xếp sẵn và phải kiểm tra nhiệt độ trước khi vào lớp. Các nhà hàng có thể phải lắp đặt tấm chắn ngăn cách các thực khách trước khi mở cửa lại, và công nhân có thể được phép đi làm trở lại.

Con số giảm có thể khiến mọi người chủ quan

Một nhóm bao gồm chuyên gia y tế, các quan chức chính phủ và các nhóm dân sự mới được thành lập được giao nhiệm vụ tạo ra các chỉ dẫn “điều hòa” cuộc sống hàng ngày với mối đe dọa từ đại dịch, một quan chức y tế Hàn Quốc cho biết trong tuần này. Các khuyến nghị này dự kiến ​​được đưa ra trong tuần tới.

Những động thái tiếp theo của Hàn Quốc sẽ được theo dõi chặt chẽ vì quốc gia này là nơi đầu tiên phải hứng chịu dịch bùng phát mạnh mẽ, sau Trung Quốc. Nhưng bây giờ, tỷ lệ lây nhiễm ở đây đã được kiểm soát, mang lại hy vọng rằng các biện pháp đối phó tích cực của nhà nước được thực hiện kể từ giữa tháng 2 có thể được nới lỏng.

Chiến lược đóng cửa đất nước không thể thực hiện lâu dài, đặc biệt là khi thời tiết ấm lên, hoa mùa xuân nở rộ và số ca nhiễm virus mới tăng chậm, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun nói với truyền thông nước ngoài hôm 27/3.

“Tôi không nghĩ rằng mọi người có thể ở trong tình trạng căng thẳng đó trong một thời gian dài”, ông Chung nói. “Nếu con số cải thiện, điều này có thể dẫn đến sự tự mãn của mọi người. Chúng tôi rất lo ngại”.

Han Quoc quay lai binh thuong anh 2

Một nhân viên mang xô nhựa chứa chất thải y tế của bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dongsan ở Daegu, Hàn Quốc ngày 25/3. Ảnh: AP.

Các quan chức Seoul nhắm đến việc giảm bớt một số biện pháp hạn chế sau ngày 5/4. Lúc này, các biện pháp hạn chế nhà nước khuyến nghị áp dụng lên các nhà thờ, phòng tập thể dục và các địa điểm giải trí ​​sẽ kết thúc.

Năm học mới bị trì hoãn trong thời gian qua cũng sẽ bắt đầu một ngày sau đó, tức khoảng 6 tuần sau khi chính phủ Hàn Quốc nâng cảnh báo lên mức cao nhất.

Đến ngày 30/3, Hàn Quốc có khoảng 9.600 ca nhiễm virus corona. Hàn Quốc xác nhận thêm khoảng 100 ca nhiễm mới mỗi ngày, giảm mạnh so với hơn 900 ca nhiễm mỗi ngày trong đỉnh dịch.

Gần đây, Hàn Quốc không có ca nhiễm mới ở một số thành phố và tỉnh lớn. Ông Chung cho biết hôm 27/3 chính phủ Hàn Quốc sẽ đánh giá việc thay đổi các chỉ dẫn cách ly xã hội bằng cách kiểm tra sự phân bố theo vùng của các ca nhiễm mới.

Điều này có thể ảnh hưởng đến việc mở cửa các trường học trở lại, ông nói thêm. “Chúng ta nên đồng loạt mở cửa trường hay chỉ làm điều này một phần?”, ông Chung đặt câu hỏi. “Chúng tôi đang xem xét nhiều kịch bản khác nhau”.

Hàn Quốc đã thắt chặt các hạn chế đối với khách du lịch nội địa và kêu gọi mọi người tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ cho đến ngày 5/4. Tuy nhiên, các quan chức đang hy vọng thực hiện các biện pháp cách ly xã hội “có tính bền vững” trong vài tuần tới để giúp tái tạo giao dịch thương mại.

“Người dân đang cảm thấy mệt mỏi và có nhiều trở ngại đối với các hoạt động kinh tế”, một quan chức y tế của Hàn Quốc cho biết hôm 26/3.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng bất kỳ biện pháp nới lỏng cách ly xã hội nào cũng sẽ khiến Hàn Quốc trở nên dễ bị tổn thương do sự xuất hiện của các cụm nhiễm trùng và ca bệnh nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu và các nơi khác.

Những cá nhân không được xét nghiệm và không có triệu chứng cũng có thể lây lan virus, những quan chức này cho biết.

Kinh tế vẫn trì trệ

Việc trở lại cuộc sống bình thường sẽ mất nhiều thời gian hơn là một vài tuần. Vì vậy, Hàn Quốc cần đạt được sự cân bằng giữa sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của nền kinh tế”, ông Kim Woo-joo, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Guro của Đại học Hàn Quốc ở Seoul nói với Wall Street Journal.

“Mọi thứ sẽ trông hơi khó xử nhưng việc phòng ngừa quan trọng hơn hình ảnh vào thời điểm này”, bác sĩ Kim nói và đề cập đến việc sắp xếp chỗ ngồi độc đáo trong không gian công cộng.

Nhưng những người khác nói rằng các biện pháp cách ly xã hội có hạn sử dụng nhất định. Vắc-xin có thể vẫn chưa xuất hiện trong một năm nữa và người dân vẫn có nguy cơ bị nhiễm bất kể áp dụng chiến lược nào.

“Các biện pháp kiểm soát của chúng tôi rất tốn kém về mặt xã hội và kinh tế”, ông Oh Myoung-don, một giáo sư nội khoa tại Đại học Quốc gia Seoul nói. “Đã đến lúc cân nhắc một chiến lược rút lui”.

Han Quoc quay lai binh thuong anh 3

Người dân phun thuốc khử trùng để phòng virus corona tại một chợ truyền thống ở Suwon, Hàn Quốc ngày 25/3. Ảnh: AP.

Hàn Quốc đã làm chậm sự lây lan của virus bằng cách tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Điều này cho phép các quan chức dự đoán chính xác hơn và chuẩn bị các biện pháp phòng dịch. Việc xét nghiệm cũng giúp các quan chức có thể triển khai thêm các chuyên gia y tế và thiết bị đến những nơi cần thiết nhất.

Chỉ ba tuần trước, quốc gia này có số lượng ca nhiễm ngoài Trung Quốc cao nhất thế giới. Giờ đây, số ca nhiễm tại Hàn Quốc xếp sau 10 quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

Trong khi đó, nền kinh tế của Hàn Quốc không có mấy tiến triển. Doanh số tại các cửa hàng miễn thuế của Hàn Quốc đã giảm gần một nửa trong tháng 2 so với tháng trước, một tổ chức thương mại cho biết.

Các hãng hàng không của Hàn Quốc ở trong tình trạng thất thu “nghiêm trọng và nguy hiểm”, có nguy cơ vỡ nợ và cần sự trợ giúp đáng kể của chính phủ, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Bất chấp những áp lực kinh tế, các biện pháp cách ly nghiêm khắc hiện tại vẫn nên được giữ nguyên, ông Eom Joong-sik, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hàn Quốc nói với Wall Street Journal.

“Chính phủ cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phát hiện sớm và tăng cường giám sát những người đến từ các quốc gia khác”, bác sĩ Eom cho biết. “Nếu chúng ta không thực hiện cách ly, các ca nhiễm theo cụm có thể dẫn đến một đợt lây lan mới”.

'Người giàu trốn chạy khỏi vùng dịch, họ mang virus về đây'

Ở Pháp và nhiều nơi khác tại châu Âu, người giàu đang rời thành phố đến vùng nông thôn để tránh dịch, gây phẫn nộ cho người dân địa phương và phô bày khoảng cách giàu nghèo.

'Hãy vỗ tay cho các y bác sĩ, nhưng quan trọng hơn là bạn ở trong nhà'

Từ Vũ Hán đến Italy, Tây Ban Nha, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, người dân đã ra ban công để thể hiện lòng biết ơn những nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch.

Như Trần

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm