Trên hòn đảo Noirmoutier yên bình ngoài khơi bờ biển của Pháp, người dân địa phương theo dõi những hình ảnh từ Paris với sự sợ hãi và giận dữ ngày càng tăng. Khi tin đồn về việc Pháp sắp phong tỏa cả nước để ngăn virus lây lan bắt đầu lan truyền, nhiều người Paris vội vã chạy đến ga tàu, đôi khi có những tấm ván lướt sóng ló ra khỏi đám đông.
Điểm đến của họ vô cùng rõ ràng.
Noirmoutier, hòn đảo ngoài khơi bờ biển Pháp, có dân số gần như gấp đôi kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực trên cả nước. Ảnh: New York Times. |
“Vô trách nhiệm và ích kỷ”, bác sĩ Cyrille Vartanian, một trong sáu bác sĩ của đảo Noirmoutier, nói với New York Times.
Paris cách hòn đảo này khoảng 5 giờ di chuyển. Do đó, ông Noël Faucher, Thị trưởng của địa phương này, quyết định chặn cây cầu duy nhất nối hòn đảo và đất liền. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cho biết điều này là bất hợp pháp.
“Chúng tôi bất lực vì người dân không bị giới hạn ở nơi cư trú chính”, ông Faucher bày tỏ và mô tả dòng người từ Paris đến đảo là “một cuộc xâm lược”.
Bác sĩ Cyrille Vartanian, một trong sáu bác sĩ của Noirmoutier. Ảnh: New York Times. |
Chỉ qua một đêm, dân số của đảo tăng gần gấp đôi lên 20.000 người. Gần hai tuần sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực vào ngày 17/3, có khoảng 70 trường hợp nghi nhiễm virus corona trên đảo.
Gia tăng khoảng cách giàu nghèo
Ở Pháp và trên khắp châu Âu, cư dân thành phố giàu có lũ lượt rời tâm dịch đến ngôi nhà thứ hai của họ. Những ngôi nhà này thường ở gần biển hoặc núi. Chúng giúp chủ nhân giảm bớt sự khó chịu khi bị giam cầm và có đường truyền Internet tốt, giúp họ làm việc từ xa.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng các cư dân này sẽ mang virus đến những khu vực có ít bệnh viện và người dân địa phương đa số là người lớn tuổi và có thu nhập hạn chế.
Dòng người đổ về ngôi nhà thứ hai đã châm ngòi cho sự tức giận về thứ mà đại dịch đang phô bày ngày càng rõ: khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.
Không nơi nào sự tức giận này rõ hơn ở Pháp. Quốc gia này có 3,4 triệu ngôi nhà thứ hai, nhiều hơn bất kỳ nước láng giềng nào. Tình hình chính trị Pháp cũng bị cuốn theo những cuộc tranh luận về bất bình đẳng những năm gần đây.
Không giống tầng lớp có ngôi nhà thứ hai, nhiều người châu Âu phải cách ly trong không gian chật chội. Nhiều người đã bị sa thải trong khi những người khác phải tiếp tục làm các công việc lương thấp và đôi khi ít được bảo vệ như nhân viên thu ngân siêu thị hoặc giao hàng.
Theo cả người dân địa phương và người Paris trên đảo, một số người dân thành thị khi đến Noirmoutier đã đi thẳng đến bãi biển. Họ dã ngoại, thả diều, chạy bộ và đi xe đạp. Trong một động thái có vẻ là để trả thù, lốp xe của khoảng nửa tá xe hơi biển số Paris đã bị phá hủy.
“Hành vi của họ là không thể chấp nhận được”, ông Frédéric Boucard, 47 tuổi, một người nuôi hàu, nói với New York Times. “Cứ như thể họ đang trong kỳ nghỉ”.
Một người dân địa phương khác, ông Claude Gouraud, 55 tuổi, nói: “Chúng tôi nên chặn cây cầu cách đây nhiều tuần”.
Ở Italy, quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nhất bởi virus, nhiều người đã chạy khỏi khu vực miền Bắc bị phong tỏa xuống phía Nam.
Mặc dù chưa có số liệu, một số quan chức ở miền Nam cho rằng các ca nhiễm mới tại đây do những người này gây ra. Tuần trước, ông Ruggero Razza, quan chức y tế khu vực Sicily, cho biết nhiều ca nhiễm mới ở Sicily, 846 ca chỉ trong ngày hôm đó, là do gần 40.000 người từ các khu vực khác đến đây gây ra.
Hòn đảo nổi tiếng với những bãi biển của nó. Những bãi biển này được gọi là Plages des Dames. Ảnh: New York Times. |
Ở Tây Ban Nha, ông Jose María Aznar, cựu thủ tướng, đã đến biệt thự của mình ở Marbella, một khu nghỉ mát nổi tiếng trên Địa Trung Hải. Ông Aznar rời Madrid vào đúng ngày thủ đô đóng cửa tất cả trường học. Động thái này đã khiến người dân phẫn nộ trên mạng xã hội. Họ kêu gọi quản lý ông Aznar và nhốt ông trong biệt thự của mình.
Ở Đức, chính quyền cũng ngăn người dân chuyển đến ngôi nhà thứ hai của họ. Ở bang Mecklenburg-Vorpommern, các quan chức cấm người dân đến ngôi nhà ở vùng quê của họ trừ khi họ đi làm.
Các khách sạn ở Đức đã được lệnh đóng cửa. Tuy nhiên, khách sạn Grand Hotel Sonnenbichl ở chân dãy Alps của Bavaria được phép mở cửa cho một vị khách và toàn bộ đoàn tùy tùng của ông: Vua Maha Vajirusongkorn Bodindradebayavarangkun của Thái Lan. Ông là người thường xuyên đến Bavaria và cũng sở hữu một biệt thự ven hồ ở Tutzing, tây nam Munich.
Tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã tuyên phong tỏa toàn quốc vào tuần trước sau khi hàng nghìn người dân thành phố phớt lờ lời kêu gọi ở nhà của ông và trốn đến các đảo và cùng quê, nơi không có khả năng xử lý các ca nhiễm Covid-19.
Tuần trước, thị trưởng của một số đảo ở Aegean, Hy Lạp đã yêu cầu chính phủ hạn chế những người đến từ đất liền. Văn phòng thị trưởng trên đảo Milos đã mô tả những người này là “những con ngựa thành Troy lây lan virus vào cộng đồng”.
Các quốc gia khác như Bỉ, Na Uy và Croatia cũng cấm mọi người đến nhà nghỉ dưỡng để cách ly.
Chạy trốn - thói quen chỉ người giàu đủ tiền trả
Trên thực tế, người Pháp thường di cư từ thủ đô nếu có sự cố như bệnh dịch hạch, dịch tả hay những rắc rối chính trị trong quá khứ. Giới tinh hoa Paris thường về nông thôn lánh nạn.
Jean Viard, một nhà xã hội học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia ở Paris, cho biết: “Giới tinh hoa luôn có một chân trong thành phố, một chân ở nông thôn. Rời khỏi thành thị trong thời gian dịch bệnh luôn là quy luật”.
Dây căng ngang chặn một lối xuống bờ biển. Ảnh: New York Times. |
Trên đảo Noirmoutier, Thị trưởng Faucher cho biết ông băn khoăn liệu thái độ thoải mái với những ngôi nhà thứ hai của chính phủ Pháp có phản ánh mong muốn sai lầm “giảm bớt áp lực cho Paris, nơi bệnh nhân Covid-19 trành ngập bệnh viện” hay không.
Nhưng Noirmoutier không có cơ sở để điều trị những trường hợp nghiêm trọng, phòng cấp cứu gần nhất cách đó hơn 40 km, ông Faucher nói.
Mặc dù bác sĩ Vartanian nói rằng còn quá sớm để kết luận những ca bệnh trên đảo có liên quan đến những người mới đến, “virus không tự di chuyển, nó di chuyển cùng con người”, ông nói.
Ngày 16/3, tin tức về việc phong tỏa khiến hàng chục nghìn người dân Paris tháo chạy. Các nhà ga xe lửa đón làn sóng hành khách khởi hành đột ngột khổng lồ, theo cơ quan đường sắt quốc gia Pháp.
Những người có ôtô thi nhau nhét đồ đạc vào xe của họ, đặc biệt là ở các khu vực giàu có như quận 16 của Paris. Ước tính 15% đến 20% người dân ở đây đã rời đi, ông Danièle Giazzi, Thị trưởng của quận, nói.
Căng thẳng đặc biệt cao trong vài ngày đầu tiên sau khi người Paris xuống đảo.
Nếu không đi thả diều thì người Paris cũng đi tích trữ nhu yếu phẩm. Tại một tiệm bánh trong khu phố L’Épine, một người Paris rời khỏi cửa hàng với 20 chiếc bánh mì. Tại một siêu thị hữu cơ, một người Paris khác dự trữ thức ăn cho mèo và người khác nữa mua 325 USD hàng tạp hóa. Người dân địa phương và người Paris giành giật nhau các loại rau tươi được giao lúc 10h sáng.
Người dân chơi quần vợt trên một con đường cụt ở đảo Noirmoutier. Ảnh: New York Times. |
“Mọi thứ đã dịu xuống nhờ có pháp luật”, Thị trưởng Faucher nói. Máy bay trực thăng bay thấp trên bãi biển để xua đuổi người dân và báo cáo những kẻ xâm phạm đến các sĩ quan cảnh sát.
Ông Bruce Kelley, một người Mỹ đến từ Connecticut và người vợ Pháp đã lái xe từ Paris về nhà nghỉ của họ. Họ cũng dùng chiếc xe không mang biển số Paris.
“Rời khỏi nhà là một hành động ích kỷ, và nó luôn luôn trong tâm trí chúng tôi”, ông Kelley, 59 tuổi, nói, đứng cạnh chiếc SUV Volvo của mình.
“Nhưng điều tàn bạo là chúng tôi không thể đi đến bãi biển”, ông Kelley nói. “Bãi biển cách nhà của chúng tôi chỉ 200 m và không có ai ở đó”.