Vào tháng 2, bốn người phụ nữ đã lên tiếng trước toàn thể giới báo chí tại El Salvador. Tổng cộng, những người phụ nữ này đã ngồi tù gần 50 năm.
"Tội" của họ là đã không may bị sảy thai tại một trong những quốc gia có luật chống phá thai hà khắc nhất trên thế giới, theo BBC.
Bị tuyên án 30 năm tù vì sảy thai
Một trong số 4 người phụ nữ này là Elsy.
Vào tháng 6/2011, Elsy đang mang thai và làm nghề giúp việc ở thành phố quê nhà của cô. Elsy nhớ rằng một ngày cô đi vào nhà vệ sinh tại chỗ làm và ngất đi.
Sau khi hồi tỉnh, Elsy nhận ra mình bị cảnh sát vây quanh. Elsy mất đứa con trong bụng và sếp của cô đã báo công an, tố cáo cô có hành vi phá thai.
Elsy đã bị tuyên phạt 30 năm tù sau khi cô bị sảy thai. Ảnh: BBC. |
Tại tòa, Elsy bị tuyên án 30 năm tù với tội danh giết người có chủ đích. Cô đã phải ngồi tù 10 năm trước khi được trả tự do do sự vận động của các nhà hoạt động xã hội.
Vào tháng 5/2022, bốn người phụ El Salvador từng phải ngồi tù do bị sảy thai đã lần đầu lên tiếng kể về câu chuyện của mình.
"Tôi cảm thấy thật tồi tệ trong tù. Tất cả những gì tôi nghĩ tới là án tù 30 năm của mình. Tôi đã nghĩ sẽ không bao giờ có thể gặp lại mẹ hay gia đình của mình", cô Elsy cho biết.
Trong thời gian ngồi tù, Elsy lấy bằng tốt nghiệp trung học, làm việc tại các công xưởng và tham gia tình nguyện tại nhà thờ trong tù. Nhưng những việc này là không đủ để giúp cô quên đi bản án của mình.
"Tôi cứ tự hỏi động cơ của những người làm chứng chống lại tôi tại tòa là gì?", cô Elsy chia sẻ về khoảng thời gian ngồi tù.
Sau khi được trả tự do và trở về với gia đình, Elsy đã gọi các trường hợp như của cô là những sự bất công của luật pháp vẫn thường xuyên xảy ra tại El Salvador.
Trong tháng 5, một người phụ nữ El Salvador khác, được gọi là Esme, sau khi bị sảy thai cũng bị tuyên án 30 năm tù với cùng một tội danh như cô Elsy.
Quá trình đấu tranh còn nhiều khó khăn
Tuy nhiều người phụ nữ đã bị tuyên án tù sau khi sảy thai, phong trào đấu tranh đòi quyền phá thai tại El Salvador vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, Tổng thống El Salvador Nayib Bukele đã tuyên bố tình trạng đặc biệt, cho phép cảnh sát bắt giữ người biểu tình và các nhà hoạt động đòi quyền phá thai mà không cần lý do cụ thể.
Một cuộc biểu tình đòi quyền của phụ nữ tại thủ đô San Salvador, El Salvador vào tháng 9/2021. Ảnh: AFP. |
Mariana Moisa là một trong những lãnh đạo của phong trào đấu tranh đòi quyền phá thai của phụ nữ tại El Salvador. Cô là một phần của "làn sóng xanh" - những phong trào đấu tranh đòi quyền phá thai tại các quốc gia Nam Mỹ.
Moisa cho biết mục tiêu hiện tại của phong trào không phải là giải phóng cho phụ nữ hay thay đổi luật pháp về quyền phá thai mà là thay đổi nhận thức và thái độ của công chúng.
"Chúng ta phải tiếp tục đấu tranh. Mọi thứ phụ thuộc vào hành động của chúng ta chứ không phải hành động của các đảng phái chính trị. Chúng ta phải nhìn vào thực tế hiện tại và nỗ lực thay đổi nhận thức của công chúng", cô Moisa trả lời phỏng vấn từ trụ sở hoạt động của mình tại thủ đô San Salvador.
Tại Mỹ, Tòa án Tối cao hôm 24/6 vừa đảo ngược phán quyết coi quyền phá thai là một quyền cơ bản của phụ nữ. Những nhà hoạt động như cô Moisa lo sợ rằng quyết định này có thể khuyến khích các nhà lãnh đạo cánh hữu ở Trung Mỹ mạnh tay hơn trong việc cấm quyền phá thai của phụ nữ.
Bốn phụ nữ El Salvador phải ngồi tù tổng cộng 50 năm do bị sảy thai. Ảnh: AFP. |
Moisa đã cảnh báo nước Mỹ nên nhìn vào trường hợp của các quốc gia Nam Mỹ để thấy được hậu quả của lệnh cấm phá thai có thể dẫn tới việc người phụ nữ mất đi sự tự do của mình.
So với các nước Mỹ Latin khác, số lượng các cuộc biểu tình đòi quyền phá thai của phụ nữ trong thời gian gần đây ở El Salvador đang ngày càng sụt giảm.
Điều này xuất phát từ những khó khăn trong việc thay đổi nhận thức của công chúng ở quốc gia này.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi
Padre Vito Guarato là một cơ sở chăm sóc cho những đứa trẻ bị bỏ rơi tại El Salvador. Phần lớn những đứa trẻ đang sống tại đây đều là trẻ khuyết tật.
Ana Lucia, 5 tuổi, là một nạn nhân như vậy.
Cô bé mắc hội chứng teo não, nhiều khả năng là hậu quả của việc nhiễm virus Zika. Nằm trong phòng của mình, giữa những chú gấu bông được quyên góp, Ana Lucia cần có sự chăm sóc liên tục. Những người chăm sóc cố gắng để cô bé có cuộc sống thoải mái nhất có thể.
Trên thực tế, do không thể phá thai tại El Salvador, một số người mẹ đã chọn cách từ bỏ con mình sau khi sinh.
"Tôi nghĩ người mẹ phải chịu trách nhiệm nuôi con. Nếu Thượng đế ban phước cho bạn được làm mẹ, thì bạn phải làm tròn bổn phận của mình", bà Rosa Evelyn, một quản lý tại cơ sở chăm sóc trẻ bị bỏ rơi cho biết.
Quan điểm của bà Evelyn cũng là ý kiến của hầu hết công chúng tại El Salvador, nơi có truyền thống theo đạo Công giáo lâu năm. Thiên chúa giáo cũng là tôn giáo có sự phát triển mạnh nhất tại khu vực Trung Mỹ.
Theo một số ước tính, 40% người dân El Salvador là các tín đồ Thiên chúa giáo. Các quan điểm của tôn giáo này ngày càng trở nên phổ biến ở các cơ quan lập pháp của El Salvador.
Mariana Moisa cho biết mục tiêu hiện tại của cô là thay đổi nhận thức của công chúng tại El Salvador, nơi có 40% người dân theo đạo Thiên chúa giáo. Ảnh: BBC. |
Phó chủ tịch Quốc hội El Salvador Guillermo Gallegos là một người ủng hộ mạnh mẽ lệnh cấm phá thai. Ông khẳng định việc bãi bỏ truy tố hình sự đối với những trường hợp phá thai, kể cả khi thai nhi gây nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ, sẽ không bao giờ được thông qua tại Quốc hội.
"Trong bất kỳ trường hợp nào thì thai nhi cũng có sự sống. Nếu tính mạng của người mẹ bị đe dọa thì tôi sẽ ưu tiên cứu thai nhi", ông Gallegos nói.
Trong một bài phát biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm năm thứ 3 trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Bukele đã ca ngợi kế hoạch do vợ ông khởi xướng nhằm giúp quá trình sinh đẻ tại các bệnh viện công ở El Salvador trở nên an toàn hơn.
Trong khi đó, việc phá thai, ngay cả khi người phụ nữ là nạn nhân của hành vi tấn công tình dục, vẫn bị nghiêm cấm. Quan điểm này giờ đây ngày càng được củng cố sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ.