Trong lúc đợi tim của thai nhi ngừng đập tại một bệnh viện ở Malta, Andrea Prudente đã nhận tư vấn tâm lý.
Cô Prudente - nhiếp ảnh gia người Mỹ - sảy thai khi thai nhi được 16 tuần, giữa lúc cô và bạn đời đang đi nghỉ ở một hòn đảo ở Địa Trung Hải. Bác sĩ nói cặp đôi không còn hy vọng gì được nữa.
Nhưng chỉ vì vẫn ghi nhận nhịp tim của thai nhi, bất chấp nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng đe dọa tính mạng của Prudente, bác sĩ tại Bệnh viện Mater Dei ở Msida sẽ không can thiệp để chấm dứt thai kỳ như mong muốn của người mẹ. Lý do cho hành động này chính là lệnh cấm phá thai trong mọi trường hợp của Malta - quốc gia duy nhất ra lệnh này ở Liên minh châu Âu (EU).
Sau đó, cô đã được chuyển đến đảo Mallorca của Tây Ban Nha để kết thúc “cơn ác mộng”. Với cô và người bạn đời Jay Weeldreyer, đây mới là lúc họ thực sự cảm thấy đau buồn vì nỗi mất mát này.
Chỉ khi đến Tây Ban Nha, họ mới có thể đưa đứa bé ra ngoài, ôm con và nói lời tạm biệt. Nhân viên đã đưa cho cặp đôi một cái chăn và ngôi sao để treo lên cây - cách để đại diện cho một sinh linh đã ra đời tại bệnh viện.
Ngay khi đến bệnh viện ở Mallorca, một nhân viên y tế nhận ra Prudente. “Cô ấy nói: ‘Tôi đã thấy cô trên bản tin’. Và cô ấy ôm chầm lấy tôi”, Prudente nói.
Cô đã xuất viện vào cuối tuần này và đợi hồi phục sức khỏe trước khi lên đường trở về Seattle, theo Guardian.
"Tôi tin vào y học chứ không phải phép màu"
Nhờ có bảo hiểm du lịch, cặp đôi mới có thể rời khỏi Malta. Công ty bảo hiểm nhận định khách hàng của mình đang gặp rủi ro lớn, nên họ đã gửi một phi cơ riêng cùng bác sĩ phẫu thuật từ Bỉ để chuyển cô tới Mallorca an toàn.
“Chúng tôi nhận được đặc ân lớn này vì chúng tôi là công dân Mỹ, đồng thời có khả năng chi trả cho bảo hiểm. Nếu như không có công ty bảo hiểm và nếu chúng tôi không phải người nước ngoài, không có chuyện chúng tôi có thể rời khỏi hòn đảo đó”, Weeldreyer nói.
Anh nói bản thân choáng váng khi nhìn lại những gì hai vợ chồng phải trải qua. Các nhà hoạt động chống phá thai trên mạng xã hội đã liên lạc với cặp đôi, kêu gọi họ không can thiệp và nói “phép màu có thể xảy ra”.
“Chúng tôi tin vào y học chứ không phải phép màu”, anh Weeldreyer nói.
Jay Weeldreyer và Andrea Prudente không hề biết rằng việc phá thai là bất hợp pháp ở Malta khi họ đến một bệnh viện trên đảo. Ảnh: New York Times. |
Giáo sư Isabel Stabile - bác sĩ phụ khoa tại Doctors for Choice Malta - đã chứng kiến 2 trường hợp tương tự cô Prudente từ đầu năm đến nay. Nhưng với họ, chờ cho đến khi tim thai nhi ngừng đập là lựa chọn duy nhất.
“May mắn là những người phụ nữ này vẫn ổn, về mặt thể chất”, bà nói, nói thêm rằng họ “quẫn trí về mặt tinh thần”.
Đầu tuần này, Doctors for Choice đã gửi bản kiến nghị pháp lý lên tòa án dân sự của Malta, trong đó gồm chữ ký của 135 bác sĩ yêu cầu xem xét lại lệnh cấm phá thai. Các bác sĩ cho biết luật pháp ràng buộc họ trong những trường hợp giống như cô Prudente, khi các chuyên gia y tế phải cân nhắc chăm sóc bệnh nhân trước nguy cơ bị truy tố vì bỏ thai nhi.
Theo luật phá thai của Malta từ những năm 1850, phụ nữ phá thai phải đối mặt với án tù 3 năm, trong khi bác sĩ có liên quan bị phạt tới 4 năm, cũng như bị tước giấy phép hành nghề.
“Luật pháp hiện hành không bảo vệ họ (bác sĩ) trong khi họ cố gắng bảo vệ mạng sống của phụ nữ”, bà Stabile nói.
Bà nói rằng những người ký vào bản kiến nghị đơn giản chỉ muốn loại bỏ nguy cơ bị tước giấy phép hành nghề khi họ mong muốn được chăm sóc cho thai phụ.
Nghiên cứu năm 2019 cho thấy hơn 60% bác sĩ ở Malta ủng hộ hợp pháp hóa phá thai trong những trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ, và khi thai nhi không thể sống sót được nữa.
Trong khi đó, các nhóm chống phá thai chỉ ra tỷ lệ thai phụ tử vong thấp ở Malta, nói đó là bằng chứng cho thấy lệnh cấm phá thai không đẩy bệnh nhân vào nguy hiểm, và các bác sĩ sẽ can thiệp trong trường hợp tính mạng người mẹ gặp rủi ro.
Tuy nhiên, bà Stabile lập luận không thể lấy tỷ lệ tử vong của người mẹ là thước đo để cho rằng họ được chăm sóc y tế đầy đủ. Anh Weeldreyer và cô Prudente nói rằng khi họ chuẩn bị rời Malta, một bác sĩ tại Mater Dei từng thực tập ở London nói với họ rằng nếu Prudente ở Anh, anh sẽ can thiệp ngay khi nhìn thấy kết quả siêu âm của cô.
Chỉ còn lại "đống cảm xúc đổ nát"
Cơn ác mộng của Prudente ở Malta có thể trở thành hiện thực với nhiều phụ nữ ở Mỹ. Vào ngày cô được chuyển từ Malta đến Mallorca, Tòa án Tối cao Mỹ đã tước bỏ quyền phá thai, khiến nhiều bang bắt đầu ban hành lệnh cấm phá thai.
Tòa án tối cao Mỹ đã lật ngược quyết định án lệ Roe v Wade vào hôm 24/6, khiến chủ đề phá thai lại một lần nữa gây chia rẽ nước Mỹ. Ảnh: NPR. |
Mặc dù nhiều bang cho phép phá thai trong một số trường hợp, ví dụ như để cứu sống người mẹ, các chuyên gia cảnh báo những thuật ngữ mơ hồ này ảnh hưởng đến quyết định phán đoán của bác sĩ.
"Quả là một bước thụt lùi", cô Prudente nói khi án lệ Roe v Wade bị lật ngược, đồng thời lưu ý những ai phải trải qua tình cảnh giống cô sẽ phải tới bang khác để nhận được sự chăm sóc y tế mà họ cần.
Giờ đây, cô đang chuẩn bị về nhà và vượt qua “đống cảm xúc đổ nát”, ban đầu vốn là babymoon (chuyến du lịch trước khi sinh con), sau đó thành trường hợp cấp cứu y tế, rồi cuối cùng là sự cố quốc tế.
Cô muốn kể về trải nghiệm của mình nhằm vận động chống lại lệnh cấm phá thai trên khắp thế giới. "Chúng tôi vô tình trải qua chuyện này, và muốn dùng nó để gây tác động khi chia sẻ trung thực câu chuyện của chúng tôi”, cô nói.
Trong khi đó, anh Weeldreyer đưa ra lời cảnh báo đáng buồn: “Nếu bạn biết một người phụ nữ, nếu bạn yêu một người phụ nữ, nếu bạn có kế hoạch quen biết hoặc yêu một người phụ nữ, hoặc nếu bạn là phụ nữ, thì đừng đến Malta”.