Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Du khách Mỹ cận kề cái chết vì lệnh cấm phá thai ở Malta

Lệnh cấm phá thai ở Malta đã khiến Andrea Prudente, một phụ nữ Mỹ, gặp phải tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi đối mặt với các biến chứng gây nguy hiểm tính mạng trong thai kỳ.

lenh cam pha thai anh 1

Andrea Prudente, một nhiếp ảnh gia 38 tuổi sống ở Mỹ và bạn trai cô, Jay Weeldreyer, mong đợi chuyến đi đến Malta sẽ là một “babymoon (chuyến du lịch sinh con)”. Tại đây, họ có thể tận hưởng ánh nắng và tham quan các điểm du lịch tại địa phương.

Tuy nhiên, vài ngày sau khi đến Malta, cô Prudente, khi đó đang mang thai 16 tuần, bắt đầu bị sảy thai. Theo tiến sĩ Isabel Stabile, một bác sĩ phụ khoa, cô bị vỡ ối và nhau thai bắt đầu bong ra, khiến thai nhi khó có thể sống sót.

Hai vợ chồng Prudente rất đau xót. Tuy nhiên, sau đó họ phát hiện ra rằng tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn tưởng tượng, và mạng sống của chính cô Prudente cũng đang gặp nguy hiểm, theo New York Times.

Trở ngại lớn

Tiến sĩ Stabile cho biết kết quả chụp cắt lớp cho thấy cổ tử cung của Prudente đã mở và dây rốn nhô ra, khiến cô có nguy cơ tử vong do nhiễm trùng. Cách tốt nhất để bảo vệ cô Prudente khỏi những biến chứng nguy hiểm đó là lấy nhau thai và thai nhi ra khỏi tử cung.

Song cô Prudente sớm phải đối mặt với một trở ngại lớn: Vì tim của thai nhi vẫn chưa ngừng đập, thủ tục này sẽ bất hợp pháp ở Malta, nơi phá thai bị coi là bất hợp pháp.

Trừ khi cô có thể tìm cách rời khỏi đất nước, lựa chọn duy nhất là chờ đợi, có thể trong vài tuần, để thai nhi chết, đồng thời hy vọng điều đó không khiến cô tử vong. Tuy nhiên, vì tình trạng sức khỏe yếu ớt, rất khó để đưa cô rời khỏi Malta.

lenh cam pha thai anh 2

Jay Weeldreyer và Andrea Prudente không hề biết rằng việc phá thai là bất hợp pháp ở Malta khi họ đến một bệnh viện trên đảo. Ảnh: New York Times.

Đó là một mối nguy hiểm mà phụ nữ ở Malta, Ba Lan và nhiều nơi khác phải đối mặt. Tại đó, tất cả hoặc gần như tất cả trường hợp phá thai đều bị cấm. Và đây cũng là điều mà một số phụ nữ ở Mỹ phải đối mặt sau khi Tòa án Tối cao hôm 25/6 lật ngược phán quyết Roe kiện Wade.

Anh Weeldreyer và cô Prudente không hề biết rằng việc phá thai là bất hợp pháp ở Malta khi họ đến bệnh viện vào ngày 19/6. Không ai ở đó giải thích các rào cản pháp lý cho họ.

Weeldreyer còn cho biết họ thậm chí không thể tin tưởng vào can thiệp phẫu thuật nếu cô Prudente bị nhiễm trùng, gây đe dọa tính mạng.

Trước đó, Savita Halappanavar, một phụ nữ trẻ ở Ireland, đã rơi vào trường hợp khá giống cô Prudente vào năm 2012. Túi ối của cô Halappanavar bị vỡ sớm, nhưng trái tim của thai nhi vẫn tiếp tục đập.

Vào thời điểm đó, phá thai là bất hợp pháp ở Ireland, vì vậy các bác sĩ từ chối phá thai. Sáu ngày sau, cô Halappanavar bị nhiễm trùng, ngừng tim và chết. Vụ việc đó đã làm dấy lên lời kêu gọi về quyền phá thai và thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý hợp pháp hóa việc phá thai ở Ireland vào năm 2018.

Khó tìm lối thoát khỏi Malta

Khi cô Prudente nhận ra mình đang gặp nguy hiểm đến mức nào, cô và anh Weeldreyer bắt đầu hoảng sợ.

Đã có lúc cô băn khoăn không biết có nên nhờ Weeldreyer đấm vào bụng để đẩy nhanh giai đoạn cuối của thai kỳ.

Từ phòng bệnh, hai vợ chồng cô điên cuồng tìm kiếm trên mạng, cố gắng tìm một người có thể giúp đỡ. Cuối cùng, họ đã tìm thấy tiến sĩ Stabile - một bác sĩ phụ khoa và Lara Dimitrijevic, một luật sư về quyền phụ nữ.

Cả hai đều có cùng một lời khuyên: Hãy rời khỏi Malta.

Tuy nhiên, họ khó tìm một lối thoát an toàn ra khỏi đảo quốc Địa Trung Hải này. Tình trạng của cô Prudente khiến việc đi lại trở nên rủi ro: Nếu cô bị xuất huyết, cô có thể bị chảy máu đến chết trong chuyến bay, trừ khi được can thiệp y tế ngay lập tức.

lenh cam pha thai anh 3

Biểu tình phản đối lệnh cấm phá thai của Malta, bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Valletta, hôm 22/6. Ảnh: Reuters.

“Bạn không thể chỉ đưa cô ấy lên một chuyến bay thương mại đến thủ đô gần nhất của châu Âu”, tiến sĩ Stabile nói. Ông cho biết ngay cả việc tiếp cận nơi có quyền tài phán dễ dàng hơn bằng phương tiện cứu thương hàng không cũng đặt ra những vấn đề lớn.

Hoàn cảnh của cô Prudente làm nổi bật một thực tế nghiệt ngã về lệnh cấm phá thai: Phụ nữ có thể không được đến các khu vực pháp lý khác để chấm dứt thai kỳ, khi họ cần làm điều đó một cách khẩn cấp.

Ở Malta, phụ nữ nói chung không có cách nào để thoát khỏi hòn đảo nếu họ gặp các biến chứng y tế như cô Prudente, tiến sĩ Stabile nói. Xe cứu thương hàng không có giá hàng nghìn USD, và rất ít người dân có bảo hiểm y tế tư nhân.

“Tất nhiên tình hình đối với phụ nữ Malta còn tồi tệ hơn nhiều. Giải pháp cho cặp đôi này là phải di chuyển. Nhưng đối với một người dân địa phương, đó không phải là một lựa chọn khả thi”, tiến sĩ Stabile nói.

Cô Prudente có bảo hiểm cá nhân chi trả cho việc sơ tán y tế. Tuy nhiên, ngay cả điều đó vẫn chưa đủ để đưa cô ấy đến nơi an toàn.

Ông Weeldreyer cho biết bệnh viện ở Malta phải mất tới hơn 24 giờ để cung cấp hồ sơ y tế cần thiết để phục vụ cho việc chuyển viện, từ đó gây ra sự chậm trễ.

IMG, công ty bảo hiểm của cô, ban đầu hy vọng sẽ đưa Prudente đến London. Tuy nhiên, họ từ bỏ lựa chọn đó khi đội ngũ y tế xác định rằng chuyến bay kéo dài 3 giờ là quá rủi ro, ông Weeldreyer cho biết.

Italy, nước láng giềng gần nhất của Malta, cũng bị loại trừ vì rất nhiều bác sĩ của nước này từ chối thực hiện phá thai. Từ đó, họ không thể tin rằng cô Prudente sẽ nhận được sự chăm sóc mà cô cần.

Hôm 22/6, IMG đã thông báo một kế hoạch mới: Họ sẽ đưa cô Prudente đến một bệnh viện ở Mallorca, Tây Ban Nha. Mặc dù không gần bằng Italy, đây là điểm đến gần nhất mà họ cảm thấy có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc đáng tin cậy. IMG hiện hy vọng sẽ sơ tán cô Prudente vào tối 23/6.

Mỗi giờ cô Prudente chờ đợi càng làm tăng thêm nguy cơ nhiễm trùng hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác, cũng như nỗi đau tâm lý khi bị mắc kẹt trong đau buồn và sợ hãi.

“Cảm giác như bị tra tấn”, cô Prudente nói. “Giả sử tôi sống sót sau chuyện này, tôi muốn điều này thay đổi”, cô nói.

"Điều này là sai, và nó sẽ không xảy ra với bất kỳ ai khác”, cô cho biết thêm.

Nghịch lý quyền phá thai ở châu Á

Tại châu Á, quyền phá thai vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi khi khu vực này đối mặt với các vấn đề chồng chéo phức tạp, soi chiếu từ tôn giáo, văn hóa, luật pháp cho đến chính trị.

Cơn ác mộng vì luật hạn chế phá thai ở Ba Lan

Lệnh cấm phá thai ở Ba Lan đã gây ra nhiều hậu quả khôn lường, trong đó có cả việc bác sĩ ngần ngại loại bỏ thai nhi hoặc điều trị ung thư để cứu sống người mẹ vì sợ bị truy tố.

Vân Đinh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm