Nới điều kiện mua nhà cho 'Tây'
Dự thảo Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi nhiều khả năng sẽ "cởi trói" cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Hai hướng được Bộ Xây dựng đưa ra trong dự thảo là cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở để xây dựng nhà như cá nhân trong nước. Hướng thứ hai, với tổ chức và cá nhân nước ngoài, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà ở cũng như loại nhà được sở hữu, quyền mua nhà từ chỉ mua căn hộ sang mua cả biệt thự và nhà ở riêng lẻ.
Trước đây, theo nội dung Luật 34/2009/QH12 về sửa đổi điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai, người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn có quyền sở hữu nhà để bản thân và cá thành viên sinh sống tại Việt Nam phải có phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên. Với quyền sử dụng đất, đối tượng được cấp là những người Việt định cư ở nước ngoài đã có sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Cả nước hiện nay có 121 trường hợp cá nhân người nước ngoài được sở hữu nhà, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là quá ít và chưa kích thích được những đối tượng này đến làm việc, định cư. |
Còn Nghị quyết số 19/2008/QH12 về thí điểm cho người nước ngoài là tổ chức, cá nhân. Theo văn bản luật này, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở Việt Nam phải là người có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam hoặc được doanh nghiệp tại Việt Nam thuê giữ chức danh quản lý; cá nhân có đóng góp cho Việt Nam và được Chủ tịch tặng thưởng huân chương; có vợ (chồng) là người Việt Nam, cư trú ở Việt Nam từ 1 năm trở lên; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp. Thời hạn sở hữu nhà của những cá nhân người nước ngoài, theo quy định, cũng chỉ tối đa 50 năm với các loại hình nhà để ở.
Luật cũ làm khó người mua nhà?
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc yêu cầu người Việt định cư ở nước ngoài muốn được mua nhà phải được cấp phép cư trú ít nhất 3 tháng vô hình trung đang làm khó cho các đối tượng này. Các chuyên gia cho rằng, theo xu thế chung hội nhập thế giới, cần phải mở cửa cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Đây cũng là một trong những điều kiện để nhiều người xem xét đến làm việc, định cư ở một nước. Nhiều người đánh giá, cả nước mới có 400 trường hợp bà con kiều bào thuộc diện được sở hữu một nhà ở Việt Nam; có 121 trường hợp cá nhân nước ngoài sở hữu căn hộ chung cư tại Việt Nam là quá ít.
Ông Trần Kim Chung, Viện phó viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm, buộc phải có và phải đưa vào luật qui định thật cụ thể, rõ ràng vấn đề mở cửa cho người Việt ở nước ngoài, người nước ngoài ở Việt Nam mua, sở hữu nhà, bất động sản. Tuy nhiên, song song với đó, cần tính đến các yếu tố khác, sao cho phù hợp.
Vụ trưởng vụ nghiên cứu tổng hợp về công tác cộng đồng, Bộ Ngoại giao Tạ Nguyên Ngọc đánh giá, đây là vấn đề lớn, có tác động sâu rộng về kinh tế, xã hội và lòng tin của kiều bào. Tuy nhiên, một số quy định hiện nay về nhà ở tại Việt Nam cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn chồng chéo. Theo quy định, người có hộ chiếu nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam có thể làm thủ tục để được xác nhận có quốc tịch Việt Nam để được sở hữu nhà, đất không hạn chế nhưng giấy xác nhận chỉ có giá trị 6 tháng. Vậy, nếu giấy này hết hạn, chưa làm xong thủ tục chủ quyền nên không thể tiếp tục làm, hoặc xong thủ tục chủ quyền nhưng giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam hết thời hạn thì có bị xem là phạm luật khi sở hữu nhà đất?, ông ngọc thắc mắc…
Ông Ngọc kiến nghị cần quy định rõ vấn đề này để thông quyền sở hữu nhà ở Việt Nam cho kiều bào, người nước ngoài. Cần sớm giải quyết những bất cập, vướng mắc về giấy tờ, thủ tục liên quan đến sở hữu nhà, quyền sử dụng đất của kiều bào. Không yêu cầu kiều bào xuất trình hộ khẩu khi công chứng hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất. Cho phép người Việt định cư ở nước ngoài thuộc diện có quyền sở hữu nhà ở trong nước được nhận chuyển nhượng đất của cá nhân trong nước; khi được sở hữu nhà, đất có đầy đủ quyền, nghĩa vụ như người trong nước…
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, trong suốt quá trình soạn thảo hai Luật trên, Bộ Xây dựng sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến. Dự kiến, trong quý III sẽ có dự thảo lần 1 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan và chuyên gia. Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ trình Chính phủ trong tháng 10 tới.
Hoàng Anh
Theo Infonet