Đề xuất cho người nước ngoài sở hữu nhà từ 30 triệu đồng/m2
Ngoài việc đáp ứng giá mua nhà không được thấp hơn 30 triệu đồng/m2, người nước ngoài còn cần ở một khu riêng để đảm bảo an toàn.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, một trong những biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường là Nhà nước cần có cơ chế mua lại căn hộ có diện tích phù hợp để phục vụ chương trình tái định cư cũng như mở rộng điều kiện cho người nước ngoài được sở hữu căn hộ tại Việt Nam. Trong đó, cần quy định rõ ràng 2 điều kiện nếu nới rộng việc mua nhà cho người nước ngoài, đó là chỉ được mua căn hộ có giá không thấp hơn 30 triệu đồng/m2 và quy định tại khu riêng để đảm bảo an ninh.
Với quy định hiện hành, để được mua nhà tại Việt Nam trong 50 năm, người nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện tương đối chặt chẽ |
Biện pháp tiếp theo, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hoặc cho phép điều chỉnh công năng dự án, quy hoạch chi tiết, thiết kế căn hộ phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng. Phương án cụ thể là những căn lớn hơn 80m2 được điều chỉnh thành quy mô vừa và nhỏ, tối thiểu 25m2/căn như đề xuất của Bộ Xây dựng. Ngoài ra, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi khoảng 8%/năm với thời hạn 5-10 năm cho người mua căn hộ đầu tiên, đang ở chật dưới 5m2/người.
Theo Nghị quyết 19/2008/QH12 và Nghị định 51/2009/NĐ-CP, người nước ngoài muốn mua, sở hữu nhà tại Việt Nam trong 50 năm tối đa cần đáp ứng yêu cầu “có thẻ thường trú, thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự”. Theo ông Châu, các quy định này đã hạn chế số người nước ngoài đủ điều kiện mua căn hộ, nên cần nới rộng cho nhóm đối tượng này. Điều đó, theo đánh giá của Hiệp hội, có thể góp phần xây dựng và phát triển thị trường, phù hợp thông lệ quốc tế.
Một số bất cập hiện nay của thị trường, theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, là việc cung cầu trong từng phân khúc mất cân đối và hành lang pháp lý để phát triển căn hộ nhỏ và vừa diện tích tối thiểu 25 m2/căn chưa có. Trong khi đó, đây lại là phân khúc đáp ứng được nhu cầu của người mới ra trường, mới lập nghiệp, vừa kết hôn hay sống độc thân. Thêm vào đó, nhu cầu căn hộ giá mềm nhiều, song nguồn cung chưa đủ khiến cho thị trường biến tướng, xuất hiện loại hình căn hộ mới chưa có hành lang pháp lý. Tại TP.HCM, có thể kể đế các căn hộ mua bán có thời hạn, (dự án của Kinh Đô Land), cho thuê 15 năm với giá trọn gói 240 triệu đồng (tương đương 1,3 triệu đồng/tháng), xây nhà trên đất của đơn vị khác rồi cho thuê lại…
Giá bất động sản tại Việt Nam còn cao, theo ông Châu, là do một số yếu tố chi phí như bồi thường giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, vốn, xây dựng, nguyên vật liệu, nhân công và thuế cao, thủ tục hành chính kéo dài. Hiện nay, vấn đề lớn nhất của thị trường nhà đất vẫn là hàng tồn kho quá lớn. Hầu như tất cả các phân khúc đều có hàng tồn kho, dự án, công trình, đền bù dở dang... càng khiến cho niềm tin quay lại thị trường của người tiêu dùng, nhà đầu tư giảm sút.
Nợ xấu đọng riêng trong bất động sản là hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 57% tổng dư nợ cả nước. Tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bất động sản có dư nợ lớn, khoản vay trở thành nợ xấu cộng với lãi suất vay rất cao đang là gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Ông Lê Hoàng Châu chia sẻ: “Giá bất động sản đang giảm sâu, thậm chí có nơi giá giảm đến 30%, công ty chịu bán lỗ với mức 11,9 triệu đồng/m2 căn hộ mà vẫn không bán được hàng”.
Hoàng Anh
Theo Infonet